Lặng thầm trên phố mưu sinh (2)

Thứ sáu, 06/03/2015 11:48

* Bài 2: "Tằn tiện" những ước mơ

(Cadn.com.vn) - Không ít phụ nữ vẫn phải bươn chải, vất vả mưu sinh trong ngày dành riêng cho mình. Bất kể nắng mưa gió rét, nhiều người vẫn phải "ngụp lặn" với những công việc nhọc nhằn những mong có thêm thu nhập để lo cho gia đình, đơn giản chỉ vì cuộc sống của họ còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn...

Không khó để bắt gặp trong ngày Quốc tế phụ nữ cảnh mưu sinh tất bật của những người phụ nữ thôn quê trên đường phố, giữa các chợ, ngay cả ở các bãi rác tại Đà Nẵng. Công việc nặng nhọc, vất vả, rất nhiều người không nhớ, thậm chí chưa từng biết đến ngày dành riêng cho mình. Cũng dễ hiểu, quanh năm suốt tháng họ quần quật với bao chuyện lo toan, đâu dễ có chút thảnh thơi để nghĩ cho mình. Khi được hỏi ước mơ gì cho ngày phụ nữ, họ cười điềm nhiên, ngay cả ước mơ cũng "tằn tiện": người bán hàng rong thì mong mua may bán đắt, người làm thuê thời vụ thì mong có thêm nhiều việc để làm, người nhặt rác thì mong có nhiều... rác. Tuyệt nhiên không ai dám ước sẽ được tặng hoa, tặng quà hay những lời chúc mừng. Tuy nhiên trong mắt họ, tôi vẫn thấy cháy lên niềm khát khao được một lần như thế, bởi đơn giản họ cũng là phụ nữ...

Tại Đà Nẵng, rất dễ bắt gặp hình ảnh các "chợ di động" tồn tại qua các tuyến phố, hầu hết "chủ chợ" là những phụ nữ nghèo. Có thể nói, đây là đầu mối cung cấp các mặt hàng từ thực phẩm tươi sống đến rau, củ, quả hay các nhu yếu phẩm khác. Người bán chỉ cần trang bị một chiếc xe đẩy cùng vài phụ kiện hoặc đơn giản hơn là xe máy hoặc xe đạp là có ngay một "chợ di động" với đủ các mặt hàng. Tương tự như các chợ nhóm, họp tại chỗ, buổi chợ của họ cũng kéo dài từ sáng sớm đến tận trưa, có khi di chuyển cả ngày để kiếm thêm thu nhập. Chị Trương Thị Mai, ở đường Trần Cao Vân bán hàng trên xe đẩy hàng chục năm qua, cho biết: "Công việc này không cần phải tính toán nhiều, miễn sao có sức khỏe dẻo dai là được. Lấy hàng từ sáng sớm, rồi cứ thế rong ruổi qua các tuyến phố, càng đi vào sâu các con hẻm, ngõ ngách thì bán càng nhiều hàng hơn. Mỗi ngày hai lượt đi về trên các con đường quen thuộc, vì thế chỉ cần người mua có nhu cầu là mình đáp ứng được ngay vì người bán nào cũng nắm được sở thích, thị hiếu của từng nhà. Thậm chí, nhà nào muốn mua với số lượng lớn, chỉ cần đặt trước là sẽ có ngay". Theo chị Mai, mỗi mặt hàng chị thường lấy từ 5-7 kg, một chiếc xe hàng hoặc xe đẩy chở trên dưới cả trăm ki-lô-gam hàng hóa. Vì thế, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến một triệu đồng là đủ mưu sinh trong vài ngày...

Chị Trương Thị Nhung (phải) và chị Nguyễn Thị Bán mưu sinh bằng nghề cắt cỏ.

