Lao đao với chiếu

Thứ tư, 07/08/2013 10:35

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến xã Duy Vinh (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là người ta nghĩ ngay đến "cái nôi" của nghề dệt chiếu cói với nhiều loại sản phẩm bền, đẹp, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, giờ đây nghề truyền thống ấy đang lâm vào cảnh khốn đốn và đứng trước nguy cơ bị mai một.

Diện tích đất trồng cói ở Duy Vinh ngày càng thu hẹp.

Trước đây trên địa bàn xã Duy Vinh có ít nhất 100 ha đất chuyên canh cây cói để phục vụ nghề dệt chiếu. Tuy nhiên, hiện nay diện tích cói ở địa phương này đã giảm xuống còn dưới 80 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Trà Đông, Vĩnh Nam, Hà Thuận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những năm qua rất nhiều cánh đồng cói bị ngăn nước mặn, cấp nước ngọt khiến các loại cỏ dại mọc um tùm.

Phải mua nguyên liệu với giá cao nên người làm chiếu không có lãi mấy.

Do vậy, người dân hoặc phải bỏ hoang ruộng cói hoặc phải cải tạo lại để chuyển sang sản xuất lúa. Nhiều hộ làm chiếu ở xã Duy Vinh cho hay, để việc sản xuất không bị ngưng trệ, từ năm 2011 đến nay họ phải mua nguyên liệu cói từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang... đưa ra bán với giá rất cao. Giá bán các loại sản phẩm chiếu làm ra chẳng nhích lên, trong khi đó giá vật tư nguyên liệu cứ mỗi ngày một tăng nên nhiều người chuyển nghề. Người dân làng chiếu cói Duy Vinh lần lượt treo khung rồi rủ nhau qua thành phố Hội An xin làm công nhân ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp hoặc kinh doanh, buôn bán nhỏ.

Người già còn bám trụ với nghề.

Hiện nay trên địa bàn xã Duy Vinh có gần 900 hộ làm nghề dệt chiếu, giảm 400 hộ so với thời điểm đầu năm 2011. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các loại sản phẩm mà người dân nơi đây làm ra chủ yếu bằng thủ công, chưa mạnh dạn chuyển đổi tư duy sản xuất và đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên khó cạnh tranh với các loại chiếu ở những nơi khác.

Chiếu cói Duy Vinh vang bóng một thời, giờ đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

Trung Ngôn