“Lật” sông … lấy gỗ
(Cadn.com.vn) - Dòng sông Krông Ana xanh trong giờ chỉ còn trong ký ức của những người dân chân chất ở xã Hòa Lễ, H. Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc bởi đang từng ngày từng giờ bị băm nát vì nạn khai thác gỗ trái phép.
Sự câm nín có giới hạn
“Gỗ tặc” đang ngày đêm túc trực trên dòng Krông Ana để bứng đi những thớ gỗ sao dưới lòng sông, người dân thì bị đe dọa không ai dám mở miệng, cho đến khi…, một người ở thôn 5 hay thôn 6 xã Hòa Lễ (H.Krông Ana), điện thoại cho chúng tôi: “Chỉ có các anh, các chị mới cứu được dòng sông quê em thôi. Chúng em bị bịt miệng cả rồi, không phải bị bịt miệng bằng tiền bạc mà bằng những lời đe dọa. Tất cả dân làng đều sợ, chúng nó dữ lắm”.
- Tại sao anh lại điện cho chúng tôi ?
- Vì em sợ. Nhưng giờ cũng đỡ sợ rồi. Vì em biết chỉ có “kêu” nhà báo mới có sự thực.
- Vậy anh định làm như thế nào?
- Em sẽ dẫn tụi anh vào đó để chứng kiến. Nhưng em là người giấu mặt.
Chúng tôi không dám ghé vào bất kỳ một ngôi nhà nào ở hai cái thôn nghèo khó này. Vì theo người giấu mặt nếu chúng biết các anh ghé vào gia đình nào tai ương sẽ giáng xuống nhà đó. Chúng đã đe dọa nhiều lần và thách thức hẳn hoi chứ không phải đùa đâu.
- Chúng em biết điều đó vì mỗi khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì chúng lặn mất tăm. Chúng nó còn dựng lều trại đánh bạc, dân làng báo lên thì y như rằng chúng đã biết lịch làm việc vậy, đâu lại vào đấy, chỉ có dòng sông tan nát là vẫn nằm nguyên trạng.
Từ khi những người lạ mặt vào làng, tất cả sự chú ý đều “lia” về những vị khách không mời mà đến. Chốc chốc, những chiếc xe máy lại chạy từ từ như trinh sát khu vực. Hỏi thăm những người đi đường về nạn khai thác gỗ trái phép trên dòng Krông Ana tất cả chỉ gật đầu và đưa mắt về phía cuối làng mà không ai hé răng một lời.
Dòng Krông Ana bị băm nát bởi nạn đào sông lấy gỗ. |
Máy tời từ đầu kéo đang kéo những thớ gỗ dưới sông lên. |
Mục sở thị
Cuối cùng những phương án để tiếp cận hiện trường khai thác được đề ra. Chúng tôi trong vai những người đi khảo sát về việc xây dựng cầu cống cho bà con bình tĩnh vào khu vực khai thác. Còn người giấu mặt thì đã biến nhanh khi nhìn thấy bọn chúng từ xa. Một nhóm người đang hì hục đào bới và dùng máy tời từ đầu xe máy kéo để “bê” những khúc gỗ dưới lòng sông lên. Phát hiện người lạ, tất cả đều dừng tay và co cụm lại.
- Các anh từ đâu đến vậy.
- Khảo sát làm cầu. Bà con ở đây đu dây qua sông khổ quá.
- Làm cầu thì ô-kê, còn lùng nhùng chuyện khác là không được đâu đấy nhé.
- Chuyện gì?
- Thì mày không thấy chúng tao đang tìm củi về nấu cơm đây à.
- Củi ở đây nhiều, lấy ở đây chứ vào rừng kiểm lâm nó bắt.
Chúng tôi ghé vào một lán trại thu hoạch cây thuốc lá. Bà con biết chúng tôi là ai nhưng họ giấu vì không muốn điều gì bất thường xảy ra với những người có thiện chí giúp họ. Một lão nông bảo: “Nói nhỏ thôi. Trước dòng sông này chừng 50 mét, giờ chúng nó đào bới rộng ra có đoạn 200 mét, đoạn 250 mét. Chúng tôi đi làm ở bên kia sông, đo chiều dài của sợi dây cáp là biết mà”.
- Chúng nó đào bới lấy gì vậy?
- Gỗ sao. To lắm. Chúng dùng máy xúc, cưa máy và máy tời để di chuyển.
- Chính quyền không biết à?
- Không biết họ có biết không nữa. Dân biết và bị bịt miệng bằng những lời đe dọa. Dọa dân chứ dám dọa chính quyền chú nhỉ?
Chúng tôi chỉ ậm ờ cho qua chuyện.
Men theo dòng sông, một quang cảnh tan hoang, những hố sâu bị đào bới ngay chính giữa dòng. Hai bên bờ sông chỉ còn những cái rễ nằm lại. Dưới sông, những người đàn ông vẫn ngụp lặn và dùng những dụng cụ thọc sâu xuống sông lần tìm gỗ. Một đoạn khác, từ xa đã nghe văng vẳng tiếng máy cưa và xe múc bánh xích. Khi lên được đến đó, chúng tôi đã chậm một bước vì tất cả đã di chuyển vì thấy “động” ở phía dưới. Dấu vết còn lại là nước sông đục ngầu và những thớ gỗ mới cưa nửa chừng nằm lại. Ông Văn Phú Hồng, Trưởng phòng TN&MT H. Krông Ana khẳng định chắc chắn là có chuyện khai thác gỗ trên dòng sông Krông Ana. Vì trong thời gian qua ông nhận được hai cuộc gọi phản ánh của người dân. Không những ở thôn 5, thôn 6 mà tình trạng bới sông tìm gỗ còn diễn ra ở thôn 11, thôn 12 cũng ở xã Hòa Lễ. Nhưng, ông Hồng cũng nói thêm rằng thẩm quyền của họ không thể xử phạt hay lập biên bản trường hợp vi phạm, mà có bắt gặp cũng chịu, phải phối hợp nhiều cơ quan mới xử lý được.
Trước những câu hỏi dồn dập của phóng viên, ông Hồng đã gọi điện cho Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ. Đầu dây bên kia, xã bảo đã dừng việc khai thác. Ông Hồng nói lại rằng phóng viên đã tiếp cận chứng kiến hiện trường. Và bên kia không có câu trả lời…
Khi rời Hòa Lễ, chúng tôi nhận điện thoại của anh chàng giấu mặt lúc nãy: “Các anh an toàn rồi chứ ? Còn em giờ không biết sao đây. Thôi. Kệ…”
Tứ Đức