Loay hoay lựa chọn mớ rau củ, chị Lê Hoài Phương, trú trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: "Mua hàng ở chợ di động này tiện lắm, hầu như thứ gì cũng có. Giá có thể bằng với các chợ gần nhà, đôi khi nhỉnh hơn vài ngàn nhưng xem như là công sức họ mang đến tận nhà cho mình. Trong khi đó, người mua đỡ mất công đi lại. Đôi khi lỡ quên mang tiền cũng có thể mua... chịu". Theo chị Nguyễn Thị Hoa, ở đường Hải Phòng, cứ khoảng 3 giờ sáng, chị chạy xe máy ra chợ đầu mối Hòa Cường lấy hàng. Bất kể nắng mưa, ngày nào chị cũng lặn lội đi bán hàng khắp hang cùng ngõ hẻm TP. Chị bảo: "Những năm trước, mỗi ngày buôn bán, thu nhập cũng tầm 100-150 ngàn đồng, có ngày đắt khách tiền lời có thể lên vài trăm ngàn đồng. Bây giờ, bà con dễ dàng đi chợ, ra tiệm tạp hóa để mua sắm, hàng bán ngày càng ế ẩm. Giá cả cũng bấp bênh, cái gì cũng mắc nên người mua có phần dè dặt. Cả ngày chỉ được mấy chục ngàn đồng, hôm cao lắm cũng chỉ 80-90 ngàn đồng. Thôi thì bỏ công làm lời, coi như đi chợ mướn cho mấy người không có điều kiện ra chợ".

Gần 12 giờ trưa, cái nắng gay gắt, khó chịu của những ngày đầu năm tưởng như là "cơ hội" để chị Trương Thị Nhung (1970), trú thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang (Đà Nẵng) và người "đồng nghiệp" của mình là chị Nguyễn Thị Bán (1950) tranh thủ nghỉ ngơi, cơm nước. Thế nhưng, họ vẫn miệt mài với công việc cắt cỏ của mình bên vệ đường Bạch Đằng Đông (Đà Nẵng). Nhìn hai người phụ nữ với hai cái máy cắt cỏ trên tay, lặng lẽ với công việc, mặc cho xung quanh là những dòng xe cộ đang hối hả đưa mọi người về với tổ ấm, tôi không khỏi chạnh lòng. Có thể trong sâu thẳm, họ vẫn ước ao được những điều giản đơn như thế, nhưng vì cuộc sống, vì hoàn cảnh buộc họ phải chấp nhận thiệt thòi. Công việc cắt cỏ, vá đường là những việc nặng nhọc, vốn là của đàn ông nhưng đã gắn với họ suốt hơn 7 năm qua. Họ chẳng phải là công nhân, hay nhân viên của một công ty môi trường nào đó được ký hợp đồng lao động đàng hoàng, mà là "công nhân thời vụ", làm thuê theo yêu cầu của người khác. Khi không có việc thì về quê làm ruộng.



Tại Đà Nẵng, rất nhiều phụ nữ mưu sinh, thu vén cho gia đình nhờ vào các "chợ di động"
như thế này. Ảnh: Bích Liên.

Chị Nhung kể, trước đây, khi một công ty quản lý đường bộ (chị không nhớ cụ thể - PV) lên Hòa Phú làm đường, cần nhân công cắt cỏ, vá đường nên họ tìm những người bản địa cần mẫn để thuê, và chị là một trong số những người được chọn. Thế rồi công việc ấy vô tình đã gắn bó với chị từ đó cho đến nay. Khi cần bảo dưỡng, dọn dẹp đoạn đường nào đó, công ty thường gọi chị. Chị bảo, công việc nặng nhọc, đường sá xa xôi nhưng dù sao cũng có việc để làm. Mỗi ngày công ty trả tiền công khoảng 150 ngàn đồng, trừ chi phí xăng xe, ăn uống, cũng còn dư mấy chục. "Miễn sao có việc làm thường xuyên, còn hơn là ngồi chơi xơi nước ở quê. Vất vả, khó nhọc mấy cũng chịu được, chứ giờ ngồi không lấy tiền đâu sinh sống", chị Nhung nói.

Hỏi các chị có thấy chạnh lòng không khi rất nhiều phụ nữ khác thường váy áo là lượt, được tặng hoa, quà trong ngày 8-3, còn các chị, thay vào đó là bộ đồ bảo hộ bịt kín người, không hoa, không quà, không một lời chúc mừng, động viên..., chị Nhung cười buồn nói: "Quen rồi chú ơi. Trước ra sao giờ vẫn vậy. Nhiều lúc ngồi nghĩ ngợi thẩn thơ cũng có chút tủi thân, nhưng nghĩ lại, biết chấp nhận thực tại còn hơn ngồi than thân trách phận, ích gì". Hỏi có ước mơ gì cho ngày phụ nữ sắp tới, chị Nhung, chị Bán và hầu hết những người bán hàng rong khác đều cười hiền. Với họ, chỉ mong có sức khỏe tốt để làm việc, để không phải dựa dẫm hay nương nhờ vào sự cưu mang của người khác...

Doãn Nguyên Hưng
(còn nữa)