Ký ức buồn bên bờ sông Cái

Thứ năm, 17/03/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Hơn 50 năm trôi qua nhưng người dân ở P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) vẫn chưa nguôi khi nhớ về vụ máy bay Mỹ ném bom sát hại 45 em học sinh Trường tiểu học Mân Quang vào ngày 16-3-1965. Những hình ảnh, di tích còn được lưu giữ tại khu tưởng niệm 45 học sinh Mân Quang là bằng chứng tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam.

Khu mộ 45 học sinh Mân Quang xây dựng trên nền lớp học xưa, nơi xảy ra vụ ném bom thảm sát của đế quốc Mỹ.

50 năm trước, ông Trần Văn Tài (63 tuổi)-Bí thư Chi bộ Mân Quang là cậu học sinh duy nhất may mắn thoát chết trong vụ ném bom. Mắt ông như nhòa đi khi nghe tôi nhắc đến chuyện cũ ngày ấy: “Nếu như hôm đó tui cũng ra lớp học như mọi ngày... bởi sau trận bom, tất cả 45 học sinh làng Mân Quang đi học hôm ấy đều chết hết. Bữa đó tui bị ốm nên nghỉ học...”. Ông bảo, chiến tranh đã lùi xa, có những việc ông không còn nhớ được nữa, nhưng những gì xảy ra vào buổi chiều kinh hoàng khi máy bay Mỹ ném bom vào trường học ở làng Mân Quang thì ông không thể nào quên. Chuyện như vừa mới xảy ra hôm qua...

Trong những năm chống Mỹ, Mân Quang, Hòa Quý là vùng tranh chấp, giáp ranh, căn cứ cách mạng. Vào những năm 1965, đây là khu vực thường xuyên phải chịu sự đánh phá ác liệt của Mỹ-ngụy nhằm biến nơi đây thành vùng vành đai trắng, để địch dễ bề kiểm soát, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng.  Trước hôm xảy ra vụ thảm sát,  toàn bộ khu vực làng bị máy bay Mỹ tập kích ném bom dữ dội, mục tiêu chính là hệ thống giao thông hào kháng chiến, nơi chúng nghi tập trung đông người. Trưa 16-3-1965, hai chiếc máy bay L19 của giặc quần thảo, thả trái nổ xuống, khói trắng mù mịt, nhưng chẳng ai để ý, vì nghĩ máy bay giặc ngày nào chả quần thảo, bắn phá như vậy.

Buổi chiều, đúng vào lúc toàn bộ học sinh trường Tiểu học Mân Quang đang giờ ra chơi thì một bầy máy bay Mỹ xuất hiện, một loạt bom rơi xuống ngay giữa trường học, nổ tung trời, phá hủy toàn bộ trường lớp, cướp đi 45 sinh mạng học sinh đang nô đùa. Thầy giáo Lê Đức Phi phụ trách lớp học bị thương mất một chân và hỏng một mắt... Căm phẫn trước hành động tàn bạo của giặc Mỹ, sáng hôm sau, người dân làng Mân Quang cùng các cán bộ bí mật tập trung lên thuyền theo dòng sông Cái (sông Vĩnh Điện) kéo xuống Tòa thị chính Mỹ- ngụy đấu tranh, vạch trần tội ác, hành động vô nhân đạo ném bom tàn sát học sinh. Lo sợ trước không khí đấu tranh mạnh mẽ của người dân, bọn giặc thẳng tay đàn áp bằng vũ lực trấn áp đoàn biểu tình...

Nhà  và bia tưởng niệm 45 em học sinh bị giặc Mỹ sát hại ngày 16-3-1965
tại làng Mân Quang, Hòa Quý.

Sau ngày giải phóng, UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, UBND H. Hòa Vang, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Nam–Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trường Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng, Trường tiểu học, Trung học cơ sở Hòa Quý, cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương đã đầu tư xây dựng lại khu mộ chung của 45 học sinh khang trang, bao gồm khu mộ, bia tưởng niệm và gian thờ. Hiện nay toàn bộ khu mộ nằm tại làng Mân Quang 1, P. Hòa Quý ngay trên nền Trường Tiểu học Mân Quang ngày ấy.

Hôm ấy, viếng thăm  khu mộ, ngồi bên hàng mộ 45 học sinh, mắt tôi nhòa đi khi đọc những vần thơ của cựu học sinh lưu lại trong gian thờ khu tưởng niệm: “Hiu hiu... sông Cái nghẹn dòng/ Mang mang sương khói trắng đồng Mân Quang!/ Nhớ như tiếng thét kinh hoàng/ Bom rơi tan tác cả đàn em thơ/ Còn đâu những búp măng tơ/ Còn đâu tiếng học ầu ơ yêu đời...”. Thầy giáo Chung Văn Hùng-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) cho biết, trong thời gian qua, khu mộ 45 em học sinh Mân Quang trở thành một địa điểm giáo dục lịch sử  tại địa phương; là nơi tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng của giáo viên, học sinh trên địa bàn. Khu tưởng niệm được nhà trường tổ chức phân công học sinh hàng tháng, hàng tuần chăm sóc, dọn dẹp.

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Hòa Quý đã đổi thay rất nhiều. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống giáo dục ở địa phương đã phát triển không ngừng. Các cơ sở trường lớp từ bậc Mầm non đến THCS đều đạt chuẩn quốc gia. Mấy năm trước, Hòa Quý còn là “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học, nhưng từ khi Chỉ thị số 24 của Thành ủy Đà Nẵng được triển khai thực hiện, đến nay tình trạng này đã chấm dứt hoàn toàn. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Ký ức buồn bên bờ sông Cái năm xưa chưa thể nguôi ngoai, những lớp lớp các thế hệ con em ở Hòa Quý đã vượt qua mất mát, đau thương để học tập, góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn.

Hồng Thanh