Lịch sử địa vị đệ nhất phu nhân Pháp

Thứ sáu, 24/01/2014 09:44

(Cadn.com.vn) - Vụ bê bối tình ái của đương kim Tổng thống Pháp Francois Hollande  đang đẩy nước này vào những tình huống oái ăm bởi trên thực tế, đệ nhất phu nhân Valérie Trierweiler chưa thực sự được pháp luật công nhận.

Có thể thấy, sau khi báo chí tiết lộ Tổng thống Hollande có quan hệ tình ái với nữ diễn viên Julie Gayet, địa vị chính thức của đệ nhất phu nhân Pháp, mà cho đến bây giờ vẫn còn rất mơ hồ, trở thành một chủ đề nóng.

Đệ nhất phu nhân - vai trò hỗ trợ?

Thuật ngữ “Đệ nhất phu nhân” có nguồn gốc từ thế kỷ XIX ở Mỹ, dùng để chỉ những người có tư cách pháp nhân như một cán bộ của chính phủ, có ngân sách và nhân viên. Ở Pháp, mặc dù các đệ nhất phu nhân không có địa vị chính thức rõ ràng, họ cũng có văn phòng riêng và một số nhân viên được trả lương từ tiền của “những người nộp thuế”.

Tại Châu Âu, hầu hết vợ hoặc chồng của người đứng đầu nhà nước không liên quan đến chính trị và không tham gia vào các chiến dịch vận động tranh cử. “Chúng tôi đang nói về hai nền văn hóa khác nhau.

Những ứng cử viên Tổng thống Mỹ luôn được cùng vợ tham gia vào chiến dịch tranh cử. Một khi họ được bầu, vợ, con cái và ngay cả vật nuôi của họ đều được công chúng biết đến”, Le Bras-Chopard, giáo sư chính trị khoa học và là tác giả cuốn sách xuất bản năm 2009 mang tên “Première Dame, second rôle” (Đệ nhất phu nhân, vai trò hỗ trợ), cho biết.

“Chúng ta nên học tập mô hình các nước Bắc Âu, nơi mỗi người có cuộc sống riêng”, Anne Hidalgo, ứng cử viên xã hội chủ nghĩa vận động tranh cử để trở thành thị trưởng tiếp theo của Paris, cho biết. “Khi một tổng thống được bầu. Tôi bỏ phiếu cho chính ứng cử viên đó chứ không phải là gia đình của người đó”, Hidalgo nói thêm. Petra Gustafsson, phát ngôn viên Đại sứ quán Thụy Điển ở Paris xác nhận, vợ Thủ tướng Thụy Điển luôn vắng mặt tại tất cả các sự kiện (cặp vợ chồng này vừa ly hôn) và vai trò của đệ nhất phu nhân là “một cái gì đó chỉ dành cho xã hội Mỹ”.

Ở Đức, bà Angela Merkel là người đứng đầu chính phủ, không đứng đầu nhà nước, và chồng bà, ông Joachim Sauer, không có vai trò nghi lễ. “Hãy nhìn vào người chồng của bà Merkel. Không ai chỉ trích khi bà không dẫn ông Sauer trong các chuyến thăm chính thức đến các quốc gia khác”, Le Bras-Chopard nhận xét.

Bà Valérie luôn tháp tùng Tổng thống Hollande trong các sự kiện quan trọng. Ảnh: Reuters

Có nên tồn tại “Đệ nhất phu nhân Pháp”?

Tuy nhiên, vai trò của đệ nhất phu nhân ở Pháp, ngày càng trở nên đáng chú ý trong những năm qua.

Vợ cũ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Cécilia, luôn đồng hành cùng chồng trong các chiến dịch tranh cử. Và người vợ hiện nay của ông Sarkozy, Carla Bruni-Sarkozy, ca sĩ và cựu người mẫu hàng đầu trở một nhân vật của công chúng.

Người bạn đồng hành của Tổng thống Hollande, bà Valérie Trierweiler, một nhà báo, từ trước đến nay luôn được các phương tiện truyền thông xem như đệ nhất phu nhân dù cả hai chưa kết hôn. Bà Valérie cũng có một vệ sĩ.

Theo điều tra mới đây của tạp chí VSD, bà Trierweiler tiêu tốn của nhà nước Pháp 19.742 EUR/tháng (27.000 USD). Con số đó ít hơn nhiều mức 60.000 EUR của bà Carla, và mức 80.000 EUR của bà Bernadette Chirac trước đó. Tuy nhiên, vị trí của bà Trierweiler phức tạp hơn do trong thực tế, cặp vợ chồng này không kết hôn. Đây là điều quá mơ hồ ở Pháp, một nhà nước hiện đại đã xóa bỏ chế độ quân chủ hơn 220 năm trước đây. Hơn bất kỳ quốc gia Châu Âu nào khác, bạn đời hay bạn đồng hành của Tổng thống Pháp là nhân vật được công chúng biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, ý tưởng về một người phụ nữ từ bỏ sự nghiệp để trở thành đệ nhất phu nhân đang trở nên ít hơn và ít chấp nhận được.

Cécilia Attias, người giữ vai trò đệ nhất phu nhân Pháp trong 5 tháng cho đến khi ly hôn với cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, gần đây đã công bố cuốn tự truyện kêu gọi làm rõ vai trò và vị trí của một đệ nhất phu nhân.

Tuy nhiên, bà nói, một khi vai trò được quyết định, mỗi người phụ nữ có quyền lựa chọn có từ bỏ sự nghiệp của mình hay không”. Để làm rõ vấn đề, báo chí Pháp đang đề nghị tạo ra vị trí đệ nhất phu nhân chính thức với các nhiệm vụ đi kèm nguồn ngân sách được phép sử dụng.

Tình hình ở Pháp mở một cuộc tranh luận rộng lớn hơn: Trong xã hội mà ly hôn và quan hệ đối tác thường xuyên xảy ra, và một người đàn ông đồng tính hay phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành người đứng đầu nhà nước, khái niệm “đệ nhất phu nhân” có vẻ ngày càng lỗi thời. Nhiều ý kiến phản hồi muốn có sự chia tách rõ ràng giữa đời sống riêng tư và công việc của người đứng đầu nhà nước, giống như nhiều quốc gia phương Tây khác.

An Bình

(Theo CNN)