Lao động "chui" người Kurd tại Nhật

Thứ năm, 11/08/2016 10:39

(Cadn.com.vn) - Ngay cả khi bị chính quyền Tokyo cấm làm việc, người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhật Bản vẫn làm việc không có giấy phép cho các dự án của chính phủ. Họ là những lao động "không mong muốn" nhưng "cần thiết" đối với nước này.

Một người Kurd tị nạn đang làm việc tại một công trường ở quận Chiba, Tokyo. Ảnh: Reuters

Đào cống, đặt ống nước

Mazlum Balibay, 24 tuổi, một người Kurd sang Nhật Bản để tìm kiếm tị nạn hơn 8 năm trước. Anh bị các nhà chức trách Nhật bắt nhưng sau đó được thả tạm thời. Anh bị cấm làm việc trong khi chờ các cơ quan di trú xem xét đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, lệnh cấm không thể ngăn cản Balibay làm các công việc như đào cống, đặt ống nước tại một loạt các dự án công trình công cộng do chính phủ tài trợ. "Nhật Bản cấm chúng tôi làm việc, nhưng mọi người đều biết rằng nếu không có người nước ngoài, Tokyo sẽ gặp khó khăn. Không có đủ công nhân trong khi thanh niên Nhật không thể làm những công việc này, Balibay nói.

Hai người anh của Balibay cũng đang làm việc không phép cho các dự án của chính phủ trên khắp Tokyo. Họ là thành viên của cộng đồng gồm khoảng 1.200 người Kurd sinh sống ở Warabi và Kawaguchi, khu ngoại ô cổ ở phía bắc Tokyo. Khu vực này được mệnh danh là "Warabistan" vì số lượng lớn người Kurd nhập cư  sinh sống, hầu hết là người tị nạn.

Chính sách nhập cư khắt khe

Tính đến cuối tháng 12-2015, Nhật Bản có 13.831 đơn xin tị nạn được xem xét. Con số này quá ít so với Châu Âu, nơi có hơn 1 triệu đơn xin tị nạn được chấp thuận vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, đó là con số kỷ lục đối với Tokyo.

Chính sách khắt khe của Nhật đối với lao động nhập cư đang mâu thuẫn với thực trạng dân số giảm và thiếu hụt lao động tại nước này trong hơn 2 thập kỷ qua. Ở một đất nước mà sự thống nhất văn hóa cần được bảo vệ, các chính trị gia phải bất đắc dĩ xem xét giảm các rào cản đối với người nhập cư, ngay cả khi tỷ lệ người về hưu tăng lên và dân số trong độ tuổi lao động giảm.

Hồi tháng 9-2015, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, Tokyo giải quyết vấn đề nhân khẩu học bằng cách khuyến khích phụ nữ và người cao tuổi làm việc trước khi xem xét cho phép nhập cư. Ông Masahiko Shibayama, một nghị sĩ và là cố vấn đặc biệt của ông Abe, cho biết, người Nhật "dị ứng" với từ "nhập cư". "Mọi người lo lắng về an ninh công cộng. Họ lo người lao động nước ngoài sẽ chiếm hết việc làm của người Nhật", ông Shibayama nói.

Thị trường lao động chợ đen

Luật nhập cư khắt khe và lệnh cấm người tị nạn làm việc đã tạo ra thị trường lao động chợ đen, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Trong sản xuất, các Cty ngày càng phụ thuộc vào người tị nạn. Lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản muốn chính phủ xem xét lại chính sách nhập cư.

Cuộc thăm dò do Reuters thực hiện vào tháng 10-2015 cho thấy, trong số 259 Cty lớn của Nhật Bản được khảo sát, 76% ủng hộ việc mở cửa đối với lao động nhập cư. Theo ông Hitoshi Ito, Giám đốc Cty Kajima Corp., Cty xây dựng lớn thứ hai tại Nhật, với cả núi công việc đang được tiến hành cho Thế vận hội Tokyo năm 2020, nhu cầu về lao động càng trở nên cấp bách.

An Bình
(Theo Reuters)