Làm thế nào đào tạo nghề hiệu quả cho lao động nông thôn?
(Cadn.com.vn) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chủ trương của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, làm sao để công tác này đạt hiệu quả là nội dung được đưa ra tại cuộc họp do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng chủ trì chiều 6-3.
Lúng túng tư vấn, định hướng cho người học?
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa... Trong 5 năm 2010-2014, thành phố đã tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động nông thôn, trong đó có những đối tượng như: người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, khuyết tật... Điều đó đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn. Thành phố đã xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo nghề và chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp về nội dung, thời gian đào tạo, chương trình dạy nghề được thiết kế với tỷ lệ thực hành cao (70-80%). Ngoài ra, học viên được thực hành trên các thiết bị hiện đại, tương thích với các thiết bị hiện đang sử dụng tại các doanh nghiệp, phôi liệu được đặt hàng tại các nhà cung cấp chuyên nghiệp, đảm bảo yêu cầu của bài giảng nên có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển KT-XH của thành phố.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 91,29%, trong đó được doanh nghiệp hoặc đơn vị tuyển dụng 24,04%, 5,49% được doanh nghiệp hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm và làm việc trong các tổ hợp tác, hợp tác xã và có đến 70,47% tự tạo việc làm. Như vậy, con số lao động tự tạo việc làm khá lớn, chiếm hơn 70%. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH Q. Hải Châu, hiện nay việc tư vấn định hướng cho người học còn lúng túng. “Học xong nhưng làm sao để người lao động sống được bằng nghề mới quan trọng. Tuy nhiên hiện nay người học chủ yếu tự tìm việc làm là chính” – bà Nguyệt nói. Theo nhiều đại biểu, ngoài việc phải đẩy mạnh giới thiệu việc làm, định hướng cho người học thì cần có nguồn vốn cho vay để người học sau khi học xong có thể tự tạo việc làm bền vững hơn.
Học nghề kết cườm tại Đà Nẵng. |
Cần phối hợp thông tin tuyên truyền
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, các Trung tâm đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để nắm bắt thông tin về người học, từ đó đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của mình chứ không thể chỉ dừng ở việc đào tạo. Một thực tế nữa là hiện nay, không ít địa phương gặp khó trong việc tìm người học. Theo một đại diện Phòng LĐ-TB&XH Q. Thanh Khê, việc vận động các đối tượng đi học là điều không dễ dàng. Các cán bộ địa phương phải giới thiệu nghề rồi thuyết phục nhiều lần nhưng nhiều người vẫn chưa muốn tham gia. Đồng ý với quan điểm này, ông An nói: “Thời gian đến chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm, đồng thời tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người dân hiểu và tham gia”.
Ngoài ra, theo ông An, cũng cần tiếp tục xây dựng mô hình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, lựa chọn các mô hình điển hình hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo nghề cần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề để đáp ứng về số lượng, chất lượng giáo viên, người tham gia dạy nghề. “Để tạo được việc làm bền vững phải phối hợp với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa cho lao động nông thôn và phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp” – ông An nhấn mạnh.
Mộc Miên
Trong năm nay, Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo nghề cho 700 lao động nông thôn; tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề hàng năm khoảng 4%. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề khoảng 55%. Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề, kỹ năng dạy nghề cho 30 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề công lập. |