Lá ngón, hủ tục và những hệ lụy (2)
* Kỳ cuối: Thầy giáo của những đứa trẻ mồ côi vì lá ngón
(Cadn.com.vn) - Sau những cái chết của cả cha lẫn mẹ vì ăn lá ngón, hàng chục đứa trẻ ở xã Trà Cang (H. Nam Trà My, Quảng Nam) lâm vào cảnh bơ vơ không nơi nương tựa. Trước thực tế đau lòng này, thầy Lý Văn Đường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Cang âm thầm nhiều năm nuôi dưỡng các em, dù cuộc sống nơi miền sơn cước này còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
3 chị em Hồ Thị Điểu được thầy Lý Văn Đường cưu mang những năm qua. |
Chúng tôi đến Trường Tiểu học Trà Cang vào đúng buổi trưa. Đến giờ ăn cơm nên mỗi đứa bê mỗi phần cơm từ nhà bếp ra. Do chưa có phòng ăn nên mạnh em nào em nấy tìm một chỗ để ngồi. Bên kia đường, đối diện với trường học, 3 chị em mồ côi Hồ Thị Điểu (lớp 3) và Hồ Văn Nghễu (lớp 2) và Hồ Thị Nghêu (mẫu giáo) cũng vừa dùng xong buổi trưa trong căn chòi nhỏ do nhà trường kêu gọi người dân dựng nên. Nói về 3 em mồ côi này, thầy Đường nhớ lại: năm 2013, vợ chồng trẻ Hồ Văn B. và Hồ Thị X. (trú thôn 7, xã Trà Cang) rủ nhau ra rừng ăn lá ngón. Vợ chồng chết đi để lại 4 người con, lúc đó đứa lớn nhất là Hồ Thị Đáy mới 16 tuổi. Sau khi cha mẹ chết, Hồ Thị Điểu bỏ học. Lúc này đích thân thầy Đường đến nhà vận động đưa Điểu ra học lại. Thấy chị đi học, Nghễu cũng lủi thủi đi theo. Thương quá, thầy Đường cho Nghễu theo chị ăn ở tại trường. Còn Nghêu lúc đó ở với chị Đáy và hằng ngày chị phải đi làm thì Nghêu bơ vơ một mình, sống cù bơ cù bất, ai cho gì ăn nấy. “Tôi thấy thương quá nên mua mì tôm cho ăn, rồi hỏi có muốn lên ở với anh chị đi học không, Nghêu nói có. Vậy là tôi đưa cháu lên rồi kêu gọi người dân làm giúp một cái chòi để 3 chị em có chỗ ở” - thầy Đường kể lại.
Thầy Đường cho biết thêm: “2 em Điểu và Nghễu đã lớn nên đi học có thể tự đi về được, còn Nghêu học tại Trường Mầm non của xã, cách xa nơi ở nên hằng ngày thầy cô trong trường phải thay phiên nhau chở em về. Lúc đầu khó khăn lắm, các thầy cô giáo trong trường cùng nhường cơm sẻ áo để nuôi các cháu. Cũng may nhờ chính sách cho học sinh vùng cao trợ giúp gạo, nên đến bây giờ các em vẫn nương tựa sống với nhau và tiếp tục đến trường”.
Hai em Hồ Thị Vân (phải) và Hồ Thị Nghêu đang theo học lớp mầm non tại trường. |
Giống như đôi vợ chồng trẻ trên, giữa năm 2014, anh Hồ Văn Thiên và chị Hồ Thị Thôi (30 tuổi, trú nóc Măng Lưng, thôn 3, xã Trà Cang) cũng tìm đến lá ngón để tự vẫn, 4 chị em mồ côi Hồ Thị Vong (lớp 7), Hồ Văn Vuông và Hồ Văn Võ (cùng học lớp 2) và Hồ Thị Vân (học mẫu giáo) phải sống dựa vào bà nội. Nhìn cảnh 4 đứa trẻ mồ côi cực khổ, thầy Đường đã xin chính quyền và vận động các thầy cô giáo trong trường đưa cả 4 em về nuôi dưỡng ngay tại trường. Sau đó, thông qua báo chí, các cơ quan, đoàn thể đã ủng hộ xây dựng được cho bà cháu các em ngôi nhà tình thương nằm gần trường…
Hơn 16 năm gắn bó với các xã vùng cao của H. Nam Trà My, thầy Lý Văn Đường đã thấm bao nỗi nhọc nhằn của đời giáo viên cắm bản. Những ngày đói lả vì đường bị chia cắt do sạt lở, những trận sốt rét kinh niên hành hạ, những bữa cơm chỉ có rau rừng… Khi H. Trà My chưa chia tách, để đến được xã Trà Cang, thầy cô giáo phải lội bộ từ trung tâm H. Trà My lên đến Trà Cang mất 3 ngày. Sau ngày chia tách, H. Nam Trà My mới đầu tư được con đường lên xã Trà Cang, cuộc sống tuy bớt khó khăn hơn trước, nhưng bà con nơi đây nhận thức vẫn còn hạn chế, hủ tục vẫn còn dai dẳng.
4 chị em mồ côi Hồ Thị Vong sống cùng bà trong căn nhà tình thương. |
Nói về vấn nạn tự vẫn bằng lá ngón, nhẩm tính, thầy Đường cho biết: Chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, trường đã đón hơn 10 đứa trẻ mồ côi trong xã về nuôi dưỡng. Như mới năm ngoái, cha mẹ em Hồ Văn Bình và Hồ Văn Nhi đưa nhau vô rừng ăn lá ngón tự vẫn. Trường vào tận nơi để động viên cho em Bình ra học lại, còn em Nhi đến tuổi học mẫu giáo nhưng do đường quá xa, sợ cháu ra ngoài này không ai chăm sóc nên bà ngoại cháu không cho đi. “Ở đây, cái chết của họ quá đơn giản. Việc gì giải quyết không được là họ tìm đến cái chết. Nhiều lần chính quyền địa phương và nhà trường đến từng nóc tuyên truyền nhưng người dân không hiểu. Hầu như năm nào ở xã Trà Cang cũng có trường hợp ăn lá ngón tự vẫn” - thầy Đường cho biết thêm.
Về câu chuyện cưu mang, giúp đỡ các em mồ côi có chỗ ăn ở tại trường, thầy Đường không dám cho mình là người cha thứ 2 của các em, chỉ khiêm tốn rằng việc làm của mình là hành động kịp thời, đúng lúc khi các em đang gặp cảnh khó khăn, hoạn nạn. “Cuộc sống hiện tại của các em vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thầy cô giáo của trường vẫn luôn bên cạnh để chăm lo cho các em. Hiện các em đang được sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè và thầy cô của trường” - thầy Đường tự hào nói. Và có thể thấy, nếu như không có hành động kịp thời của thầy Hiệu trưởng Lý Văn Đường thì trong những năm qua có hàng chục em mồ côi phải bỏ học…
Trước thực trạng người dân các xã vùng cao tìm đến lá ngón để tự vẫn, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết, thời gian gần đây, những hủ tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng những cặp vợ chồng trẻ vì ốm đau bệnh tật và đời sống gặp khó khăn nên tìm đến lá ngón tự vẫn, bỏ lại nhiều đứa trẻ mồ côi. Đây là vấn đề mà huyện đang tập trung để ngăn chặn.
Bão Bình