Liệu IS có tan rã?

Thứ ba, 15/03/2016 11:13

(Cadn.com.vn) - Những cuộc không kích của Nga và cả liên quân do Mỹ đứng đầu đang khiến tổ chức khủng bố tàn bạo nhất thế giới - IS - mất dần lãnh thổ và nguồn thu nhập để nuôi bộ máy của chúng. Và giờ đây, có nhiều câu hỏi đặt ra, nhất là việc liệu chúng có "tán gia bại sản" dẫn đến việc sớm tan rã hay không?

IS giàu cỡ nào?

Ngay trước khi tiếp tục thâu tóm đất đai trong năm 2014, IS có nguồn tài sản lên đến 875 triệu USD, theo nghiên cứu của Rand Corporation.

Khi tấn công Iraq và nhiều khu vực bắc Syria năm 2014, tổ chức này đã thâu tóm số lượng khổng lồ các tài sản cá nhân. Tại Mosul, tổ chức này hợp pháp hóa và bán lại nhà cửa cho những ai bỏ chạy và thu giữ tài khoản ngân hàng của họ. Ngoài ra, theo giới chức Iraq, chúng thu được hơn 100 triệu USD từ việc bán đồ cổ. Vào năm 2014, IS kiếm được khoảng 20 triệu USD từ tiền chuộc, theo ước tính của Bộ Ngân khố Mỹ. Theo một số nghiên cứu khác, tiền có được từ tài sản cướp bóc có thể tạo ra đến 40% nguồn thu nhập của IS. 

Dưới chế độ IS, người dân phải nộp khoản 10% thuế thu nhập và những ai rút tiền từ ngân hàng cũng phải đóng thêm 10%. Chúng còn nỗ lực khai thác các tài khoản Bitcoin để quyên tiền ở nước ngoài. Năm 2014, IS thu giữ từ 500 triệu đến 1 tỷ USD từ các kho bạc dự trữ của Iraq. Chỉ riêng Chi nhánh Ngân hàng Trung ương tại Mosul cũng mang  về cho chúng hơn 400 triệu USD. Nhóm cực đoan này thậm chí còn thâu tóm hàng ngàn tấn thiết bị quân sự mà các lực lượng vũ trang Iraq bỏ chạy để lại, và các giếng dầu, các cơ sở lọc dầu.

Ước tính, cuối năm 2014, các nhà máy lọc dầu sản xuất 50.000 thùng mỗi ngày, đem về cho IS khoảng 500 triệu USD. Năm 2015, nhóm này chiếm giữ các mỏ phốt-phát gần Palmyra tại Syria để sáp nhập vào các khu vực tại tỉnh Anbar ở Iraq vốn cũng là vùng đất giàu có về loại khoáng sản này. Nếu tính chi li, từ cách đây một năm, số lượng tiền mặt của IS ít nhất là 1,5 tỷ USD. Hơn nữa, năm 2014, Iraq cấp 2 tỷ USD cho các tỉnh mà IS sau đó chiếm đóng và con số này phần lớn rơi vào túi của IS.

Một giếng dầu bị IS chiếm đóng và trở nên hoang phế ở miền bắc Syria.

Chiến dịch Sóng Triều II

Kể từ mùa thu năm 2015, liên minh chống IS quyết định theo dõi hệ thống hạ tầng dầu mỏ của nhóm này bằng một chiến dịch mang tên Sóng Triều II. Chiến dịch này bắt đầu nhằm vào các xe chở dầu, các nhà máy phân ly dầu-khí và các điểm thu thập dầu mỏ.

Theo đó, đến tháng 11, khoảng 283 xe dầu của IS bị trúng bom gần Deir Ezzour ở Syria, nơi sản xuất khoảng 2/3 sản lượng dầu mỏ của tổ chức này. Các nhà máy lọc dầu di động cũng bị đánh bom, làm cho giá thành sản xuất dầu mỏ của IS đắt đỏ hơn. Hơn nữa, phụ tùng, đồ chuyên dụng cần thiết để sửa chữa hạ tầng khó kiếm. Hiện tại, có lẽ sản lượng dầu của IS chỉ còn khoảng 34.000 thùng mỗi ngày, thậm chí, có thể xuống dưới 20.000 thùng mỗi ngày, giảm mất 60%.

Các nguồn tin ở miền bắc Syria nói rằng, giá dầu mỗi thùng ở những nơi như Hasakah, ngoài tầm kiểm soát của IS, khoảng 20 USD, trong khi lãnh thổ do IS nắm giữ, giá dầu ở mức hơn 40USD. Giá khí đốt tại Raqqa tăng 25% và xảy ra khan hiếm dầu trong lãnh thổ khiến tổ chức này bắt đầu siết chặt việc tiêu thụ. Cùng với dầu mỏ, nguồn thuế đang thu hẹp khi người dân trốn chạy khỏi lãnh thổ mà chúng đang kiểm soát, đặc biệt là những người có chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư vốn là những người đóng thuế tốt cho chúng.

Tổ chức này bị cô lập với thế giới bên ngoài, và như vậy, chúng khó phát triển và bán các nguồn tài nguyên kiểm soát, từ thủy điện cho đến dầu mỏ, xi-măng và lúa mì.

IS phải làm gì?

Theo một nhà phân tích, chính phủ Syria có thể mua đến 20.000 thùng dầu mỗi ngày từ IS, nhất là sau khi nhóm cực đoan này thâu tóm vùng Palmyra vào tháng 5-2015, trong đó có 2 mỏ khí đốt và một trạm bơm gọi là T3. Chính phủ Syria buộc phải mặc cả với IS để cho dòng khí đốt tiếp tục chảy vào các nhà máy năng lượng của chính phủ từ các mỏ phía đông, đổi lại sẽ được cung cấp tiền bạc hoặc điện.

Bộ Ngân khố Mỹ cho biết, IS đang ngày càng khó chuyển tiền để mua hàng hóa. Bởi hơn 30 quốc gia và tổ chức đang cắt hết các chi nhánh ở lãnh thổ của IS tại Iraq khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Mặc dù vậy, nhóm này vẫn có khả năng tiếp cận những kẻ đổi tiền tại Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Labanon, bên ngoài hệ thống tài chính chính thức. Để thích ứng với tình hình mới, IS đang đặt ra nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu. Trong đó, có cắt giảm 50% lương các tay súng và nhân viên phục vụ; đồng thời tổ chức này còn cắt giảm bổng lộc của các tay súng và trừng trị việc "chi tiêu hoang phí" và hạn chế sử dụng xe cộ.

Với cương lĩnh duy trì và bành trướng đế chế Hồi giáo, IS đang ngày càng thích ứng và uyển chuyển. Bộ máy quan liêu hoạt động nhờ thu tiền thuế, chắc chắn, ở những nơi chúng kiểm soát, nạn lạm phát sẽ xảy ra, sự thiếu hụt tăng lên và chúng sẽ lại dùng vũ lực để duy trì quyền kiểm soát.

Gia Thịnh
(Theo CNN)