Làng giữa đại ngàn Trường Sơn (3)
* BÀI CUỐI: KHÁT VỌNG AUR
(Cadn.com.vn) - Tôi để ý, ngay trước cửa các cơ quan, ban ngành ở huyện Tây Giang đều có treo một tấm biển với nội dung: "...cán bộ huyện Tây Giang phải hiểu dân, thương dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ...". Nghe nói, tinh thần nội dung ấy là do ông Briu Liếc-Bí thư huyện ủy khởi xướng. Lên làng Aur chuyến này, cùng đoàn cán bộ huyện do ông Bling Mia-Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu, mới thấy tinh thần trách nhiệm, những trăn trở với cuộc sống người dân của những người cán bộ miền núi ấy...
Ông Bling Mia-Chủ tịch UBND huyện Tây Giang trên đường lên khảo sát làng Aur. |
Không điện, không đường, ngoài 2 lớp học lồng ghép, làng Aur bây giờ vẫn chưa có trạm y tế, chỉ có 1 y tá thôn bản làm công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Hôm chúng tôi lên Aur, trong đoàn có mấy y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện lên khám bệnh, phát thuốc cho bà con, bác sĩ Lưu Văn Quân cho biết, trong đợt này đã khám cho 30 em nhỏ và hơn 10 phụ nữ, người già của thôn. Ưu điểm nổi bật là công tác vệ sinh môi trường trong làng rất tốt, không có trâu bò, lợn thả rông, nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ nên lâu nay không xảy ra dịch bệnh. Tuy vậy, cũng có nhiều em nhỏ mắc chứng suy dinh dưỡng do thiếu chế độ, phương thức chăm sóc, một số em mắc bệnh về hô hấp, tim bẩm sinh.
Nan giải nhất vẫn là vấn đề phụ nữ sinh đẻ và người đau ốm nặng, những trường hợp khó sinh đều phải khiêng bộ qua đường rừng cả ngày đường để tới Trung tâm y tế huyện, ở Aur nhiều trường hợp phụ nữ trước khi sinh, gia đình phải đưa sang H. Nam Đông, TT-Huế chờ sinh đẻ, vì sang Nam Đông gần hơn về Trung tâm H. Tây Giang. Bất cập này dẫn đến vướng mắc, rắc rối khi làm giấy chứng sinh, khai sinh cho trẻ để kê khai hộ tịch, hộ khẩu. Nói về vấn đề này, anh ARất Blúi-Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang góp chuyện, trước đây anh nguyên là Trưởng phòng Tư pháp của huyện nên rất hiểu quy trình thủ tục làm các loại giấy tờ mang tính pháp lý liên quan đến vấn đề nhân thân mỗi con người.
Do mới được "phát hiện" năm 2000, nên thời điểm đó, cán bộ Tư pháp huyện, xã mới lên làm thủ tục giấy tờ cho bà con Aur, tất cả 100% làm mới từ đầu. Nhiều người già trong làng chẳng nhớ mình sinh năm nào, bao nhiêu tuổi, thế là cán bộ Tư pháp cứ nhìn mặt, nhìn dáng người mà đoán tuổi làm giấy khai sinh. Cụ nào có râu, tóc bạc, da nhăn nheo thì đồng loạt trên 60 tuổi, tóc còn xanh, dáng đứng còn thẳng thì 30, 40… cứ lấy tuổi chẵn làm mốc…Kế đến là làm giấy đăng ký kết hôn, cứ căn cứ đang là vợ chồng trên thực tế mà làm giấy, nhiều đôi vợ chồng đều 70 tuổi rồi mà mới làm giấy đăng ký kết hôn, rồi kê khai hộ tịch, hộ khẩu, cứ đếm người trong gia đình mà làm sổ…
Cán bộ y tế huyện Tây Giang khám chữa bệnh cho trẻ em làng Aur. |
Từ thời điểm ấy đến bây giờ đã là 15 năm, bây giờ hỏi chuyện trong làng, cứ thấy người lớn tuổi, là bà con khoe đã hơn 80 rồi đấy, thì ra họ lấy mốc năm 2000 để tính tuổi cho mình, vì lúc đó các cán bộ Tư pháp đã "khai" cho họ là 70 tuổi, kỳ thực nhìn mặt cụ ông cụ bà có lẽ cũng mới chỉ hơn 60 là cùng. Như Già làng Alăng Gieng lúc nào cũng khoe mình hơn 80 tuổi, nhưng A Lăng Đàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, năm nay mới 65 tuổi cười khà khà, gạt phắt: "Làm gì đến, hồi tao đi kháng chiến lên đây mày vẫn là con nít…!". Hỏi chuyện đôi vợ chồng già, đã có đủ con dâu con rể, cả hai đều khoe là lấy nhau năm…2000, thấy tôi cười ngặt nghẽo liền cự nự: "Anh nhà báo không tin, mình lấy giấy ra cho coi…!". Ở Aur, chuyện giáo dục, y tế, đời sống…cái gì cũng có chuyện để nói, cái gì cũng có cái dở khóc dở cười, chung quy lại chỉ vì không có đường giao thông. Bling Mia-Chủ tịch H. Tây Giang trăn trở: "Mỗi lần lên Aur, càng thấy thương đồng bào mình hơn…".
