HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM ( 1975- 2015):

Ký ức Tây Trường Sơn (2)

Thứ ba, 10/03/2015 09:00

* Bài 2: Mùa khô trên đất Lào

(Cadn.com.vn) - Qua đất Lào mới thấm câu hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng rát bên mưa quay”. Bên Việt hôm qua mưa như trút, thì hôm nay bên Lào nắng hầm hập như đổ lửa. Rừng Lào lại thưa, toàn cây gỗ dầu, cây lá gai trông nhức mắt. Những cơn khát đày đọa chúng tôi suốt chặng hành quân gần hai tháng trời mùa khô trên đất Lào. Có ngày được nghỉ, tôi đi theo mấy đứa cấp dưỡng ra chỗ lấy nước để rửa ráy cho thoải mái. Nhưng, tới nơi tôi hậm hực, thất vọng đứng nhìn vì không có nước để rửa. Ở Trạm giao liên có 8 tiểu đoàn bộ đội dừng nghỉ mà chỉ có một vũng nước ở giữa lòng con suối nhỏ, rộng chừng 5-6m2, sâu đến đầu gối. Cấp trên cấm không ai được lấy nước để rửa, ngoài việc nấu ăn. Lính phải vét từng bát “B52” nước bùn, rồi đợi cho bùn lắng mới dùng được. Nước  ngấy mùi lá  mục, mùi bùn, đến cơm cũng vàng khè bốc mùi mốc. Thứ nước ấy không biết có bao nhiêu chất hòa vào trong đó: xác lá rừng, xác súc vật, có khi cả chất độc hóa học Mỹ thả năm trước trôi theo khe núi xuống, rồi nòng nọc, nhiều vô kể. Mấy anh nuôi phải gạn từng bát nước và lấy thuốc lọc nước mang theo bỏ vào mới nấu cơm được. Lính ta hành quân mồ hôi mồ kê lấm láp bụi đường, không có nước rửa, cứ đeo tất vào mà ngủ... Thế mà thằng Trung, thằng Thước vẫn lầm rầm song ca: “...từ nơi em  sang bên nơi anh những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận. Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn...".

Đi trên đất Lào khô nóng nên mỗi lần dừng nghỉ bên một con sông là niềm hạnh phúc cho lính. Tôi nhớ lần đầu tiên nghỉ lại bên sông Sê Pôn, con sông chảy giữa biên giới Việt-Lào, tất cả chúng tôi đều ào xuống sông tắm thỏa thích. Tắm xong, lính rủ nhau vào bản Lào đổi hàng thì gặp một đoàn thương binh B2 ra Bắc. Họ cũng nghỉ ở một bãi khách  gần chúng tôi. Thấy tân binh mới vô, các anh í ới gọi chúng tôi ghé chơi, yêu cầu “kể chuyện miền Bắc” cho các anh nghe... Đoàn thương bệnh binh hôm ấy ra Bắc đông lắm, có tới trăm người. Họ bảo từ B2 ra. B2 là miền Đông Nam Bộ, nơi chúng tôi đang hướng tới. Họ cười nói, hát hò rôm rả. Nhưng khi đến gần tôi mới hay tất cả họ đều tàn phế. Người mất một chân, người thì cụt hai tay, người chống nạng, người mù mắt, người thì đầu  đang quấn  băng trắng toát... Tội nhất là anh Tiến, quê Thanh Hóa, thương binh cụt cả hai tay hai chân. Anh nằm ngửa trên cáng như một khúc thịt, cười hồn nhiên: “Các em phải vui lên, ăn cho khỏe vào, đường còn xa lắm”. Hàng ngày anh được  người của Trạm giao liên cáng từ trạm này giao sang trạm khác. Các anh cho biết, đoàn đi đã 4 tháng rồi. Ngày chỉ đi được mươi cây số. Ngẫm ra, các Trạm giao liên phục vụ các đoàn thương binh ra Bắc còn vất vả, khổ nhọc  gấp chục lần phục vụ các sư đoàn bộ đội vào Nam. Vì họ thương tật, nhiều người không tự lo được các sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, vệ sinh, tất cả  đều phải dựa vào cán bộ giao liên. Mà Trạm thì nhiều con gái, thương binh thì toàn đàn ông...

Bộ đội dừng chân trên một đoạn đường Trường Sơn qua Quảng Trị.

