“Lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống dịch

Thứ sáu, 04/09/2020 22:22

Khi cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn cam go, cùng với đội ngũ y bác sĩ, các CBCS CATP Đà Nẵng cũng luôn là lực lượng tiên phong, là “lá chắn thép” đi đầu, trực tiếp tham gia chống dịch, “trận chiến” không tiếng súng nhưng vô vàn hiểm nguy.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc CATP kiểm tra tại một vị trí chốt chặn phong tỏa.

18 giờ tối 24-7, một cuộc họp khẩn cấp được Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng triệu tập. Nội dung chính là khẩn trương triển khai phương án phòng chống dịch Covid-19 trước tình hình có 1 ca nhiễm bệnh xuất hiện tại Đà Nẵng. Tại cuộc họp, Giám đốc quán triệt tất cả các lực lượng phải luôn trong tư thế sẵn sàng, quyết liệt cùng các cấp, ngành chống dịch. Và cũng từ sau cuộc họp đó, những chiến sĩ áo xanh bắt đầu lao mình vào với cuộc chiến mà đối phương là vô hình. Đó là những ngày oằn mình trong sương gió, đi làm nhiệm vụ phòng chống dịch về, chỉ biết đứng ngoài cổng nhìn ngắm vợ con rồi vội vã ra đi.

19 giờ 30 tối 26-7, Thượng úy Nguyễn Hồng Linh (CAQ Hải Châu) trực tại cổng Bệnh viện Đà Nẵng. Đó là ngày đầu tiên bệnh viện đưa các y bác sĩ, người nhà bệnh nhân di chuyển đến nơi cách ly khác để giảm tải. Một cuộc di tản, cảm giác hối hả, xô bồ và nghẹt thở đến từng phút giây. Ai cũng mong trốn khỏi tâm dịch này, chỉ có các anh, những chiến sĩ áo xanh vẫn đứng đó, lặng lẽ bảo vệ từng tốp người rời đi. Đơn vị trực chiến 100%, vốn là trinh sát ma túy, anh cùng hàng trăm đồng đội khác lao vào cuộc chiến lạ lẫm và khó khăn gấp triệu lần. Chiếc khẩu trang mỏng mảnh và bình xịt sát khẩu trong túi quần là những “vũ khí” được trang bị để chiến đấu. “Có sao đâu khi Tổ quốc, Đảng và nhân dân cần đến, anh em tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ gì. Chỉ mong dịch bệnh được khống chế để thành phố trở lại những ngày bình yên như cũ”, Thượng úy Linh nhắn gửi.

Chiến sĩ CA đội mưa tại chốt ở cửa ngõ thành phố. 

0 giờ ngày 28-7, những hàng rào sắt bắt đầu được lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Cơ động... dựng lên để phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện C và khu vực lân cận. Đà Nẵng chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, dường như cuộc chiến mới thực sự bắt đầu. Lần thực hiện giãn cách thứ hai này, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh, đấu tranh với các loại tội phạm; phòng, chống dịch trên địa bàn; lực lượng CA còn thêm nhiệm vụ bảo vệ khu vực phong tỏa. “Kim đồng hồ chỉ 1 giờ 15, là lúc rào chắn cuối cùng được lực lượng CA khớp nối để hình thành vành đai phong tỏa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Quyết tâm và trách nhiệm, 10 chốt chặn khu vực phong tỏa với sắc phục xanh quen thuộc... Dưới ánh đèn đêm ở thời khắc bắt đầu ngày mới,  hình ảnh những chiến sĩ công an như có thêm nguồn năng lượng tỏa sáng”, Đại tá Nguyễn Đức Dũng- Trưởng phòng Tham mưu CATP xúc động chia sẻ.

2 giờ ngày 30-7, khi cả Đà Nẵng đã yên giấc ngủ, tại một chốt chặn phong tỏa đường Nguyễn Thị Minh Khai, chiến sĩ nghĩa vụ Hồ Văn Quý (1999) xốn xang đi qua đi lại. 3 ngày trước, sau khi hoàn thành dân vận làm đường bê-tông nông thôn tại H. Hòa Vang, anh về lại cơ quan và nhận được lệnh trực tiếp tham gia đội hình chốt chặn phòng chống dịch. Đã 3 đêm rồi anh chưa ngủ, đôi mắt của người chiến sĩ hằn những vết thâm quầng. Quý có bạn gái quê ở Gia Lai. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, anh khuyên bạn gái không nên về lại vùng không có dịch để đảm bảo an toàn người thân. Người yêu ở lại Đà Nẵng, Quý tiếp tục động viên bạn gái đăng ký vào đội tình nguyện chống  dịch do Thành đoàn Đà Nẵng phát động. Giờ đây, cũng giống như người bạn trai đang ở tuyến đầu, bạn gái của Quý cũng chính thức là 1 trong hơn 5.300 tình nguyện viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Cũng giống như Quý, nhiều đồng đội khác nhận công việc trong hoàn cảnh gấp rút, đa số các anh có rất ít thời gian để chuẩn bị. Thậm chí có người còn chưa kịp chào hỏi vợ con hay thông báo cho gia đình biết. Thế nhưng ai cũng thể hiện rõ quyết tâm xung phong đi đầu trong công tác chống dịch. Bảo vệ tuyệt đối khu cách ly 24/24 giờ, những người làm công tác “gác cổng” tại ổ dịch lớn có những đêm giấc không tròn và nhiều ngày không về nhà mặc dù nhà chỉ cách nơi làm việc vài km.

Xúc động hình ảnh người CA không dám đến gần vợ con vì thường xuyên đi chống dịch.

12 giờ trưa ngày 1-8, sau hành trình một vòng các cơ sở y tế để tặng quà, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các y bác sĩ có thêm năng lượng chống dịch, Thiếu tá Phan Văn Trãi- Bí thư Đoàn thanh niên CATP cùng các đoàn viên CA lại xắn tay áo nghiên cứu, làm các kính chống giọt bắn. Dự kiến hơn 200 kính chống giọt bắn làm thủ công sẽ được trao đến tận tay những đồng đội đang ở điểm chốt. Liên tục thời gian qua, lực lượng CA ngoài công tác chuyên môn và chống dịch thì hàng chục tổ chức cơ sở đoàn cũng lặng lẽ vận động đồng đội, người thân quyên góp kinh phí, vật phẩm với hàng chục tấn hàng hóa các loại ủng hộ các y bác sĩ và đồng đội ở nơi đầu tuyến. Trưa ngày 2-8, Trung tá Cao Lê Duy Hùng- Trưởng CAP Hòa Thuận Đông nhắn tin báo anh đã vận động được 300 suất quà trị giá 60 triệu đồng để tặng người dân nghèo yếu thế do ảnh hưởng dịch bệnh.

Đọc những dòng tin nhắn đó, bỗng cảm xúc bồi hồi. Các anh đã quá nhiều nhiệm vụ, gánh gồng nhiều ngày qua, thế nhưng, vẫn còn đủ sức để nghĩ cho đời sống người dân.

Đôi lần, người ta nán lại trước hình ảnh lặp lại nhiều lần trên trang mạng xã hội - những chiến sĩ ăn vội, nằm tạm, không dám đến gần vợ con. Nhưng khi đã khoác màu áo xanh, người CAND sẵn sàng cống hiến tất cả cho đất nước. Các anh xứng đáng là điểm tựa tinh thần của quần chúng nhân dân, là “lá chắn thép” vững chắc trong công cuộc phòng, chống và quyết tâm đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

MAI VINH