Lebanon - quốc gia "không nên" bị lãng quên

Thứ tư, 25/05/2016 10:40

(Cadn.com.vn) - Lebanon đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng vì không bầu được tổng thống trong suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, quốc gia này được cho là đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch chấm dứt chiến sự ở Trung Đông của Mỹ.

Lebanon là quốc gia thống nhất ngôn ngữ (tiếng Arab), thống nhất dân tộc (người dân chủ yếu là người Arab và một số ít là người Armenia), và đã thiết lập một số giá trị chung nhằm bảo đảm sự tự do, bình đẳng và dân quyền. Nơi này cũng đang sở hữu nguồn nhân lực vô cùng đa dạng. Người dân đa số đều có học vấn và tay nghề cao trong các lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng và dệt may. Beirut còn tự hào về bờ biển đẹp, nền nông-công nghiệp phát triển, và tiềm năng du lịch phong phú.

Khủng hoảng chính trị

Tuy nhiên, Lebanon đang đối mặt với khủng hoảng chính trị sâu sắc. Chiếc ghế tổng thống của quốc gia này đã bị bỏ trống suốt 23 tháng qua. Các nghị sĩ Quốc hội đã được triệu tập 39 lần trong suốt 2 năm qua nhưng vẫn không bầu được tổng thống mới do không đủ số nghị sĩ tham gia bỏ phiếu.

Khi không có tổng thống, điều kiện kinh tế xã hội của Lebanon đang ngày càng xấu đi. Quốc gia này đang phải "vật lộn" với hơn 1 triệu người tị nạn đến từ Syria khi các dịch vụ cơ bản không đủ để đáp ứng cho họ.  Quốc hội Lebanon lại đang bế tắc vì sự tranh chấp quyền lực giữa Liên minh 8/3 (bao gồm nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah và phong trào yêu nước do tướng Michel Aoun lãnh đạo) và Liên minh 14/3 (do Saad al-Hariri, con trai cố Thủ tướng Rafik Hariri, lãnh đạo). Ngoài ra, Beirut cũng đang phải xoay xở để chống lại sức ép từ phía IS.

Tình trạng của Lebanon hiện tại "tiến thoái lưỡng nan" khi lựa chọn tiếp tục trở thành bức tường thành chống lại chủ nghĩa cực đoan, hoặc trở thành một nhà nước thất bại, bị phân chia và khai thác bởi những kẻ cực đoan. Mỹ có thể giúp duy trì sự ổn định và tăng cường sự độc lập của Lebanon bằng cách phối hợp với Nga để giảm thiểu những yếu tố tác động từ bên ngoài đến quốc gia này. Và điều tất yếu là Washington sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong việc bình ổn Lebanon.

Tuy nhiên, để đảm bảo được ổn định, bản thân Lebanon sẽ phải tự lực cánh sinh. Đầu tiên, Quốc hội nước này phải bầu cử một tổng thống lâm thời cho nhiệm kỳ 1 năm. Đây sẽ là người chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo một luật bầu cử mới. Sau đó, tiến hành cuộc bầu cử quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2017. Cuối cùng sẽ là cuộc bầu cử tổng thống chính thức cho nhiệm kỳ 6 năm.

Những vụ đánh bom kinh hoàng như thế này thường xuyên xảy ra ở Lebanon.

Bên trọng bên khinh

Trong quá khứ, người dân Lebanon chỉ muốn Mỹ đứng ngoài công việc nội bộ của Quốc gia. Nhưng gần đây các quan chức cấp cao Lebanon bày tỏ mong muốn có sự can thiệp từ phía Nhà Trắng.

Chính quyền ông Barack Obama đang theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Có lẽ vì thế mà Mỹ đã dồn tâm sức chủ yếu cho vấn đề lịch sử này hơn là quan tâm nhiều đến Lebanon. Theo giới phân tích, mặc dù đã xem Hezbollah  - vốn do Iran hậu thuẫn - là một tổ chức khủng bố nước ngoài nhưng Mỹ vẫn chưa có cách gì tốt để ngăn chặn sức ảnh hưởng của tổ chức này ở Lebanon. Tại Trung Đông, việc Mỹ đang nghiêng về phía Iran đã khiến Saudi Arabia cảm thấy như bị "cho ra rìa". Điều này khiến cho thỏa thuận hòa bình ở Syria khó mà đạt được.

Và giới chuyên gia cho rằng, để đạt được thỏa thuận này thì Mỹ cần phải khôn ngoan hơn khi không được thiên vị Iran hay Saudi Arabia. Ngoài ra, cường quốc này cũng không nên bỏ qua một yếu tố quan trọng khác là Lebanon. Vì chính sự ổn định của quốc gia này là yếu tố chủ chốt để duy trì hòa bình trong khu vực.

Tuệ Khanh
(Theo CNN)