Gặp gỡ các anh thương binh tới khi mặt trời lặn chúng tôi mới tìm được bản Lào để đổi quần áo, muối, mì chính... lấy gạo nếp, gà, rượu... rồi lội suối mò bắt được mấy xâu cá, lại ghé bãi khách thương binh gặp mấy anh đồng hương Nam Hà của thằng Dũng, nấu nướng ăn uống với nhau cả đêm. Đi về mò mẫm đường rừng sợ lạc quá, thế mà khi về tới bãi khách, mắc võng xong là tôi bấm đèn pin hạt đỗ ghi lại bài thơ Bữa cơm Trường Sơn mới nhẩm viết dọc đường: Đặt ba lô là vo gạo thổi cơm/Bếp đào chông chênh triền núi dựng/Cá khe Trường Sơn nướng lửa hồng vàng rộm/Bữa cơm chiến trường thơm tỏa xuống thung sâu/Ai bảo Trường Sơn hiếm cá thiếu rau/Bữa cơm lính vẫn canh riêu ngọt lịm/ Muôn đời sau hẳn còn dự vị/Bữa cơm rừng tiểu đội chung tay...

Mỗi lần lính ta dừng chân ở  Trạm, là dân các bản Lào gùi sắn, gạo, rau, bí ngô, bí đao, vịt gà... ra đổi  để lấy quần áo, mì chính, muối... Việc đồng bào các bản Lào đổi hàng cho bộ đội diễn ra suốt đường hành quân, cũng là một cách để chúng tôi giao lưu, học hỏi. Định lượng mang đi có hạn, không hiểu kiếm đâu ra nhiều áo quần, muối, mì chính mà tôi thấy đến trạm nào có dân là lính ta đều rủ nhau vào bản đổi hàng... Cũng nhờ những lần đi đổi hàng cho đồng bào đó mà tôi học được rất nhiều từ tiếng Lào như pay là đi, mưa là về, xamakhi là đoàn kết, kinh khẩu, kinh nậm là ăn cơm, uống nước, khọxơn mà mời, khăm là vàng, tucay là con gà...

Một góc bãi khách trạm giao liên Trường Sơn.

Ấn tượng nhất có lẽ là hôm bắt đầu vượt đường số 9. Đường 9 là con đường nối Đông Hà (Quảng Trị) với Savannakhet.  Đường rộng, lại trống trải. Cấp trên phổ biến là ở đây địch cài thám báo thường xuyên. Chúng có thể chỉ điểm cho máy bay địch oanh kích cả ngày lẫn đêm nên phải tuyệt đối bí mật.  Năm 1971, Mỹ và quân đội Sài Gòn mở chiến dịch Lam Sơn 719 ở đường 9-Khe Sanh- Nam Lào  nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh nhưng thất bại thảm hại. Tất nhiên chúng không bao giờ bỏ việc canh chừng “tử huyệt” này. Đến  Binh trạm bên kia đường 9, tôi có xem một tấm ảnh rất đẹp chụp Đại Tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội  vào trực tiếp chỉ huy trận đánh đập tan “chiến dịch cắt cổ” (tức chiến dịch Lam Sơn 719) của Hoa Kỳ, sau đó đến thăm động viên cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vừa lập chiến công chiến thắng tại mặt trận Đường 9- Nam Lào. Bức ảnh đen trắng, chụp cảnh Đại tướng ngồi võng tươi cười cùng với các chiến sĩ ở rừng Trường Sơn cạnh đường 9 treo ở nơi Bản tin Binh trạm. Tôi rất mê bức ảnh này. Đại tướng của chúng ta gần gũi lính như thế, cười đùa với lính như thế, địch thua là phải.

Để vượt Đường 9, mỗi người phải bẻ một cành lá, đi qua đường thì quay lại xóa ngay dấu dép trên đường. Cánh giao liên lâu năm kể rằng, chục năm trước, ban đầu bộ đội ta  phải dùng hai miếng gỗ đặt dưới chân để vượt đường số 9, sau đó tìm ra cách rải tấm vải tăng hẹp qua mặt đường, người đi sau cùng sẽ cuộn mang theo. Tuy vậy, vượt đường số 9 bao giờ cũng mạo hiểm, dễ bị lộ. Được quán triệt kỹ lưỡng, chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng để vượt lộ. Mang nặng nhưng đứa nào cũng chạy vụt qua đường thật nhanh.

Ngô Minh
(còn nữa)