Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV: Nhiều “Tư lệnh” đăng đàn giải trình vấn đề nóng

Thứ năm, 02/11/2017 07:47

Trong ngày thứ hai thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, nhiều thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang phát biểu tại Hội trường.

Giữ mức bội chi trong giới hạn

Phát biểu giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ giữ mức bội chi trong giới hạn Quốc hội đã qua. “Chính phủ sẽ giữ bội chi ở mức trong giới hạn Quốc hội đã duyệt (3,5% GDP và dưới 178 nghìn tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây kiểm soát được bội chi. Chính phủ dự kiến năm 2018 đề xuất là 3,7%, sẽ xuống 3,6%, 2020 sẽ xuống 3,4%. Như vậy sẽ đảm bảo nợ công theo tính toán đến cuối 2018 sẽ là 63,9% GDP, tức là trong giới hạn Quốc hội cho phép” - Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu.

Về liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tỷ trọng thu nội địa đã tăng lên 83,3% và mục tiêu đến năm 2020 là 85%. Chính phủ cho rằng sẽ đạt được mục tiêu này. Về chi ngân sách, đầu tư có thể tăng lên, nhưng chi thường xuyên đã giảm xuống. Chính phủ quán triệt tinh thần tiết kiệm cao, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi ngân sách.

Sẽ ngăn chặn tình trạng trục lợi BHYT

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, về vấn đề thanh toán phí khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là vấn đề nhiều địa phương rất bức xúc vì chậm thanh toán, “treo” một lượng lớn tiền thanh toán, có tỉnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nước ta đã đạt được tỷ lệ bảo hiểm y tế khá cao (82%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao); chất lượng khám chữa bệnh từng bước nâng cao; giá dịch vụ nâng lên phù hợp với thực tế... Tuy nhiên, do giá dịch vụ tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên... nên nhiều địa phương bội chi quỹ bảo hiểm y tế... Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng sử dụng quá mức các dịch vụ, hành vi trục lợi bảo hiểm y tế (khoán trần chi phí), đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm khống chế tối đa tình trạng chi quá mức bảo hiểm y tế.

Giải quyết dứt điểm 12 dự án yếu kém

Về 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các dự án này rất phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để giải quyết vấn đề này, phải đánh giá toàn bộ, toàn diện những tồn tại, vướng mắc.

Trong giai đoạn 2016-2017, Chính phủ đã thành lập những Ban Chỉ đạo để đánh giá tổng thể, kết hợp với kiểm tra thực tế tại các dự án, đưa ra hướng giải quyết đồng thời ban hành các chính sách cụ thể để xử lý về mặt thương mại, công nghệ, vi phạm pháp luật của cá nhân và tổ chức đồng thời ngăn chặn phát sinh những dự án mới không có hiệu quả tương tự. “Bộ Chính trị đã thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là năm 2017 hoàn thành các bước chuẩn bị để triển khai xử lý. Năm 2018, tập trung giải quyết cơ bản những dự án tồn đọng này và đến 2020 sẽ giải quyết triệt để toàn bộ các khía cạnh, lĩnh vực. Hiện nay, 4 dự án phân bón đã khôi phục sản xuất, đang tiếp cận thị trường; 3 dự án xăng sinh học đang khởi động lại, năm 2018 sẽ tham gia thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đà Nẵng đề nghị xem xét lại chính sách thu tiền sử dụng đất đối với các hộ tái định cư

Ngày 1-11, tham gia phát biểu ý kiến ở Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, cử tri TP Đà Nẵng đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét lại chính sách thu tiền đất đối với các hộ gia đình tái định cư, với mong muốn Chính phủ có quyết định kịp thời, hợp lòng dân.

Theo ĐB, trong thời gian 20 năm qua, thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, hơn 110.000 hộ gia đình ở Đà Nẵng dù không muốn nhưng vì lợi ích chung, đã chấp nhận bàn giao đất đai của tổ tiên, ông bà, cha mẹ để lại bao đời nay để di dời đến khu tái định cư mới. Trong đó có gần 8.000 hộ khó khăn, hầu hết những hộ này là gia đình chính sách, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo, không có đủ điều kiện để trả tiền đất tái định cư ngay khi nhận đất, bởi vì giá bồi thường, hỗ trợ cũng chỉ đủ để xây dựng nhà cửa tại nơi ở mới và họ được nhà nước cho nợ tiền đất trong 5 năm, 10 năm. Thời gian cho nợ tiền sử dụng đất đến ngày 31-12-2017 là hết hạn. Theo quy định, từ ngày 1-1-2018, người dân trả tiền sử dụng đất phải trả theo giá đất tại thời điểm trả nợ và số tiền lúc này sẽ tăng lên từ 3 đến 5 lần so với số tiền nợ trước đây. Điều này làm cho người dân hết sức lo lắng, khó khăn lại càng khó khăn hơn bởi vì một lần đã khó trả nợ nay tăng lên gấp nhiều lần thì lấy tiền đâu mà trả nợ?

Đại biểu Nguyễn Thanh Quang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại quy định trên, tính toán thật kỹ khả năng trả nợ của người dân, bởi vì cử tri Đà Nẵng cho rằng tích lũy của họ hàng năm cũng chỉ trả được từ 5-7% và như vậy phải tích cóp từ 15 năm đến 20 năm mới đủ sức trả hết nợ tiền sử dụng đất cho nhà nước. Trước mắt, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho người dân được gia hạn thêm từ 3 tháng đến 6 tháng nữa mới trả nợ và điều này không chỉ có 8.000 hộ dân Đà Nẵng mà chắc chắn còn hàng chục ngàn hộ dân ở các tỉnh, thành phố khác có tình trạng tương tự đang trông chờ quyết định của Quốc hội và Chính phủ.

