Lấy chồng từ thuở mười ba...

Thứ hai, 18/11/2013 12:57

(Cadn.com.vn) - "Lấy chồng từ thuở mười ba. Đến khi mười tám thiếp đà năm con"- chuyện tưởng chừng chỉ có trong ca dao ấy lại là sự thật ở vùng núi Vĩnh Ô, H. Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu, kinh tế khó khăn hay điều gì dẫn đến tình trạng này? Một trong những nguyên  nhân phải chăng là vì phong tục đi sim tìm bạn của người dân nơi đây đã bị mai một và biến đổi?

Từ một phong tục đẹp...

Đến với đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, bên ché rượu cần ấm nồng, tiếng cồng chiêng rộn rã, tôi được nghe già làng Hồ Toan kể về phong tục đi sim bằng tất cả niềm vui và tự hào. Đi sim là một phong tục truyền thống của con trai con gái người Vân Kiều. Thanh niên nơi đây đến tuổi dựng vợ gả chồng được phép đi tìm bạn, chuyện trò và ngủ lại những ngôi nhà Xu trong rừng.

Thời điểm lý tưởng cho những buổi đi sim là những đêm trăng sáng. Mùa trăng đến, những chàng trai cô gái nơi đây lại cùng nhau hò hẹn, giữa núi rừng, họ trao cho nhau câu hát Xa-nớt, Cha-chấp tình tứ. Khi đã phải lòng nhau, chàng trai sẽ tặng cho cô gái mình yêu một chiếc vòng bạc thay lời hứa hôn rồi về xin phép gia đình cưới cô gái làm vợ. Luật tục của người Vân Kiều quy định, nếu có quan hệ tình dục trước ngày cưới thì sẽ bị phạt và đuổi khỏi buôn làng. Đi sim vì vậy thành một nét thuần phong mỹ tục đẹp đẽ của bà con miền núi Quảng Trị từ bao đời nay.

... Đến những lần đi sim lạc lối

Già Toan trầm ngâm: "Nói rứa nhưng là thời của bọn ta thôi, còn bọn trẻ bữa ni thì tùm lum lắm, đi sim, ra bờ suối không chỉ để trò chuyện...". Theo già làng, trong bản Xà Nin của ông hiện nay có rất nhiều thiếu nữ dù chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn vẫn lấy chồng và sinh con. Nếp sống hiện đại kèm theo những luồng văn hóa khác đang dần xâm nhập vào đời sống, sinh hoạt của người Vân Kiều. Tục đi sim với những giá trị tốt đẹp đang bị mai một và hoen ố, bị thay đổi theo cách nghĩ của giới trẻ.

Nhìn những khuôn mặt này, ít ai nghĩ rằng họ chỉ mới 15, 16 tuổi.

 Đi một vòng quanh cái bản nhỏ bé chỉ với 20 hộ dân, tôi thấy không ít những khuôn mặt còn rất trẻ nhưng đã "tay bế, tay bồng". Chị Hồ Thị Hồng, cán bộ phụ nữ xã tâm sự: "Hồi xưa tui đi tìm chồng sớm lắm, 17 tuổi. Nhưng mà không dám bậy bạ, có thai trước khi cưới như trai gái bữa ni mô. Bữa ni đi sim không khổ để tìm nhau, cầm điện thoại hẹn nhau là gặp liền. Con gái được đi chơi với nhiều người chứ không như xưa, chỉ được sim với một người nữa". Chị Hồng cho biết, đến nay bản có hơn 15 bà mẹ trẻ chỉ trong độ tuổi 16 - 20.

Đặc biệt nhất là trường hợp của Hồ Thị Khoa. Mới 20 tuổi nhưng Khoa đã có 4 đứa con, mà lại là con của ba người đàn ông khác nhau. 15 tuổi Khoa đã đi sim tìm chồng, rồi có thai trước ngày cưới, nhà trai không chấp thuận, cô đành ở vậy nuôi con. Rồi tiếp nối những mùa sim lạc lối về, Khoa sinh đứa con thứ hai mà mọi người không biết cha nó là ai. Cách đây hai năm, cô vẫn tiếp tục đi tìm chồng, khi yên bề gia thất thì đã một nách 4 con. Hiện gia đình Khoa là một trong những hộ khó khăn nhất bản vì đông con mà vợ chồng lại đều không có công ăn việc làm.

Nụ cười hiếm hoi của Hồ Thị Khoa bên những đứa con của mình.

Cũng theo lời chị Hồng, vì thiếu hiểu biết lại không tôn trọng luật tục khi đi sim, mà nhiều đôi trai gái đã rơi vào tình cảnh "trẻ con làm bố mẹ trẻ con". Ở đây, con gái 15, 16 tuổi lấy chồng sinh con đã  là chuyện thường tình. Bản Xa Nin là một trong những bản nghèo và xa nhất của xã Vĩnh Ô. Từ bản về tới trạm y tế trung tâm xã mất 20 km đi bộ đường suối, nên mỗi lần có ai đau ốm bệnh nặng là rất khổ, có khi chỉ thuốc men qua loa rồi cúng bái, lành nhờ bệnh chịu...

 Chạnh lòng, tôi nghĩ đến những em nhỏ, những bà mẹ trẻ... Họ chắc chắn không được chăm sóc và kiểm tra, tư vấn về sức khỏe tốt như những nơi khác. Rồi trong cái bản Xà Nin nhỏ bé này sẽ vẫn có biết bao hoàn cảnh như chị Khoa, biết bao đứa trẻ lớn lên với những "lời ru buồn"...?

Thục Oanh