Làng giữa đại ngàn Trường Sơn

Thứ hai, 30/03/2015 08:00

* Bài 1:  Một chuyện tình đẹp giữa đại ngàn

(Cadn.com.vn) - Nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, tận vùng lõi của rừng Quốc gia Bạch Mã gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, làng Aur không đường, không điện,  không trạm y tế, cái văn minh nhất là sự có mặt của hai thầy giáo cắm bản, với 15 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tất cả mọi thứ đều tự cung tự cấp,  rừng nguyên sinh đã ưu đãi cho làng mọi thứ, đảm bảo một cuộc sống không dư dả, nhưng không thiếu thốn về cái ăn, cái mặc và vẫn giữ nguyên những tập tục ngàn đời của người Cơ Tu...

7 giờ sáng, từ đường Hồ Chí Minh, khu vực trung tâm xã A Vương, Tây Giang, Quảng Nam, chúng tôi gửi lại những chiếc xe máy, xốc ba lô theo con đường mòn, thẳng hướng rừng quốc gia Bạch Mã. Theo ông Bling Mia-Chủ tịch UBND H. Tây Giang, người dẫn đầu đoàn, chuyến ra quân đầu xuân này của đoàn công tác huyện Tây Giang với mục đích khảo sát mở đường lên thôn Aur,  nắm tình hình đời sống bà con ở tại ngôi làng Cơ Tu duy nhất của H. Tây Giang. A Lăng Đàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện năm nay đã gần 70 tuổi, cười khà khà: “Anh nhà báo đã chuẩn bị tư thế chưa, phải đi bộ mất gần 8 tiếng đấy...”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, A Lăng Đàn tham gia du kích, rồi lực lượng dân công hỏa tuyến, nên khắp dải Trường Sơn ông thuộc như lòng bàn tay. Ông kể, làng Aur  trước đây  thuộc xã Thượng Long, H. Nam Đông, TT-Huế. Trong kháng chiến, khu vực làng hiện nay chính là hậu cứ, nơi tăng gia sản xuất của Quân khu 4. Sau giải phóng, một nửa dân làng trở về Nam Đông, cách làng hiện nay khoảng một ngày đường rừng. Một nửa số dân làng còn lại bám trụ tại làng cũ, đây là khu vực giáp ranh giữa Quảng Nam và TT-Huế.

Vì  chưa phân định rõ ràng ranh giới, nên số dân làng này không thuộc sự quản lý của địa phương nào. Họ cứ thoải mái tự do phát rừng làm rẫy, dựng nhà ngay giữa rừng nguyên sinh, năm này ở sườn núi này, năm sau thích thì sang sườn  núi khác, đời sống hoàn toàn tự cung, tự cấp, trong năm chỉ vài ba tháng mới có một  vài người làng ra khỏi rừng để bán vài thứ lâm sản như mật ong, thịt thú rừng... mua muối, mua áo quần, dao rựa... Mãi đến năm 2000, khi cơ quan chức năng phân định rõ ràng ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và TT- Huế, làng Aur mới được “phát hiện” và chính thức công nhận là đang sinh sống trên đất H. Hiên (cũ), Quảng Nam.  Được công nhận là dân Quảng Nam, nhưng  từ năm 2000 đến nay, làng cũng dời địa điểm 3 lần, lần gần nhất cách đây 5 năm. Làng Aur hiện nằm ngay giữa vùng lõi của rừng Quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn sao la của Việt Nam. A Lăng Đàn bảo, sống giữa rừng già, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng trong kháng chiến, dân làng là chỗ dựa vững chắc, giúp bộ đội, giao liên, dân công mở đường, tải đạn,  làm rẫy trồng lúa bắp nuôi cán bộ, bộ đội đánh Mỹ.

A Lăng Đàn trầm ngâm: “Bây giờ trong làng còn có một người con của một anh bộ đội người Hà Nội những năm đánh Mỹ đấy... cô ấy tên là A Ting Thêu”. “Tiết lộ” của A Lăng Đàn làm tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Đúng như A Lăng Đàn nói, sau gần 8 tiếng lội suối, luồn rừng, chúng tôi mới lên tới làng Aur khi mặt trời ngả về Tây. Tạm quên đi sự mệt mỏi, tôi tìm đến nhà Già làng A Lăng Gieng, hỏi chuyện, thì ra chị A Ting Thêu chính là con dâu của Già làng. Trò chuyện cùng chúng tôi, A Ting Thêu xúc động: “Tôi mới ra Hà Nội dự đám tang của cha tôi vào tháng 11-2014 đấy...”. Rồi qua lời kể của A Ting Thêu, câu chuyện tình đẹp thời đánh Mỹ giữa đại ngàn Trường Sơn như cuốn phim quay chậm hiện ra trước mắt chúng tôi...

Phóng viên trên đường lên làng Aur, Tây Giang, Quảng Nam.

