HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2017):

Ký ức trận Dốc Giăng, Hóc Nếp

Thứ bảy, 15/07/2017 11:04

(Cadn.com.vn) - Cứ vào dịp 27-7 hàng năm, ông Trần Đình Tẩn (trú thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) lại rưng rức nhớ khôn nguôi về những người đồng đội ngày xưa cùng chung chiến hào, cùng đội bao trận mưa bom, bão đạn của giặc thù. Từ lúc còn chăn trâu, cắt cỏ ở quê, tôi đã rất ngưỡng mộ về ông, một du kích nằm vùng quả cảm, kiên cường bởi tên tuổi của ông đã làm cho giặc thù khiếp vía, kinh hồn. Trần Đình Tẩn, còn có tên gọi khác là Nhân, tham gia cách mạng từ rất sớm. Lúc 11 tuổi đã gia nhập vào Đội giao liên huyện Duy Xuyên, đầu năm 1961 vào Đội du kích mật của xã Xuyên Phú và lần lượt được giao các chức vụ quan trọng của địa phương. Trong thời gian là du kích của xã, ông đã có những sáng tạo đặc biệt trong đánh địch và lập được nhiều chiến công xuất sắc. Đó là vào đầu năm 1966,  Mỹ ồ ạt đổ quân để thiết lập căn cứ quân sự An Hòa-Đức Dục, vùng tây Duy Xuyên với quy mô cấp trung đoàn. Đây là căn cứ của quân Mỹ có mối liên kết, hỗ trợ  chặt chẽ với đồn bốt ở Kiểm Lâm, Ái Nghĩa, tạo thế vòng kiềng để khống chế 5 xã vùng tây Duy Xuyên và các xã vùng B Đại Lộc. Hàng ngày lính Mỹ rầm rộ mở các đợt càn quét, đốt phá nhà cửa, xóm làng, lùng sục, bắt bớ các cơ sở và những cán bộ cách mạng, lùa xúc dân tập trung về làm hàng rào đỡ đạn cho chúng ở Đức Dục. Hầu như tất cả các cuộc đi càn, Mỹ-ngụy đều có xe bọc thép, súng đạn hiện đại và lực lượng du kích xã Xuyên Phú cũng chỉ phục kích bắn tỉa, do đó hiệu quả đánh địch không cao. Qua nhiều ngày tìm tòi, nghiên cứu các phương án, Trần Đình Tẩn liền nghĩ ra cách phải chế tạo loại mìn có sức công phá lớn thì mới tiêu diệt được xe tăng của địch. Lúc đầu ông tự đi tìm những quả bom, quả cối của địch đã bắn, song chưa nổ rơi vãi trong các vườn tược, ruộng đồng rồi tháo ngòi nổ và đục lấy thuốc, tìm các mảnh chai, vỏ lon, nấu thuốc nổ để chế tạo thành mìn. Quả mìn đầu tay được Trần Đình Tẩn gài thí nghiệm đã tiêu diệt tại chỗ một lính Mỹ và làm bị thương một tên khác. Thấy thành công, ông báo cáo với Đảng uỷ và được cấp trên giao làm người hướng dẫn cho lực lượng du kích của xã cách tháo các kíp nổ từ những quả bom, quả ca-nông của địch chưa nổ cho đến cách chế tạo thành mìn và từ đây phong trào "mìn tự chế" trong toàn xã phát triển rất nhanh. Lúc bấy giờ, con đường Cái Mới, nối liền giữa hai căn cứ quân sự An Hoà và Kiểm Lâm, nay là tỉnh lộ ĐT610, một tuyến giao thông chiến lược của địch. Hàng ngày trên tuyến đường này có một đại đội liên hợp Mỹ-ngụy triển khai chốt chặn tại các điểm Gò Làng, Nổng Yến, Đồi Cây Tra để bảo vệ. Để đánh phủ đầu kẻ địch, buộc chúng phải co cụm lại, kéo giảm bớt các đợt lùng sục các căn cứ cách mạng, Huyện đội Duy Xuyên giao cho lực lượng du kích xã Xuyên Phú phải tìm cách đánh chặn đường. Qua nghiên cứu địa bàn, Xã đội phó Trần Đình Tẩn đề xuất đánh địch bằng mìn tự chế mới tiêu diệt được xe bọc thép, xe tăng của địch. Được cấp trên chấp thuận phương án, ông cho tổ trinh sát nắm tình hình và chập choạng tối 25-7-1967, ông cử 6 chiến sĩ du kích tập trung tại thung lũng Mỹ Sơn để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu. Tại đây, trước cờ thiêng liêng của Tổ quốc, ai cũng tuyên thệ sẽ quyết tử để mang thắng lợi về cho cách mạng. Địa điểm được triển khai trận đánh tại dốc Giăng, Hóc Nếp. Cả đội du kích bắt đầu luồn lách trong màn đêm. Để tránh tổn thất khi địch phát hiện, mỗi  người lầm lũi trong bóng đêm phải cách nhau từ 15-20 mét và khoảng 1 giờ ngày hôm sau cả đội đã đến địa điểm mật phục, chọn vị trí gài 2 quả mìn tự chế, tất cả súng AK đạn đã lên nòng, lựu đạn M26 phải tháo chốt an toàn để chờ địch. Đúng 6 giờ ngày 26-7, 2 chiếc xe bọc thép của địch từ phía Đồn 45, An Hòa xông lên. Đợi cho chúng cách chỗ phục kích chừng 15 mét, Trần Đình Tẩn bấm kíp điện, một tiếng nổ long trời, lở đất hất tung chiến xe địch sang bên đường và bốc cháy dữ dội rồi quả mìn thứ hai cũng gầm lên làm cho chiếc còn lại đứt bánh xích, khói lửa ngùn ngụt, xác 6 tên lính Mỹ nằm sóng soài, số bị thương hoảng loạn, la ó bỏ chạy tìm nơi trú ẩn. Ngay lúc đó từng tràng AK, lựu đạn của đội du kích chĩa thẳng về phía địch làm cho hàng chục tên khác đổ gục cạnh hai xác xe tăng. Hay tin 2 xe tăng bị đánh cháy, địch tăng cường ngay 10 xe bọc thép M113 tiếp viện. Khi chiếc thiết giáp đi đầu vừa trườn lên thì quả B40 của du kích nã trúng bốc cháy. Đoàn tăng của chúng dừng lại và lính trên xe nhảy xuống dàn hàng ngang xông lên. Tiếng súng của hai bên nổ như bắp rang và trước hỏa lực rất mạnh của địch, buộc đội du kích phải rút lui để bảo tồn lực lượng chiến đấu lâu dài...

