“Kỷ nguyên vàng” cho quan hệ Trung-Anh

Thứ tư, 21/10/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du của ông Tập Cận Bình lần này đánh dấu lần đầu tiên một vị Chủ tịch Trung Quốc đến Anh trong vòng 10 năm qua và chính thức mở ra cơ hội lịch sử cho quan hệ hai quốc gia Á-Âu.

Trong ngày 20-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu ngày công du chính thức đầu tiên tại Anh trong bối cảnh Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron hy vọng sẽ củng cố vị trí béo bở của London là bạn thân nhất của Bắc Kinh ở phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đến Anh vào tối 19-10. Ảnh: Reuters

Cơ hội lịch sử

Nhà lãnh đạo Trung Quốc có bài phát biểu hiếm hoi trước Quốc hội Anh hôm 20-10, chính thức mở ra cơ hội lịch sử cho quan hệ song phương.

Trên thực tế, chính phủ của đảng Bảo thủ ở Anh được cho là liên tục tìm cách “tán tỉnh” Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong nhiều năm qua. Trong ngày 20-10, Thủ tướng Cameron bổ nhiệm ông Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc vào ban cố vấn thương mại của Anh, động thái được cho là nhằm ve vuốt Bắc Kinh.

Khi người tiền nhiệm của ông Tập, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, có chuyến thăm đến Anh vào năm 2005, cả hai công bố thỏa thuận thương mại trị giá 1,3 tỷ USD. Lần này, London cho biết, Trung-Anh đã ký các thỏa thuận thương mại tổng trị giá 46 tỷ USD. Ông chủ Nhà số 10 Phố Downing thậm chí không ngần ngại ca ngợi chuyến thăm này báo trước một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Trung-Anh. Một thỏa thuận dự kiến được ký kết trong chuyến thăm lần này của ông Tập là Bắc Kinh đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point của Anh, trị giá hàng chục tỷ USD.

Anh là quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập bất chấp việc Washington ép các đồng minh không tham gia vào hệ thống được cho là đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vốn do Mỹ đứng đầu. Năm 2014, Anh cũng là điểm đến hàng đầu cho đầu tư từ Trung Quốc.

Bị phủ bóng bởi vấn đề biển Đông

Dù được coi là sự khởi đầu của một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Trung-Anh, giới quan sát cho rằng, chuyến công du này có nguy cơ lu mờ bởi những lo ngại về sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Anh và những hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông.

Một số chính trị gia, doanh nhân và thương mại ở Anh báo động về nguy cơ Trung Quốc đang phát triển đầu tư trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Anh. Các thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ USD mà chính quyền London công bố cũng làm dấy lên những cáo buộc Anh đang nhún nhường trước Trung Quốc để bảo đảm các khoản đầu tư.  Thủ tướng Cameron cũng chịu áp lực thảo luận về vấn đề bảo trợ giá thép của Trung Quốc trên thị trường thế giới. Việc giá thép giảm mạnh do thép giá rẻ từ Trung Quốc, đẩy các nhà sản xuất của nước Anh vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Trong khi biển Đông vẫn đang nóng trên bàn nghị sự thế giới vì những hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình lại gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ khi có bài phát biểu được đánh giá là quá vô lý về vấn đề này. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters của Anh, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố biển Đông không phải vùng biển quốc tế mà “ao nhà” của Bắc Kinh. “Các đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại, do cha ông để lại”, ông Tập vô lý nói.

Trong khi Anh trải thảm đỏ đón ông Tập, chuyến thăm này cũng gây ngạc nhiên cho các đồng minh truyền thống của Anh, nhất là Mỹ. Vì lẽ này, những tuyên bố đầy vô lý này của ông Tập có nguy cơ thổi bùng căng thẳng Trung Quốc với Mỹ - quốc gia vốn dự kiến sẽ sớm điều tàu chiến đến tuần tranh ở biển Đông.

Khả Anh