Kỳ vọng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden

Thứ tư, 09/06/2021 10:36

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Joe Biden được đặt nhiều kỳ vọng khi nhà lãnh đạo  sẽ có những cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo các nước G7, NATO cũng như hội đàm cấp cao với người đồng cấp Nga và cả Nữ hoàng Anh.

Tổng thống Biden trong cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Ảnh: PRC

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 trong tuần này tại Anh, với trọng tâm là cải thiện quan hệ đồng minh và kêu gọi đoàn kết để chống đại dịch COVID-19 cũng như đối phó với Trung Quốc.

Theo AP, ông Biden sẽ bắt đầu rời Mỹ vào hôm nay (9-6), đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 1.

Chương trình nghị sự bận rộn

Các nguồn tin cho biết, Tổng thống Biden đã lên kế hoạch sẵn sàng cho một chương trình nghị sự bận rộn với các hội nghị thượng đỉnh G7, NATO và Liên minh Châu Âu (EU).

Tổng thống Biden cũng chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nga Vladmir Putin tại Geneva vào ngày 16-6. "Đây là một câu hỏi xác định thời đại của chúng ta", ông Biden đã nói như vậy với tờ The Washington Post trước thềm chuyến công du. Theo kế hoạch, ông Biden sẽ gặp gỡ các đối tác G7 vào cuối tuần này (từ ngày 11 đến 13-6) tại một khu nghỉ mát bên bờ biển ở tây nam nước Anh. Sau đó, ông có cuộc gặp với Nữ hoàng Elizabeth tại Lâu đài Windsor trước khi rời đi ngay trong đêm đến Brussels (Bỉ). Vào ngày 14-6, ông sẽ dự hội nghị với các nước NATO tại Brussels và sau đó là họp với giới lãnh đạo EU vào ngày 15-6. Ngày 16-6, ông chủ Nhà Trắng có cuộc gặp đang rất được chờ đợi với Tổng thống Putin.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, có nhiều nguồn tin cho rằng, cả hai đã sẵn sàng "tạo đột phá" trong mối quan hệ. Phía Mỹ tỏ thiện chí khi miễn một số trừng phạt nhằm vào tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc 2" của Nga. Tuy nhiên vụ việc Belarus điều chiến đấu cơ hộ tống máy bay dân sự của hãng Ryanair sau đó bắt nhà báo đối lập Belarus Raman Pratasevich đã phủ bóng lên tiến trình này.

Mối lo dịch bệnh, kinh tế

Dịch bệnh COVID-19, vốn đang hoành hành khắp thế giới và khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, là chương trình nghị sự quan trọng trên bàn đàm phán của các nhà lãnh đạo.

Theo BBC, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G7, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ở Cornwall, Anh, thỏa thuận về thuế đã thu hút hầu hết sự chú ý. Thỏa thuận này sẽ thay đổi cách đối xử thuế quốc tế đối với các công ty đa quốc gia, các thiên đường thuế và các khu vực tài phán thuế thấp. Nhưng có lẽ quyết định quan trọng nhất trên toàn thế giới vào lúc này là làm thế nào để quản lý việc rút các gói kinh tế khổng lồ hỗ trợ đại dịch.

Và thông điệp từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ở London - vốn sẽ được Tổng thống Biden nhắc lại ở Cornwall - là tất cả các quốc gia G7, bao gồm cả Anh, thậm chí không nên nói về việc rút lại sự hỗ trợ đó. "Các nền kinh tế G7 có không gian tài chính để tăng tốc độ phục hồi để không chỉ đạt mức GDP trước đại dịch mà còn hỗ trợ việc quay trở lại con đường tăng trưởng trước đại dịch", Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết trong một bài phát biểu hồi cuối tuần qua. Theo bà, điều đó không chỉ để chấm dứt được đại dịch, mà còn sử dụng chính sách tài khóa để đầu tư vào việc giải quyết các vấn đề có tính thế hệ như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.

Bà nói rõ ràng là tất cả các nền kinh tế G7 đều có "không gian tài chính" để tăng tốc độ phục hồi, không chỉ để hỗ trợ quy mô nền kinh tế trước đại dịch, mà còn để bắt kịp những gì sẽ là con đường tăng trưởng thời kỳ hậu COVID-19. Bà Yellen chỉ ra những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Mỹ sẽ là nền kinh tế G7 đầu tiên trở lại quy mô trước đại dịch, nhờ vào việc triển khai vaccine và các kế hoạch kích thích khổng lồ của Tổng thống Biden.

KHẢ ANH