Làng kháng chiến ven sông

Thứ hai, 24/04/2017 09:20

(Cadn.com.vn) - Dòng sông Yên - đoạn chảy qua thôn La Châu (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) phẳng lặng nhưng lại mang nhiều ký ức hào hùng của một vùng đất đầy ắp khúc tráng ca. Nhìn làng xóm vẫn trầm tư như muôn năm cũ, những ngôi nhà cứ mãi quấn quýt bên nhau sẻ chia “cay đắng, ngọt bùi” của bao trầm tích để trở thành huyền thoại của ngày hôm nay. Trong ký ức của ông Đinh Ngọc Chơn (90 tuổi), sông Yên không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời cha ông đánh giặc giữ nước. Thế hệ của ông lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng. Tạm biệt quê hương, ngoài hành trang người lính, ông còn mang theo hình ảnh của dòng sông tuổi thơ cùng những lũy tre đan dày vào trận đánh. Thời đó gian khổ lắm, phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng ai cũng hừng hực với quyết tâm “Chưa xong nhiệm vụ chưa về quê hương”...

Dòng sông Yên huyền thoại của người dân La Châu.

Là làng kháng chiến nên những năm chống Mỹ, chuyện địch vào La Châu đi càn là chuyện thường xuyên như... ăn cơm bữa. Mỗi lần đến đây chúng lại đốt sạch, phá sạch. Nhưng sáng địch đốt nhà, thì chiều dân làng làm lại hoặc chiều địch đốt nhà thì sáng hôm sau dân làm lại chứ không hề nghĩ đến chuyện phải bỏ làng mình đi nơi khác ở. Để đối phó với giặc, cứ vài ba gia đình lại cùng nhau đào một hầm trú ẩn và giao thông hào. Với cách đào hầm bí mật, lỗ thông hơi nằm khuất dưới những lũy tre ven sông nên địch cũng khó phát hiện. Một phần nhờ vậy mà dân làng La Châu đã trụ bám được để làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch cho đến ngày thống nhất đất nước. Không những cung cấp nhân lực cho cách mạng, mà người dân La Châu còn biết cách phát huy lợi thế về điều kiện và phương tiện đường sông. Cùng với đó, là các ngọn đèn le lói của những người mẹ, người chị đêm đêm soi dòng sông Yên để đưa đón bộ đội qua sông mỗi khi hành quân về làng chuẩn bị tập kích các đồn địch chiếm đóng. Trong đó, nhiều phụ nữ La Châu còn bồng con nhỏ hiên ngang chặn đường xe tăng Mỹ. Tất cả hình ảnh đó, giờ đã trở thành huyền thoại... Mẹ VNAH Lê Thị Qua (96 tuổi) nhớ lại, lúc đó đàn ông, thanh niên đều “nhảy núi” theo cách mạng, trong làng chỉ còn đàn bà, con nít. Ban ngày thì đi biểu tình, đấu tranh, dò la lịch tuần của Mỹ ngụy; đêm đêm chong đèn báo hiệu cho cách mạng về làng nhận tiếp tế, họp với du kích, cơ sở nội thành. Bên kia sông Yên, trên núi Bồ Bồ nếu thấy đỏ đèn là an toàn, bộ đội có thể vượt sông về làng. Nếu La Châu tắt đèn thì ngược lại. Cái ám hiệu đơn giản, với ánh đèn dầu le lói ấy đã giúp thành công bao nhiêu cuộc họp quan trọng, đón người từ chiến khu xuống. Với mẹ Qua, ở La Châu không chỉ riêng mình mẹ mà còn nhiều Mẹ VNAH khác như mẹ Lê Thị Hoa, Trần Thị Cửu, Nguyễn Thị Thạc, Huỳnh Thị Cẩm...

Mẹ VNAH Lê Thị Qua.

Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người ở thôn La Châu trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương. Đất nước thống nhất, thôn La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 62 Bà mẹ VNAH, 169 liệt sĩ, 74 thương bệnh binh... Với người dân La Châu, chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Đà Nẵng kiên trung. Bây giờ, họ không chỉ có một thời để nhớ về truyền thống yêu nước mà còn có cả những niềm tự hào nối tiếp truyền thống ấy, họ tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương đổi mới.

Vy Hậu