PHẠM HỮU HOA

Nông nghiệp thu về 35 tỷ USD

Báo cáo về nội dung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết có rất nhiều áp lực, điều kiện bắt buộc phải tập trung để xử lý trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, nổi lên hai nguyên tắc mang tính chất cơ bản, đó là tính thích ứng với biến đổi khí hậu và tính thích ứng với thị trường. Biến đổi khí hậu hai năm qua cho thấy một bức tranh diễn biến của biến đổi khí hậu cực đoan hơn, gay gắt hơn, có nhiều dị thường hơn cả kịch bản dự đoán và đã gây tổn thất rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì thế trong tái cơ cấu nông nghiệp, phải coi đây là một nguyên tắc cơ bản để tiến hành tái cơ cấu, kể cả quy mô ngành hàng quốc gia, quy mô ngành hàng vùng và quy mô ngành hàng địa phương.

 Bộ trưởng cho rằng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam không chỉ thỏa mãn cho nhu cầu trong nước mà còn xuất đi 180 nước với 30 tỷ USD năm 2016 và năm nay dự kiến là 35 tỷ USD. Chúng ta đã có một nền kinh tế mở về nông nghiệp thì cũng phải chấp nhận hàng hóa nông sản bên ngoài tràn vào, nếu không tính toán kỹ, xác định những sản phẩm thế mạnh, có giá thành phù hợp, có sự cạnh tranh về chất lượng thì không thể chiến thắng được, thậm chí thua trên sân nhà.

“Chúng ta có làm được điều này không? Phải khẳng định là nếu tập trung quyết liệt chúng ta làm được”, Bộ trưởng nói và cho biết trong biến đổi khí hậu cũng tạo ra những cơ hội mới mà nếu biết cách tận dụng, chúng ta có thể xoay chuyển bằng cách hướng vào những ngành hàng phù hợp, mang lợi thế cạnh tranh. Ví dụ được Bộ trưởng đưa ra là Đồng bằng sông Cửu Long trước đây tập trung theo ưu tiên lúa gạo - thủy sản - trái cây thì nay chuyển sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.

“Trên thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng 5-7% mỗi năm. Chúng ta lựa chọn hai con điển hình là tôm và cá tra. Riêng con tôm, thế giới này 7 tỷ người, mỗi người ăn một cân thì là 7 triệu tấn, trong khi hiện nay mới có 5 triệu tấn cung ứng, rõ ràng một khoản còn rất lớn”, Bộ trưởng Cường lạc quan, tin tưởng đến năm 2025 ngành hàng này có thể đem lại giá trị 8-10 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng chưa bao giờ nông nghiệp được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và toàn xã hội như giai đoạn này. Mặc dù hiện nay mới có hơn 4.000 doanh nghiệp nhưng sự vào cuộc đối với khu vực nông nghiệp là rất quyết liệt, tất cả các ngành hàng lớn đều có doanh nghiệp lớn làm rường cột, có những doanh nghiệp xuất khẩu tới 600-700 triệu USD/năm.

Theo chương trình, sáng 2-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

THU THỦY – TTXVN

Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề lương của cô giáo Lan

Vấn đề về thu nhập, tiền lương và các chế độ trong ngành giáo dục đã bàn đến từ lâu và được xã hội rất quan tâm. Thời gian gần đây, dư luận lại xôn xao về trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh sau 37 năm công tác, khi về hưu chỉ được nhận 1,3 triệu đồng tiền lương. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mức lương như vậy là quá thấp, khó có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống trong điều kiện hiện nay.

Cô giáo Trương Thị Lan.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, truyền thống của đất nước ta từ xa xưa luôn có hai người thầy được nhân dân tôn trọng nhất, đó là thầy giáo và thầy thuốc. Ngày xưa, giáo viên được coi là những người tài nhất. Ngoài sự tôn trọng về tinh thần, những người thầy còn phải được hưởng thụ về mặt vật chất.

Đại biểu cho rằng, trong bất kỳ thời đại nào, người thầy vẫn luôn cần được tôn vinh và hưởng những chế độ về mặt vật chất một cách xứng đáng. Để nâng cao đời sống cho giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, theo ông Dương Trung Quốc, rất cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Việc điều chỉnh tiền lương cho giáo viên phải coi là bài toán tổng thể, được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Liên quan đến lương của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Đại biểu cho biết, xét về pháp luật, việc trả lương 1,3 triệu đồng cho cô giáo Trương Thị Lan không sai. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, cô Lan thực chất đi dạy 35 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm. Số năm đóng bảo hiểm của cô Lan là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu đồng, làm căn cứ bảo hiểm xã hội. Khi cô Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, lương hưu của cô giáo chỉ được 1.270.000. Theo quy định, tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu, lương thấp hơn mức lương cơ sở, sẽ được bằng lương cơ sở. Như vậy, mức lương 1.300.000 đồng của cô giáo Lan là hoàn toàn đúng theo quy định.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, mức lương chung của ngành giáo dục hiện nay là thấp và Trung ương đang tiến hành khảo sát cải cách chế độ tiền lương, nên sẽ tính theo cách đóng bảo hiểm cao hơn và dài hơn để được hưởng cao hơn.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trường hợp của cô giáo Lan cho thấy nhiều bất cập trong ngành giáo dục, nhất là vấn đề về thu nhập. Theo đại biểu, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có bước đột phá trong công tác giáo dục mầm non, thông qua các giải pháp nhằm nhận thức đúng vị trí bậc học nền tảng và đặc biệt quan trọng này. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất ngành giáo dục nghiên cứu tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non; đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, hướng đến quyết tâm không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh.

P.V