Ký ức biển của một phóng viên ảnh
(Cadn.com.vn) - Nguyễn Đình Lạc là một trong những phóng viên ảnh xông xáo, thường xuyên tham gia, cộng tác trên hầu hết các tờ báo uy tín miền Trung và cả nước. 10 năm, trong thời gian công tác tại Tạp chí Hàng Hải, anh từng có chuyến hành trình 2 tháng trên biển, ghé qua 79 ngọn hải đăng trải dài dọc ven biển hình chữ S của đất nước. Anh cũng là phóng viên ảnh có cơ hội đặt chân ra vùng biển Hoàng Sa sớm nhất (2004)... Sau một cơn tai biến nhẹ, 2 năm gần đây, thị lực chỉ còn 50%, đi lại khó khăn, không thể tham gia hoạt động báo chí, nhiếp ảnh như xưa. Thế nhưng, mới rồi nghe tin anh em báo chí xuất quân ra biển rầm rộ, để phản ảnh tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đình Lạc lại rạo rực nỗi nhớ biển khơi...
Đình Lạc cho biết, anh đã có ít nhất 3 chuyến đi thực tế trên biển đáng nhớ nhất trong đời. Lần thứ nhất, vào năm 2003, anh đã thực hiện chuyến đi kéo dài 2 tháng... Điểm xuất phát cuộc hành trình khởi đầu từ Hải Phòng trên tàu Hải Đăng 1 của Xí nghiệp Biển Đông Hải Đảo. Do đang có gió mùa Đông Bắc nên tàu đành phải cắt vịnh Bắc Bộ. Hành trình trực chỉ ngọn Tiên Sa (Đà Nẵng), tàu sẽ đi dọc biển miền Trung, ghé qua các đảo Cù lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý; đến Côn Đảo, Phú Quốc trước mùa gió chướng Tây Nam, lại vòng về đảo Nam Du, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre rồi từ biển đi vào các cửa Định An, Hàm Luông, Ba Động, Bến Tre, Rạch Giá, Cửa Đại, Cửa Tiểu, Bồ Đề... để trở về lại biển miền Trung và hướng ra vịnh Bắc Bộ kết thúc chuyến công tác dài ngày.
Nhà báo Đình Lạc bên cạnh các tài liệu của anh viết về Hoàng Sa và Trường Sa. |
Điều thú vị nhất, qua chuyến đi đó, Đình Lạc đã tận mắt tiếp cận và ghi vào ống kính 79 ngọn đèn biển. Trong tổng số đó, có 8 hải đăng có tuổi hơn 100 năm, do người Pháp để lại, đến nay qua bảo quản vẫn sử dụng tốt: Bảy Cạnh ở Côn Đảo; Hòn Lớn-Nha Trang; Long Châu, Hòn Dấu-Hải Phòng; Núi Nai-Kiên Giang; Hòn Khoai-Cà Mau; Tiên Sa-Đà Nẵng và Mũi Dinh-Bình Thuận. Kể lại quá trình tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh những ngọn hải đăng, Đình Lạc cho biết: "Công việc của tôi hóa ra cũng rất phức tạp vì khi thì ánh sáng trên biển quá mạnh, khi thì trời mù, khi hơi sương, hơi nước... Lại phải chụp với tầm nhìn xa cỡ 1 km, trong khi tàu đang di chuyển, không dám cập gần bờ hơn...Có khi tàu ở xa quá, phải xuống canô rập rình trên sóng, đứng không vững, sơ sẩy là ướt máy! Đối tượng chụp cũng "ác" lắm, có đèn biển cao chót vót lẩn khuất trong cây rừng, tàu ở xa không thấy rõ, áp tới gần chỉ thấy được ngọn.
Tai quái như đảo Hòn Tre (Côn Đảo), chúng tôi đã quần hơn ba tiếng cũng không tài nào phát hiện ra đèn biển, liên lạc về Hải Phòng để xác định lại tọa độ cũng đành chịu, chỉ khi rời đảo hơn 1 hải lý, lúc đó mới thấy ánh đèn lấp lóa, nhưng chỉ đủ thời gian chụp ba kiểu ảnh, ánh sáng ấy lại mất tăm vào núi. Hoặc như khi tàu đến gần đảo Hòn Mê, khi liên lạc với trạm đèn, anh em trên ấy bảo "quan sát mãi cũng không hề thấy tàu đâu", còn tàu chúng tôi chỉ thấy mây trên đỉnh núi. Neo tàu chờ sáng mai tình hình cũng cứ vậy, trong khi đài báo gió mùa đông bắc sắp về, giữa vịnh Bắc Bộ khó tìm chỗ ẩn nấp...".
