Lần đầu tiên, Quốc kỳ Palestine tung bay trên nóc nhà Liên hợp quốc

Thứ sáu, 02/10/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - Vậy là lần đầu tiên trong lịch sử, Palestine hôm 30-9 (giờ Mỹ) thượng cờ tại LHQ tại buổi lễ do Tổng thống Mahmud Abbas chủ trì, trong nỗ lực tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ của LHQ.

Lá cờ của Palestine đã tung bay trên nóc nhà LHQ ở New York sau khi đa số áp đảo các nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết về vấn đề này hồi đầu tháng 9. Tại cuộc bỏ phiếu này, Đại hội đồng LHQ nhất trí cho phép cờ của Palestine và Vatican - cả hai hiện có tư cách quan sát viên - được thượng lên tại LHQ. Nghị quyết nhận được 119 phiếu ủng hộ, 45 phiếu trắng và 8 phiếu chống, trong đó có Australia, Israel và Mỹ. Động thái lịch sử này cũng diễn ra ngay sau bài phát biểu đầy lửa của Tổng thống Mahmud Abbas trước Đại hội đồng LHQ, bài phát biểu được đánh giá là "cuộc tấn công ngoại giao mạnh mẽ" nhằm vào Israel.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Abbas khẳng định, Palestine xứng đáng với tư cách thành viên đầy đủ và được LHQ công nhận là một nhà nước. Nhà lãnh đạo này cũng cho rằng, Palestine không thể mãi là bên duy nhất tuân thủ các thỏa thuận, tức là không thể tiếp tục bị ràng buộc bởi những thỏa thuận từng ký với Israel. Ông Abbas cho rằng, việc Tel Aviv bác bỏ những cam kết thỏa thuận trong quá khứ cũng như việc thả tù nhân Palestine và tiếp tục các hoạt động tái định cư Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, đã hủy hoại niềm hy vọng của Palestine về một nhà nước độc lập.

Và trong bài phát biểu gây chú ý tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ông Abbas tuyên bố: "Trong thời khắc lịch sử, tôi muốn nói với nhân dân ở khắp mọi nơi: Hãy treo cờ Palestine thật cao bởi nó là biểu tượng cho bản sắc của chúng ta". Trên thực tế, trong nhiều thập niên qua, lá cờ tổ quốc của người Palestine đại diện cho cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cả một quốc gia đối với quyền con người và chủ quyền quốc gia của họ. Cho dù là từ những tàn tích ở Gaza, tại trại tị nạn Yarmouk ở Syria, trên các bức tường của thành cổ Jerusalem, ở Jericho, Santiago de Chile hay San Francisco, thế hệ nối tiếp thế hệ người dân Palestine luôn phất cờ của họ để chứng minh chủ quyền quốc gia trước thế đe dọa của Israel. 

Các phong trào phục quốc Do Thái và sau đó là Nhà nước của Israel, trong nhiều thập kỷ qua cố gắng phủ nhận sự tồn tại của người dân Palestine. Năm 1948, sau khi Israel phá hủy ít nhất 418 ngôi làng Palestine và 70% người dân Palestine trở thành người tị nạn. Nỗ lực tìm kiếm tư cách một quốc gia lại một lần nữa tan như bong bóng. Trong những năm qua, Tel Aviv cũng liên tục phá hủy nhà ở của người Palestine ở Jerusalem và Bờ Tây. Bất chấp các hoạt động phá hoại của Israel, Palestine đang cho thấy quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường đi tìm tư cách thành viên đầy đủ của LHQ.

Thanh Văn