Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý

Thứ sáu, 03/11/2017 09:00

Sau 2,5 ngày làm việc, sáng 2-11, Quốc hội đã hoàn thành nội dung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Trong 2,5 ngày thảo luận, có 94 đại biểu phát biểu và 27 đại biểu tham gia tranh luận.

Cuối phiên họp sáng 2-11, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình các nội dung mà các đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận.

Huy động tối đa nguồn lực

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra, bên cạnh những thuận lợi thì không ít những khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai diễn ra liên tiếp, diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm huy động tối đa các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017-2018 của Việt Nam đã tăng 5 bậc; Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 dự kiến Việt Nam sẽ tăng 14 bậc. "Đây là tín hiệu rất mừng về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như môi trường phát triển của Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung điều hành, chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, lĩnh vực, sản phẩm... tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn mới. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định lộ trình, cơ cấu vốn đầu tư một cách khoa học, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; xác định những dự án ưu tiên; tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển mạnh những doanh nghiệp. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là lấy doanh nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự tham gia của người dân với vai trò quyết định thành công của sản xuất, phân phối sản phẩm.

Về công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, trong đó lấy phòng ngừa là chính. Bên cạnh đó, tập trung lồng ghép việc phòng chống thiên tai trong xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tốt chương trình ứng phó biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh; quy hoạch phân bổ lại dân cư, tập trung vào khu vực miền núi Bắc bộ, Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long; bảo vệ nguồn nước ngọt, bảo vệ rừng, đê điều, hồ đập...

Đề nghị bổ sung đội ngũ giáo viên và kinh phí

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tán thành với đề nghị lùi thời gian thực hiện Nghị quyết số 88 theo hướng: Chậm một năm đối với cấp tiểu học, chậm hai năm đối với cấp THCS và chậm ba năm đối với cấp THPT. Theo đại biểu, đây là việc hệ trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cả một thế hệ nên việc chuẩn bị cẩn trọng để đảm bảo chất lượng là rất cần thiết. Cần có kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng các bộ môn học mới: Cấp THPT cần khoảng 2.700 giáo viên âm nhạc và 2.700 giáo viên Mỹ thuật, bổ sung khoảng 3.828 giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học. Sớm triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo ĐB, quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự phân công trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới. Nhưng nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương nên sẽ khó khăn cho địa phương trong việc bố trí ngân sách để thực hiện CTGDPT mới, trong khi đó tỷ lệ thời lượng giáo dục trong năm học dành cho nội dung địa phương, nhà trường được chủ động đưa vào cấp tiểu học 16%, cấp THCS và THPT là 28%, đòi hỏi địa phương cũng phải triển khai rất nhiều đầu việc. Do vậy, ĐB đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương và cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình.

PHẠM HỮU HOA

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại Hội trường.

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết: Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét; sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải; còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nhiều ý kiến thống nhất, năm 2018 là năm bản lề trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Dự báo năm 2018 kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn, song xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ sẽ tác động đến thương mại của các nước. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn khó khăn, thách thức. Đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chuyển biến chậm; biến đổi khí hậu và thiên tai, tác động xấu của ô nhiễm môi trường tiếp tục là những thách thức lớn đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

“Quốc hội tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các kế hoạch về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN

----------------------------------------------------------------------------------------------

Có thể hoãn khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014. Cụ thể, từ năm 2018 trở đi, 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất về việc dừng thực hiện khoản 2 Điều 56 Luật BHXH, bởi theo cách tính này, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn (10%) so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017.

Trao đổi bên lề Kỳ họp Quốc hội, ngày 2-11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH  Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã báo cáo Chính phủ vấn đề này, trong đó có phương án hoãn lộ trình thực hiện khoản 2, điều 56 đến năm 2022. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1-1-2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu, trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ và 60.000 lao động nam. Theo cách tính của khoản 2, điều 56 Luật BHXH, lao động nữ sẽ thiệt thòi hơn bởi lao động nam có lộ trình 5 năm, lao động nữ phải tính ngay. Vì vậy, trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, sẽ khoảng 21.000 lao động nữ thiệt thòi, trong số đó có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng từ  5-10% lương hưu.

P.V

----------------------------------------------------------------------------------------------