Sau khi lênh đênh trên biển suốt 2 tháng trở về, nghỉ ngơi được vài tuần, Đình Lạc lại tiếp tục được giao nhiệm vụ đi thực tế Trường Sa. Anh kể: "Sau 2 ngày 2 đêm, đầu tiên chúng tôi cập vào đảo nổi Song Tử Tây, cách Nha Trang 320 hải lý. Nơi đây có ngọn hải đăng cao 36m vừa tròn 10 năm tỏa sáng trên quần đảo Trường Sa (tính đến nay đã 20 năm). Một ngày một đêm sau, đến đảo thứ hai là đảo chìm Tiên Nữ. Hải Đăng của đảo Tiên Nữ được xây dựng từ năm 2000, được cho là hải đăng đẹp nhất Trường Sa. Tiếp đến là đảo nổi An Bàng, đảo chìm Đá Tây, và đảo chìm Đá Lát cũng là đảo đèn cuối cùng...".
Tháng 10-2004, Đình Lạc được cử tham gia chuyến tàu cứu nạn tàu ngư dân bị gặp nạn tại vùng biển Hoàng Sa. Ngày 10-10-2004, nhận được tin từ Đà Nẵng Radio có vụ nổ bình gas từ tàu cá ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa khiến nhiều người bỏng nặng, DANANG MRCC lập tức thẩm tra nguồn tin, xác định hiện trạng tọa độ tai nạn, đồng thời nối mạng cho Trung tâm Y tế 115 Đà Nẵng liên lạc qua sóng Radio hướng dẫn sơ cứu tạm thời. Theo thông tin ban đầu, tàu cá DN 0063 (do ông Huỳnh văn Ẳm, nhà đường Trần Cao Vân làm chủ tàu) bị tai nạn do xì bình ga khiến một người bị bỏng, đang ở tọa độ 15 độ 13,N, 110 độ 49 cách Đà Nẵng 180 hải lý.
Được lệnh điều động, tàu cứu nạn SAR 27-01 xuất phát lúc 11 giờ 35. Đình Lạc kể: "Thời điểm đó, tình hình Hoàng Sa không căng như bây giờ, nhưng dĩ nhiên ai cũng biết Trung Quốc luôn sẵn sàng lấn áp và uy hiếp tính mạng các ngư dân mình tại khu vực này. Do vậy, lãnh đạo tàu đã yêu cầu tàu cá DN 0063 mở hết tốc độ hướng vào bờ, vừa để bảo đảm tính mạng, vừa rút ngắn thời gian tiếp cứu nạn. Khi tiếp cận nhận định tình hình sóng gió cấp V, trời quá tối, phương án cập ca nô từ tàu SAR không tối ưu bằng huy động tàu cá dùng thuyền chai sắp sang khiêng cáng nạn nhân.
Khi tàu SAR vừa cập mạn lập tức nạn nhân được chuyển lên tàu để các bác sĩ cấp cứu (tại tọa độ 15 độ 33N, 110 độ 00E, cách Đà Nẵng 118 hải lý vào lúc 19 giờ 30). Ngay sau đó, tàu SAR quay lại Đà Nẵng với tốc độ cao nhất, đúng 3 giờ 35 sáng 11-10 đến bờ. Có thể nói thời gian tiếp cận vùng biển Hoàng Sa thời điểm ấy với tôi quá ngắn so với những chuyến đi khác, nhưng cảm xúc thật bồi hồi, giống như đứng trước khu vườn thân yêu của ngôi nhà mình đang bị người ta chiếm giữ...".
Đình Lạc tâm sự: "Mặc dù nay sức khỏe kém, không tham gia cùng anh em báo chí tác nghiệp được, nhưng tôi vẫn rất vui mừng khi biết có nhiều phóng viên trẻ dũng cảm tham gia các chuyến hải trình có mặt ở những "tọa độ nóng" trên biển Đông để phản ảnh kịp thời cuộc đấu tranh tuyên truyền buộc Trung Quốc dời giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển nước ta của các lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Đây chính là thực tế sống động nhất, là cơ hội để các phóng viên ảnh thỏa sức tác nghiệp".
Trần Trung Sáng