Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7: Tôn vinh giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Trong hai ngày 11 và 12-3, tại xã biên giới Krông Na, H. Buôn Đôn (Đắk Lắk), UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội voi Buôn Đôn với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia. Sôi nổi nhất là các phần thi voi chạy đua và voi đá bóng. Ở nội dung tranh tài chạy đua có sự tham gia của 11 voi. Kết thúc cuộc đua, voi số 03 tên Khăm Sinh (36 tuổi, do nài voi Y Hay Niê điều khiển, chủ voi là Y Hợi Byă) đã giành giải nhất; giải nhì thuộc về voi số 01 tên Khăm On (35 tuổi, do nài voi Y KTức Êban điều khiển, chủ voi là Y Thốt Knul); voi số 04 tên Plang (36 tuổi, do nài voi Y Nguyên Ksơr điều khiển, chủ voi là Y Lít Ksơr) giành giải ba.
Sôi nổi hoạt động đua Voi tại Bản Đôn. |
Ở phần thi voi đá bóng, mỗi đội gồm 4 "cầu thủ voi". Hai đội thi đấu 2 hiệp chính, mỗi hiệp 10 phút. Kết thúc trận đấu, đội số 2 (gồm các voi Khăm Sinh, Ta Nuôn, Y Keng, Bun Koong) đã giành chiến thắng trước đội số 1 (gồm các voi Khăm On, H'Pló, Plang, Bun Nang) với tỷ số 1-0. Bên cạnh môn thi voi đá bóng, voi chạy đua còn nhiều môn thi khác như: Hội thi trang điểm cho voi, thi voi vượt sông, tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, lễ cúng sức khỏe cho voi, cúng bến nước, biểu diễn cồng chiêng. Bà Nguyễn Thị Yến Xuân, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hội voi Buôn Đôn đem lại cho du khách trải nghiệm thú vị khi chứng kiến sự dũng mãnh của những chú voi chạy đua, sự khéo léo của voi khi đá bóng để ghi được bàn thắng. Qua Hội voi Buôn Đôn du khách đã hiểu thêm về vùng đất đa sắc màu văn hóa Tây Nguyên. Theo ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội voi Buôn Đôn là hoạt động thiết thực để giới thiệu tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của Đắk Lắk nói chung, Buôn Đôn nói riêng. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tạo sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk tổ chức trình diễn đúc cồng chiêng của người Ê đê. Tham gia trình diễn đúc cồng chiêng, các nghệ nhân Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) trình diễn quy trình từ các công đoạn tạo khuôn, rót đồng, làm nguội, đánh bóng, chỉnh âm cho phù hợp với thang âm cồng chiêng của đồng bào Ê đê. Theo các nghệ nhân, muốn đúc được cồng chiêng, người thợ phải pha chế hợp kim gồm đồng, thiếc, kẽm; sau đó nấu cho hợp kim chảy loãng, khi thấy độ tinh thì đổ hợp kim nóng chảy vào khuôn. Hợp kim sau khi nấu được đổ vào khuôn đã tinh đặc, tháo khuôn ra sẽ được phôi cồng chiêng. Qua các bước gia công, làm sạch, so âm, thẩm âm, bôi hóa chất sẽ có bộ cồng chiêng hoàn chỉnh.
Các nghệ nhân trình diễn các công đoạn đúc cồng chiêng. |
Cồng chiêng là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số Đắk Lắk nói riêng. Cồng chiêng được coi là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng. Giá trị của Cồng chiêng không chỉ thể hiện ở kỹ thuật diễn tấu mà còn có ý nghĩa tâm linh. Cồng, chiêng đại diện cho văn hóa Tây Nguyên, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Khi âm thanh Cồng chiêng vang lên, người ta quan niệm có thể giúp con người thông tin trực tiếp đến các đấng thần linh, là chiếc cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, người Ê Đê đã nghe tiếng chiêng chào đón, khi lớn lên dựng vợ, gả chồng tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc và khi vĩnh biệt cõi đời về với tổ tiên thì cũng có tiếng chiêng tiễn đưa... Theo Sở VH-TT&DL Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng và chưa có hộ gia đình, doanh nghiệp nào đứng ra mở cơ sở nghề, truyền nghề đúc chiêng. Do vậy, việc trình diễn đúc cồng chiêng sẽ góp phần tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đặc biệt là về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử ra đời của nó.
Cùng với hoạt động trình diễn đúc cồng chiêng của người Ê đê, trong khuôn khổ của Lễ hội cà-phê, tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách.
QUỐC DŨNG-TRÍ TÍN