Đành rằng hiện tại bà con không đói, không rét, nhưng chỉ trông vào những vạt rẫy thì cuộc sống thật bấp bênh, năm nào thời tiết thuận lợi, lúa bắp tốt được mùa thì đủ ăn, còn năm nào thời tiết khô hạn, bão gió là năm đó bà con đói, lại kéo nhau vào rừng đào củ, bẻ măng…Mà làm rẫy thì phải phá rừng, cứ triền miên năm nay cánh rừng này, sang năm cánh rừng khác, rồi rừng cũng hết, cái đói lại chực chờ phía trước. Trong chuyến công tác này, UBND huyện đã khảo sát, hiện khu vực Aur có hơn 3.000 ha đất sản xuất, trong khi cả H. Tây Giang chỉ có hơn 400 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng đất bằng phẳng, màu mỡ có thể cải tạo trồng lúa nước, trồng cây hoa màu, cây công nghiệp có giá trị…
Ngay trong chuyến công tác, UBND huyện đã chỉ đạo cho lãnh đạo các ban ngành cùng đi nhanh chóng lập kế hoạch quy hoạch lại đất đai ở Aur, tuyên truyền, vận động cho bà con tại Aur phải chuyển đổi cơ cấu canh tác, sản xuất nông nghiệp bằng phương thức ổn định, lâu dài, bền vững. Ngay trong đầu tháng 4, đoàn thanh niên huyện sẽ cử 100 thanh niên xung kích lên giúp nhân dân làm ruộng lúa nước, huyện sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng hệ thống thủy lợi, cung cấp giống, phân bón cho bà con, làm sao đến giữa năm 2015 phải hình thành cơ bản diện tích ruộng lúa nước để bà con Aur bỏ hẳn việc làm rẫy sang làm ruộng. Huyện sẽ đầu tư kinh phí xây dựng một con đập ngăn dòng suối Mrăng, lắp đặt một trạm phát điện nhỏ, trang bị tivi, máy vi tính để phục vụ đời sống sinh hoạt, việc dạy và học cho thầy giáo và các em học sinh.
Tiến tới làm sao phải tổ chức được một trạm ý tế cho làng Aur phục vụ việc khám chữa bệnh cho bà con ngay tại chỗ. Ông Bling Mia phác họa với chúng tôi về một tương lai của vùng này: "Aur hiện vẫn hoang sơ giữa đại ngàn, nhưng thực chất đây là một vùng đất rất giàu tiềm năng, nơi đây có thể khai thác phát triển du lịch, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị…". Chúng tôi hiểu đó là những trăn trở, những suy tư đầy trách nhiệm của người cán bộ miền núi, lo cho dân, thương dân và mong ước một tương lai tươi sáng cho đồng bào Cơ Tu ở Aur và cả Tây Giang.
Ông Mia đề nghị, khó khăn nhất là hiện nay do kinh phí từ các nguồn vốn của Tây Giang đều rất hạn hẹp, cái quan trọng nhất là phải mở một con đường lên Aur, trong hơn 70 thôn bản ở Tây Giang, Aur là một trong những địa phương cuối cùng chưa mở được đường giao thông. Qua cơ quan báo chí ngôn luận, Đảng bộ, chính quyền H. Tây Giang kêu gọi các nhà đầu tư, hãy chung tay giúp bà con Cơ Tu ở Aur, cho vùng biên giới phía Tây Quảng Nam ngày càng phát triển, thoát khỏi đói nghèo, làm phên giậu vững chắc giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Phóng sự: Hồng Thanh