Lập hồ sơ khống để vay vốn, gây thiệt hàng tỷ đồng

Thứ bảy, 15/05/2021 08:41

Do hoạt động thua lỗ, ban lãnh đạo Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đã thống nhất lập hồ sơ khống vay tiền để giải ngân nợ xấu, tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Số tiền vay này, các bị cáo sử dụng vào trả nợ, trả lãi, tiêu xài cá nhân với tổng số tiền gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, tháng 10-1996, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành thành lập và đi vào hoạt động và được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tín dụng bao gồm: nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân; nhận tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cho vay thành viên, các hộ nghèo không phải là thành viên trong địa bàn hoạt động; góp vốn, nhận ủy thác… Trong năm 2017, hoạt động kinh doanh của Quỹ có dấu hiệu thua lỗ, dư nợ xấu tăng. Để tái cơ cấu tổ chức và hoạt động, tránh sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, ban lãnh đạo Quỹ đã thống nhất chủ trương chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn để giải ngân nợ xấu. 

Phan Việt Anh, nguyên Giám đốc Quỹ chỉ đạo cấp dưới lập khống hai hồ sơ vay 2,5 tỷ đồng mang tên mẹ ruột và vợ của mình.

Năm 2017, một bộ hồ sơ vay vốn mang tên vợ của Phan Tiến Hiếu (1971) - Chủ tịch HĐQT Quỹ được lập khống và được duyệt chi cho vay 2 tỷ đồng. Gần 1,7 tỷ đồng từ khoản vay này dùng để trả nợ cho 5 khách hàng xếp vào nợ xấu. Hơn 300 triệu đồng còn lại được Hiếu sử dụng để trả nợ cá nhân và thuê đội bóng chuyền tham gia giải đấu của địa phương. Tiếp đó, số lãnh đạo, nhân viên Quỹ tiếp tục lập một bộ hồ sơ vay vốn khống mang tên vợ Hoàng Đình Hải (1977) - Phó giám đốc Quỹ và được giải ngân hơn 1,4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này sau đó dùng để trả nợ khoản vay của 5 khách hàng xếp vào nợ xấu khác. 

Đến năm 2018, tình hình kinh doanh không khá hơn, các đối tượng lại tiếp tục thực hiện thủ đoạn cũ. Lần này, đích thân Giám đốc Quỹ Phan Việt Anh (1971) chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn mang tên mẹ ruột của mình và được giải ngân 2,5 tỷ đồng. Gần 1,4 tỷ đồng trong số này dùng trả nợ khoản vay cho 5 khách hàng xếp vào nợ xấu. Hơn 1,1 tỷ đồng còn lại Việt Anh dùng để trả nợ và trả lãi cho hồ sơ khống vay 850 triệu mang tên mẹ mình lập trước đó; hoàn ứng lương từ năm 2007 - 2011 số tiền hơn 122 triệu đồng và đút túi tiêu xài cá nhân hơn 123 triệu đồng. 

Ngày 26-6-2018, Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An phát hiện sai phạm đối với khoản vay mang tên mẹ của Việt Anh. Giám đốc Quỹ lập tức chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ vay vốn mang tên vợ mình để vay 2,5 tỷ đồng tất toán hồ sơ vay mang tên mẹ ruột. Ngày 4-10-2019, Việt Anh bị bắt giữ. Sau đó, hành vi của Hiếu và Hải cũng bị bại lộ. 

Cơ quan điều tra xác định, cả 4 hồ sơ vay vốn nói trên đều được làm giả chữ ký người vay, không thẩm định tài sản thế chấp, khả năng trả nợ của người vay vốn... Việc thực hiện 4 hồ sơ vay vốn và giải ngân tiền vay đã vi phạm các quy định về tín dụng, gây thiệt hại cho Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành hơn 5,7 tỷ đồng. 

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử 9 bị cáo gồm Phan Tiến Hiếu, Phan Việt Anh, Hoàng Đình Hải và 5 bị cáo khác là cán bộ thẩm định, kế toán, kiểm soát về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Yên Thành. Riêng cán bộ thủ quỹ của Quỹ bị truy tố tội: “Vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. 

Các bị cáo tại tòa.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Theo lời khai của các bị cáo do tình hình khó khăn nên Ban lãnh đạo Quỹ đã lập khống hồ sơ, vay tiền trả dư nợ xấu. Trong vụ án này, các bị cáo khác như cán bộ thẩm định, kế toán, kiểm soát khai nhận đều làm theo chỉ đạo của ban giám đốc. 

HĐXX nhận định, trong vụ án này các bị cáo Hiếu, Việt Anh và Hải phạm tội với vai trò chủ mưu, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm nên cần có mức hình phạt nghiêm minh để có sức răn đe. Các bị cáo còn lại đóng vai trò giúp sức theo chỉ đạo của các bị cáo Hiếu, Việt Anh và Hải, các bị cáo cũng chưa được hưởng lợi từ các hoạt động trên nên sẽ phải chịu mức án nhẹ hơn.

Xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt Phan Tiến Hiếu 5 năm tù, Phan Việt Anh 3 năm tù giam, Hoàng Đình Hải 30 tháng tù cho hưởng án treo về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12 đến 24 tháng tù cho hưởng án treo.

DƯƠNG HÓA