HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM ( 1975- 2015):

Ký ức Tây Trường Sơn

Thứ hai, 09/03/2015 08:00

* Bài 1: Vượt Trường Sơn

(Cadn.com.vn) - Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi-những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi, vượt con đường Trường Sơn huyền thoại để đến các chiến trường miền Nam. Vậy mà, những kỷ niệm thuở ấy vẫn thường thức dậy, lung linh sống động. Trên con đường hành quân đầy hiểm nguy, gian khổ ngày ấy, tôi thật tâm đắc với hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:"Trường Sơn đông nắng, tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình"...Vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc thật sâu sắc không bao giờ quên về kỷ niệm một thời trên những cung đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son chói lọi.

Đầu tháng Giêng năm 1973, Sư đoàn tân binh 325 gồm toàn sinh viên, giáo viên đại học, trung học chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn. Lên Trường Sơn tôi mới biết, đường Trường Sơn không phải là một con đường độc đạo mà có hai tuyến lớn là đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Mỗi tuyến đều có hàng chục con đường  ngang dọc chằng chịt, bí ẩn, không ai đi hết được. Có giao liên dẫn mới đi đúng đường, không dẫn là sẽ lạc vào ma trận Trường Sơn không tìm được lối ra. Đó là các con đường đất, đá rộng cho ô-tô, người đi bộ và xe đạp thồ, bãi đỗ xe tải... Ven đường còn có kho, bãi chứa hàng, doanh trại, bệnh viện, đơn vị phòng không bảo vệ... Tất cả nằm dưới rừng già, máy bay địch khó phát hiện được. Sau này, tôi đọc trong một tài liệu viết rằng, các lực lượng thuộc Đoàn 559 phục vụ trên Trường Sơn khoảng 120.000 người, cao điểm có năm lên tới 200.000 người. Tất cả đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn cây số đường ô-tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km "đường kín" (đường K) trong rừng rậm cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm... Số bom và chất độc hóa học, cả chất độc da cam Mỹ đã trút xuống Trường Sơn  hơn 3 triệu tấn.

Bộ đội vượt Tây Trường Sơn vào Nam chiến đấu qua sông Xê Băng Hiêng
trên đất bạn Lào lắm thác nhiều ghềnh. 

Sau Tết Quý Sửu 1973, đơn vị chúng tôi chuyển hướng sang Tây Trường Sơn. Cấp trên phổ biến, đi vào B2 phải đi trên đất Lào mới nhanh và an toàn, còn đường Trường Sơn Đông thì vào A Lưới, Thừa Thiên,  Hiên, Giằng Quảng Nam... địch bắn phá ác liệt lắm, chỉ dành cho các đơn vị đi B1, B3. Ngày hành quân đầu tiên sang đất Lào, tôi có một  kỷ niệm nhớ đời : Hôm ấy đến phiên tôi trực nhật làm cấp dưỡng, phải mang soong chảo của đơn vị. Thằng Dũng đã giành mang cái  chảo to, để  hai cái soong nhôm cho tôi. Tính tôi hay đãng trí. Bất cứ lúc nào trong đầu cũng nghĩ một ý tưởng gì đó, khi thì một tứ thơ, khi thì một hình ảnh  hoa rừng vừa bắt gặp, hành quân lại  vội vàng nên lần ấy tôi đã quên mang theo  hai cái soong nấu  bếp của tiểu đội.  Đi được hai cây số mới nhớ ra, thế là Tiểu đội trưởng  Đảm phải đôn đáo chạy trở lại tìm. May mà bãi khách chưa có  đơn vị khác ở. Đảm là vậy, xốc  nổi, hăng hái, sống chí tình chí nghĩa với bạn bè và hay mủi lòng mau nước mắt. Từ hôm đó Võ Văn Đảm và Lê Văn Trung thay nhau mang  hộ soong chảo  mỗi khi tôi trực nhật.

