Lắng đọng với "Mùa Đông xứ Huế"

Thứ sáu, 16/12/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Chương trình nghệ thuật "Mùa Đông xứ Huế" vừa  khai màn tối 14-12 đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với công chúng yêu nhạc Thủ đô. "Mùa Đông xứ Huế" là hoạt động mở màn cho chuỗi các hoạt động của các địa phương tại Nhà hát Lớn nhằm quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, chương trình nghệ thuật đặc sắc của các vùng miền tại thủ đô. Đây cũng là chương trình nghệ thuật lớn nhất về Huế tại Hà Nội từ trước đến nay do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh TT-Huế tổ chức, một trong những hoạt động quảng bá, xúc tiến văn hóa, du lịch TT-Huế diễn ra từ ngày 14 đến 6-12 tại Hà Nội.

Chia sẻ về chương trình, TS. Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Tổng đạo diễn cho biết, âm nhạc Huế tại Việt Nam hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20. Đến nay đã gần tròn một thế kỷ, âm nhạc Huế hình thành và phát triển. Mảnh đất địa linh nhân kiệt với vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn, thơ mộng, hoài niệm đã trở thành điểm dừng chân của biết bao tâm hồn tao nhân, mặc khách, khơi nguồn cảm hứng cho hàng trăm sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng, tích tụ qua thời gian để rồi trở thành một dòng chảy sâu lắng, riêng biệt giữa nền âm nhạc Việt... Đến nay chỉ riêng về Huế đã có hơn 1.000 tình khúc. Nhưng dù được hình thành nhờ âm nhạc lãng mạn phương Tây nhưng tình khúc Huế luôn mang hơi thở của âm nhạc truyền thống, đó là các loại hình âm nhạc dân gian như: Lý Huế, Hò Huế, và âm nhạc bác học Huế, đại diện cho sự quyền quý sang trọng đó là âm nhạc cung đình. Bởi vậy giữa dòng chảy âm nhạc Việt Nam hình thành nên dòng chảy riêng biệt, sâu lắng-dòng nhạc Huế.

Lắng đọng cảm xúc với "Mưa trên phố Huế".

Mùa Đông là mùa rất đặc trưng của xứ Huế, khi những cơn mưa kéo dài triền miên phủ kín đền đài, chảy xuống dòng Hương, len lỏi qua từng kẽ lá và thẩm vào lòng người, để rồi ai nấy cũng trầm tư hơn, cảm nhận nhiều hơn. Mùa mưa đã trở thành "đặc sản" của xứ Huế. Giữa cái lạnh se sắt của mùa Đông, mưa Huế đi vào tâm hồn những người con nặng lòng với Huế những năm tháng qua và để lại biết bao những dấu ấn, kỷ niệm trong các tình khúc về Huế...                   

Không phụ lòng khán giả "Mùa Đông xứ Huế" đã mang đến cho công chúng những tinh túy nhất của Huế qua những bài hát tiêu biểu qua các thời kỳ của các tác giả như Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Hoàng Vân, An Thuyên, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Việt Đức, Nguyễn Nam, Nguyễn Tiến... với những tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ như "Ai ra xứ Huế", "Mưa trên phố Huế", "Huế xưa", "Huế thương", "Huế - Tình yêu của tôi", "Nhớ Huế", "Hà Nội - Huế - Sài Gòn", "Ngược dòng Hương Giang", "Huế ơi vang mãi ngàn năm"... cùng những điệu hò, điệu lý như "Hò mái nhì", "Mái sắp", "Quỳnh tương", "Lý con sáo", với những vần thơ Huế, những tà áo dài phảng phất hồn xưa trong một không gian nghệ thuật được dàn dựng công phu, tinh tế mang đậm chất Cố đô.

Dòng chảy âm nhạc đã đưa khán giả đến với văn hóa, lịch sử, con người Huế. Đó là "Huế xưa" với những bài hát trước những năm 50 của thế kỷ XX tái hiện một Cố đô thâm nghiêm, trầm mặc với những cơn mưa  níu lòng người trong cái lạnh se sắt của mùa đông, mang đến cho khán giả cảm nhận sự uy nghiêm của lịch sử huy hoàng in dấu trên đền đài, thành quách rêu phong; Là "Tình Huế" với những tình khúc lãng mạn, thiết tha của đôi lứa bên dòng sông Hương, bên núi Ngự, là nỗi nhớ da diết về quê mẹ trong lòng người con xa xứ; Là  "Huế tự hào" với một xứ Huế đổi mới, hội nhập và phát triển hòa vào dòng chảy chung của dân tộc và thời đại nhưng vẫn luôn giữ được nét riêng vốn có. Hành trình trở về với Huế còn được dẫn dắt bởi những nghệ sĩ nổi tiếng gắn liền tên tuổi với những ca khúc về Huế như: Quang Linh, Vân Khánh, Long Nhật, Thanh Thanh Hiền, Đăng Dương, Anh Thơ, Lê Anh Dũng, Vũ Thắng Lợi, Thành Lê, Lô Thủy, Bạch Trà, Thu Hường, các nghệ sĩ ưu tú ca Huế như: Thu Hằng, Phong Thủy, Mai Lê, Hoàng Hằng, Thu Hiền và dàn nghệ sĩ, nhạc công của Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Không chỉ có màu buồn của tình khúc Huế, chương trình "Mùa Đông xứ Huế" còn được thổi hơi thở mới của nhịp sống đương đại. Lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Lớn, khán giả được chiêm ngưỡng những cơn mưa Huế.  "Trong chương trình này, chúng tôi làm mới các bài hát bằng bản phối mới. Như vậy, công chúng thủ đô sẽ được nghe các tình khúc về Huế với hơi thở mới, màu sắc mới bằng hòa âm phối khí, nghệ thuật múa, không gian 3D, đèn LED, kỹ xảo sân khấu... để "đặc sản" "Mùa Đông xứ Huế" lắng lại giữa lòng Hà Nội phồn hoa" - TS. Nguyễn Việt Đức chia sẻ.

Giữa nhịp sống rộn ràng, sôi động của thủ đô, hơi thở "Mùa Đông xứ Huế" làm dịu lại, sống trọn với cảm xúc của những con người nặng lòng với Huế, và cả với những ai chưa từng đến Huế nhưng đã yêu mến mảnh đất này qua từng câu hát, điệu hò và những lời thơ. Để rồi "Hẹn Huế mùa sau sẽ về thăm/ Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn/ Thăm mưa rả rích trong đêm vắng/ Để nhớ vô cùng những tháng năm…".

K.N