Làng nghề Non Nước (Ngũ Hành Sơn): Ai bảo đá vô tri...

Thứ sáu, 13/04/2012 00:00

THỢ LÀ... “THẦY”

(Cadn.com.vn) - Làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) hình thành cách đây hơn 400 năm vào đầu thế kỷ XVII do những nghệ nhân người Thanh Hóa- Nghệ An vào xứ Quảng lập nên. Theo nhiều nghiên cứu gần đây, có thể ông Tổ Thạch nghệ Làng đá Mỹ nghệ Non Nước là người họ Huỳnh Bá hoặc Nguyễn Văn mà cứ liệu thuyết phục nhất vẫn là ông Huỳnh Bá Quát. Lúc đầu dân làng nghề làm các sản phẩm bằng đá phục vụ sản xuất và sinh hoạt như những ngư cụ (cục chùy xâu lưới đánh cá) cối xay, các dụng cụ cho nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp và các nguyên liệu chủ yếu khai thác từ đá Non Nước trong 5 ngọn núi (ngũ hành sơn).

Dân làng hiện còn truyền miệng câu ca tôn xưng các tay thợ khai thác đá giỏi, trèo núi xếp hạng theo thứ bậc: “Nhất Trì, Nhì Ngộ, Ba Gang...”. Trong 3 vị nay chỉ còn cụ Nguyễn Ngộ hơn 80 tuổi là chủ bái trong lễ tế kỵ Tổ sư Thạch Nghệ ngày 16-3 năm Nhâm Thìn – 2012. Kể về sự thịnh, suy của nghề thợ đá, cụ Nguyễn Ngộ đọc bài vè: “Lấy chồng thợ đá ăn chi/ Hai ba mũi só (đục) xách đi, xách về/ Em ơi đừng nói mà quê/ Lấy chồng thợ đá lắm nghề trong tay/ Ra đi không dép, thì giày/ Làng trên,  xã dưới vòng tay thưa Thầy...”.

Theo cụ Ngộ cho biết, chữ Thầy nói lên niềm kính ngưỡng với tay nghề người thợ đá, thổi hồn cho các pho tượng, làm toát lên thần thái, sự oai nghi, từ ái của các sản phẩm mang tính chất thiêng liêng như Tượng Phật Thích Ca, Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật Di Lặc... do khách hàng đặt trọn niềm tin vào đôi tay, con mắt tinh anh, lão luyện của người thợ đá.

 Các sản phẩm bằng đá được làm từ bàn tay người thợ đá Non Nước.

THỢ ĐÁ KHÔNG LÀ “ĐÁ”

Trải qua nhiều thế kỷ hình thành làng nghề, nhiều gia tộc có ba, bốn thế hệ theo trọn với nghề đục đẽo nhưng chung quy nghề đá vẫn là nghề “lăn lóc giữa đời...”, quanh năm suốt tháng miệt mài với đá, mũi đục, nhiều người mang tật bệnh do khói bụi, do tiếng ồn, thương tật do trèo núi đá lăn... Có không ít rủi ro cho sự ra đời những sản phẩm được xã hội công nhận, ưa chuộng, tôn vinh.

Đó là chưa nói, do sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm mỹ nghệ khác, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền, công nghệ hiện đại, nhiều hộ, nhiều thợ đá thủ công không sống nổi bằng nghề, nhất là chưa tìm được lối đi cho mẫu mã và đầu ra sản phẩm. Nhiều người đã phải chuyển nghề, dù rứt ruột tiếc nuối một nghề tâm huyết được truyền từ bao đời.

 Tế lễ ngày giỗ Tổ Làng đá Mỹ nghệ Non Nước năm Nhâm Thìn- 2012.

ĐÁ LÊN NGÔI

Làng nghề chỉ thực sự khởi sắc vào thời điểm Nhà nước chuyển đổi cơ chế, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được chú trọng. Đầu thập niên 1990, các sản phẩm phục vụ các khu tâm linh ra đời. Long, Lân, Quy, Phụng... được bàn tay người thợ đá chăm chút sắc sảo, được du khách nước ngoài chú ý. Hàng Mỹ nghệ với sản phẩm đá Non Nước được phép xuất khẩu đi nhiều nước Âu, Á. Các Tôn tượng cao hàng năm, bảy mét được đóng bằng container xuất khẩu và tôn trí ở những chùa, các khu  tâm linh lớn như Đại Nam (Bình Dương), các Thiền viện trong và ngoài nước, tạo nên nguồn thu đáng kể cho làng đá Non Nước. Nhiều thương hiệu, các xưởng sản xuất rộng lớn ra đời được khách hàng trong và ngoài nước biết đến như: Long Bửu, Tiến Hiếu, Xuất Ánh, Nguyễn Hùng... Tỷ lệ thuận với cấp số thương hiệu và sản phẩm, số thợ hành nghề đá ngày một đông đúc, hùng hậu. Trong ngày giỗ Tổ Thạch Nghệ 16-3 năm Nhâm Thìn 2012, có đến hơn 500 thành viên thợ nghề tham dự trong lễ dâng hương.

Mùa hè, với lợi thế nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh Ngũ Hành Sơn bên bờ biển Non Nước, một bãi biển thơ mộng nằm trong top 6 bãi biển hấp dẫn nhất toàn cầu, làng  Non nước đã đón hàng trăm ngàn du khách tham quan mua sắm, đặt hàng.  Sản phẩm đá Mỹ nghệ Non Nước đang thực sự lên ngôi, tạo nên diện mạo mới cho Làng nghề. Theo ông Lê Năm, Chủ tịch Hội nghề thợ đá, quanh ngọn Mộc Sơn- nơi có nhà thờ Tổ Thạch nghệ tọa lạc- đã có 29 hộ có xưởng và cửa hàng lớn bán buôn các mặt hàng lưu niệm mỹ nghệ bằng đá và 26 hộ có ô-tô du lịch đời mới. Điều đáng nói, ngoài theo nghề truyền thống ông cha, đến nay Làng đã có 5 em tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế trở về phục vụ cho thiết kế mẫu mã và tiếp tục truyền nghề như Nguyễn Bảo Quốc, Lê Văn Quá, Huỳnh Cường... Đây là thế hệ nối gót cha ông, phát huy truyền thống tốt đẹp của Làng nghề, tiếp bước các nghệ nhân vang bóng một thời như cụ Nguyễn Sang 82 tuổi (vừa mới qua đời), cụ Lê Bền, Nguyễn Cảnh đang ngày càng tuổi cao, sức yếu...

Tâm huyết còn lại của các thợ đá cựu trào như các ông Lê Năm, Nguyễn Việt Minh là: mấy trăm năm qua làng nghề có những cống hiến, đóng góp, tạo nên  sản phẩm, thương hiệu mỹ nghệ bằng đá, nhưng chưa có ai được công nhận là Nghệ nhân với danh chính, ngôn thuận; chưa tổ chức sưu tầm, biên soạn lịch sử làng nghề và chưa xác định danh tánh ai là ông Tổ Thạch nghệ của Làng; sớm quy hoạch khu dân cư Làng nghề tập trung, ổn định nhằm phát huy tốt hơn những giá trị truyền thống của Làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn...

Nhìn những người thợ lòng thành dâng mâm trầu cau rượu lên cúng ông Tổ Làng nghề, thành tâm vái lạy trước một Tôn tượng bằng đá đặt trên bàn thờ trang trọng trong khi chính họ cũng chưa biết được người mình đang lễ lạy là ai... lòng tôi chợt trĩu nặng...

Nguyễn Thanh Nam