Trường Sơn Đông hay qua Tây Trường Sơn, vào ngày nghỉ rỗi rãi, tò mò quan sát tôi thấy có những con đường đã mở rộng xe ô-tô chạy được nấp kín dưới lòng rừng, lá phủ dày, chưa hề có dấu xe, người qua. Chứng tỏ nó đã được chuẩn bị từ lâu lắm. Có ngày nghỉ, người của Trạm giao liên dẫn chúng tôi đi hàng năm ba cây số vào rừng sâu lấy gạo. Nhiều kho gạo lớn giấu trong rừng  đã từ lâu, mái kho lợp lá cọ rừng hay tăng bạt đã mục nát. Khi giao liên cào lớp lá mục, gỡ tấm bạt phủ bên trên ra, phải dùng xà beng cạy phần  mốc meo bên ngoài dày tới cả gang tay, mới tới phần gạo ẩm bên dưới. Bộ đội vượt Trường Sơn phải ăn thứ gạo mốc ẩm  ấy. Có ngày chúng tôi đi qua một hẻm núi vừa bị máy bay địch ném bom. Đất đỏ nhoe nhoét, mùi bom khét lẹt. Tôi thấy một kho đạn pháo lớn loại 130 ly bị đánh trúng rìa, những hòm đạn vỡ văng ra đường, những viên đạn pháo vàng chói nằm bên đường. Có lẽ đây cũng là một kho đạn đã được cất giấu cho một chiến dịch quan trọng trong tương lai. Lại có ngày nghỉ, mấy anh em chúng tôi đi hái rau rừng cải thiện, phát hiện ra một  hang đá chứa đầy xe đạp Phượng Hoàng mới cứng. Có đến cả ngàn chiếc bôi mỡ sáng bóng. Đó là xe để cho các tiểu đoàn xe thồ vận chuyển lương thực đạn dược dọc Trường Sơn. Nghe nói có người thồ đường núi tới 350 kí lô. Khiếp thật.

Bộ đội đi  5 ngày được nghỉ một ngày, đó là ngày "chủ nhật" của lính. Ngày nghỉ nhưng lính ta phải xoay xở nhiều việc lắm: tắm rửa, giặt quần áo, cắt tóc cho nhau, viết thư sẵn để gặp thương binh ra Bắc thì gửi, rồi rủ nhau xuống suối mò cua, bắt cá , hái  rau cải thiện... Rừng Trường Sơn luôn là bà mẹ hào phóng của  những đoàn quân ra trận. Ở Trường Sơn có tất cả các loại rau, cá mà  ở nông thôn Việt Nam có, nhưng  đó là  rau rừng. Có lẽ từ  các loại rau rừng  này, con người mới đem về thuần chủng thành rau nhà. Rau rừng trên Trường Sơn lắm thứ ăn ngon lắm. Rau tàu bay, rau dớn, lá bép, lá bứa chua, rau lạc tiên thì nấu canh; cải rừng, lá mưng, củ chuối rừng thì xào với thịt hộp; thân cây chuối non, hoa chuối thái mỏng xào hoặc ăn sống... Có bữa  nghỉ xuống suối tắm mấy đứa phát hiện cả vạt rau má, rau diếp cá rừng lá to bằng bàn tay, thế là anh em quên tắm, chụm đầu hái. Bữa nào có rau là bữa đó ngon cơm. Nghe nói bọn thám báo, biệt kích Mỹ-ngụy hoạt động trong rừng Trường Sơn đều có trang bị một loại kim tiêm để thử lá rừng độc hay lành. Kim tiêm vào lá hiện lên màu đỏ thì đó là lá độc, màu xanh thì lá đó ăn được. Còn bộ đội ta chẳng có cái kim thử lá ấy nhưng  vẫn tìm ra rất nhiều loại rau rừng cho những bữa cơm Trường Sơn thêm ngon.

Ngô Minh
(Còn nữa)