...Đầu những năm 70, như bao thanh niên khác trong làng Aur, cô sơn nữ Cơ Tu-Hồ Thị Thảo  (tên thật là A Ting Arát) cũng lên đường tham gia đoàn dân công hỏa tuyến. Trên chiến trường TT-Huế, Hồ Thị Thảo lập được nhiều chiến công, trong đó có chiến công như huyền thoại, được cán bộ và nhân dân vùng núi Thừa Thiên kể mãi. Đó là vào năm 1971, trên tuyến đường mòn Trường Sơn qua H. A Lưới-Nam Đông bỗng xuất hiện một con hổ dữ, hàng đêm thường rình chắn ngang đường vồ người ăn thịt làm nhiều chiến sĩ, dân công bị hổ sát hại khiến mọi người khiếp sợ, tuyến đường giao liên vận chuyển gần như ách tắc. Vốn quen với rừng rú, Hồ Thị Thảo hạ quyết tâm phải tiêu diệt bằng được con hổ dữ này. Thế là cô xách súng nằm mai phục hổ mấy ngày trời, và kết quả đã tiêu diệt được con hổ.

Cán bộ và nhân dân gọi đây là một chiến công cũng ngang tầm chiến công diệt Mỹ. Lần khác, trong trận Mỹ-ngụy càn quét đánh phá đường giao liên vận chuyển, Hồ Thị Thảo đã dũng cảm chặn đường, bắn rơi một máy bay trực thăng... Với những thành tích trong công tác, chiến đấu, Hồ Thị Thảo đã vinh dự 2 lần được ra Bắc gặp Bác Hồ... Cảm mến cô sơn nữ Cơ Tu dũng cảm, một chàng trai người Hà Nội tên là Nguyễn Văn Đạt, bộ đội chủ lực đóng quân ở TT-Huế đã đem lòng thương yêu, rồi họ nên vợ nên chồng trong một đám cưới đơn sơ trên một cung đường Trường Sơn. Năm 1974, cô bé Nguyễn Thị Thêu chào đời...

Chị Ating Thêu ở làng Aur kể chuyện về mối tình đẹp của cha mẹ mình
thời đánh Mỹ trên Trường Sơn.

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn khốc liệt và quyết định nhất, anh Đạt phải chia tay vợ con cùng đơn vị tiến sâu vào mặt trận phía Nam. Hồ Thị Thảo ở lại vừa nuôi con vừa công tác. Sau ngày giải phóng Thảo đưa con gái về sống tại làng Aur tại H.Nam Đông (TT-Huế) và đổi theo họ mẹ cho Thêu là A Ting Thêu. Ngôi làng ẩn khuất giữa rừng già Trường Sơn, mọi liên lạc với bên ngoài càng bặt vô âm tín. Mãi tới năm 2009, những người bà con Cơ Tu ở xã Hương Hữu, H. Nam Đông sang báo tin, có một người Hà Nội nói là bộ đội thời đánh Mỹ muốn tìm vợ con là người Cơ Tu ở Nam Đông.

Như có linh tính mách bảo, bà Thảo tin chắc đó chính là ông Đạt chồng mình. Ít lâu sau, một thanh niên tên Nguyễn Văn Đức tìm đến làng Aur, giới thiệu mình là con trai ông Nguyễn Văn Đạt đi tìm mẹ là Hồ Thị Thảo và em gái là Nguyễn Thị Thêu. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc hội ngộ diễn ra bùi ngùi, xúc động. Sau đó Thêu theo Đức ra Hà Nội gặp cha sinh sống ở P. Yên Sở, Q.Hoàng Mai. Cha con gặp nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào, thì ra sau lần chia tay vợ con năm 1974, ông tiếp tục vào Nam chiến đấu, sau giải phóng ông về TT-Huế tìm vợ con nhưng đơn vị cũ của vợ đã giải thể, không biết mẹ con bà Thảo đi về đâu.

Trở ra Bắc, ông Đạt vẫn tiếp tục công tác trong quân đội, ông đã trình bày rõ với đơn vị và gia đình mình rằng đã có vợ là người dân tộc ở trong Nam và tiếp tục liên hệ tìm kiếm... Những năm đầu đất nước mới thống nhất, điều kiện mọi thứ còn khó khăn, thông tin liên lạc cũng hạn hẹp, tin tức về vợ con cũng ngày càng vô vọng. Ông Đạt có đâu biết rằng mẹ con bà Thảo đang sống trong một ngôi làng giữa đại ngàn Trường Sơn, ông lập lại gia đình tại Hà Nội và sinh thêm 5 người con, Đức là con trai đầu. Từ năm đó, năm nào chị Thêu cũng ra Hà Nội thăm cha một lần, mọi người trong gia đình ông Đạt rất quý mến chị Thêu, muốn mời chị Thêu ra sinh sống hẳn ngoài Hà Nội, nhưng chị từ chối vì còn lo cho mẹ già. Từ năm 2012 đến năm 2014, bà Thảo  và ông Đạt lần lượt qua đời do tuổi già bệnh tật...

Phóng sự:  Hồng Thanh
(còn nữa)