Nhớ về trận đánh này, ông Trần Đình Tẩn lại xúc động thương xót người chiến sĩ thuộc quyền, đó là anh Bảy, người đã nằm lại bắn cầm chừng cho anh em rút được an toàn. Khi quả đạn cối nổ bên cạnh làm anh gãy chân, nhưng vẫn ôm ghì súng nhả đạn rồi hy sinh chứ không cho ông Tẩn cõng đi. Trận đánh này, lực lượng du kích Xuyên Phú phá hủy 4 xe quân sự, loại khỏi vòng chiến đấu 39 lính Mỹ-ngụy, thu 3 súng quân dụng... Với thành tích sáng chế mìn để đánh xe tăng địch, năm 1969, Trần Đình Tẩn được cử đi dự Đại hội thi đua du kích tỉnh Quảng Đà, được tuyên dương chiến sĩ giỏi về sản xuất mìn và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, sau đó ông được Huyện đội cử đi phổ biến cách chế tạo mìn cho du kích các xã. Trong quá trình làm du kích, ông tham gia đánh hơn 100 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, được tặng thưởng 10 Bằng "Dũng sĩ diệt Mỹ" ,2 Bằng danh hiệu "Diệt xe cơ giới". Ngày 26-7-2012, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1096/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Trần Đình Tẩn.

THÁI MỸ