Ký ức hào hùng về cuộc chiến giải phóng Buôn Ma Thuột
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến thăm nhà giáo Nguyễn Trúc-nguyên Phó Giám đốc Ty Giáo dục Đắc Lắc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, để được nghe kể những câu chuyện về những nhà giáo trực tiếp cầm súng chiến đấu trong đoàn quân giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3-1975. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của những người giáo viên làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng vẫn còn nhớ như in về trận chiến Buôn Ma Thuột năm ấy. Ở tuổi 75, nhà giáo Nguyễn Trúc vẫn giữ được sức khỏe, sự nhanh nhẹn, minh mẫn và những phẩm chất của một bộ đội Cụ Hồ từng vào sinh ra tử qua cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh năm 1942, quê ở Bình Định, ông được phân công, điều động vào Đắc Lắc phục vụ công tác giáo dục từ những năm 1965.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là một khúc ca “bi tráng” tô thắm cho màu cờ Tổ quốc…Sáng 11-3-1975, ông đã cùng các đồng đội có mặt tại Buôn Ma Thuột để thực hiện giao nhiệm vụ tiếp quản khi quân ta bước vào giai đoạn đầu của Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Ông còn nhớ như in: “Khoảng mười giờ sáng, bọn địch bất ngờ ném bom, một chiếc máy bay ném bom ngay bên suối Đốc Học và trung tâm TX Buôn Ma Thuột. Khói bốc lên từng cột cao, lửa bùng cháy nhiều nơi. Người nườm nượp chạy ra ngoài thị xã, thỉnh thoảng mới gặp vài người đi vào trung tâm, nét mặt đầy lo lắng. Đình Lạc Giao, các ngôi nhà ở đường Nguyễn Thái Học cháy rần rật. Các nhà dân giáp Tòa thánh không một bóng người, lửa cháy lan sang. Căn nhà đối diện trụ sở của Ủy ban Quân quản TX bị bom đánh sập hoàn toàn. Người còn sống đào bới, tìm kiếm người mất. Đó là cảnh đau thương, mất mát cuối cùng của chiến tranh mà tôi chứng kiến...”.
Nhà giáo Nguyễn Trúc chia sẻ những ngày tháng hào hùng trong cuộc chiến giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975). |
Như muốn cắt đứt mạch nguồn cảm xúc đau buồn khi đưa mình về quá khứ, thầy Trúc rẽ ngang câu chuyện: "Người Việt Nam vĩ đại lắm, sống trong mưa bom bão đạn nhưng vẫn hiên ngang đến lạ. Khi có nhiều chiếc máy bay Mỹ đang bay mù trời để rải thứ chất độc da cam tàn ác, chúng bay trên đầu như những con ông bị vỡ tổ, nhưng một người phụ nữ đang mang thai vẫn ngồi đấy (người phụ nữ miền Nam) vẫn hát những bài hát về miền Bắc…”…
Sau ngày đất nước giải phóng, ông tiếp tục cống hiến cho ngành GD&ĐT, được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Phổ thông, rồi Phó Giám đốc Ty Giáo dục Đắc Lắc, sau đó là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của tỉnh Đắc Lắc…Cả chặng đường dài với biết bao kỷ niệm vui, buồn, nhưng những năm tháng sống trong rừng hoạt động cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đã để lại cho ông những ký ức không thể phai mờ. Hiện nay tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn đang ngày đêm miệt mài viết sách, thi thoảng vẫn có những bài viết đăng trên các tờ báo. Các tập thơ “Nhân chứng một thời” (in chung cùng Hữu Chỉnh), “Từ những tháng năm”; tập truyện ngắn “Y BRá”; Nhật ký chiến tranh “Vượt dải Trường Sơn”,… và đặc biệt tập tiểu thuyết “Bên dòng Krông Bông” với 656 trang A4, được ông hoàn tất sau 10 năm “thai nghén”.
Ngọc Giang