“Liều thuốc giải” cho xung đột Libya
Các nhà phân tích cho rằng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia vốn vẫn thường bắt tay liên minh khi cần trong 4 năm qua, và hiện đang ủng hộ hai bên đối lập trong cuộc chiến tranh khốc liệt ở Libya, vẫn có thể tìm thấy một thỏa thuận hòa bình cho đất nước Châu Phi này.
Libya chìm vào bất ổn kể từ năm 2011. Ảnh: AFP |
“Một Syria thứ hai”
Một kịch bản như vậy sẽ là sự tái hiện liên minh Nga-Thổ về Syria tại Libya. Mặc dù ủng hộ hai bên đối lập, họ đã hợp tác chặt chẽ để tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến khốc liệt này. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ chỉ trong chưa đầy nửa thập kỷ, kết hợp với những rạn nứt của phương Tây, sự ủng hộ của Moscow dành cho Ankara sau cuộc đảo chính năm 2016 và hợp tác kinh tế.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, Nga và Thổ chỉ là “hai kẻ ngoài cuộc” - mặc dù là những bên quan trọng - trong cuộc đấu tranh cực kỳ phức tạp ở Libya, nơi đã rơi vào bất ổn triền miên kể từ khi chính quyền nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi sụp đổ năm 2011. “Tôi sẽ không nói họ là những vị vua vì có những nước khác có thể phá vỡ mọi thỏa thuận song phương của họ”, AFP dẫn lời chuyên gia Emadeddin Badi, nhận định. Nhưng theo ông “cả hai nước sẽ có đòn bẩy chính trị cao nhất đối với các phe phái liên quan đến cuộc xung đột hiện nay”.
Nga, cùng với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập, đã ủng hộ chính quyền miền đông Libya của tướng Khalifa Haftar. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được LHQ công nhận ở Tripoli. Châu Âu cũng bị chia rẽ với hai phe phái này. “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã “bắt tay” trong vấn đề ở Syria. Tôi tin rằng họ có thể tìm thấy điểm chung là có thể xác định phạm vi ảnh hưởng địa lý ở Libya bằng cách gắn kết với nhau, cả về quân sự và ngoại giao”, ông Badi nói. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu có, một thỏa thuận giữa Moscow và Ankara cũng sẽ chỉ là ngắn hạn.
Lựa chọn nào cho ông Putin?
Các lá bài ở Libya đã bị xáo trộn lại sau khi tướng Haftar chịu một loạt thất bại quân sự, trong đó lực lượng của ông bị lật đổ khỏi khu vực Tripoli. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết, tướng Haftar đã chấp nhận ngừng bắn nhưng vẫn có sự hoài nghi về khả năng điều này sẽ diễn ra như thế nào.
Pierre Razoux, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược (IRSEM) của Pháp cho biết, trong khi có quá nhiều bên tham gia ở Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Ông nói rằng, một thỏa thuận giữa Ankara và Moscow về Libya có thể bao gồm cuộc xung đột Syria. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để Nga và Syria chiếm lại Idlib ... trong khi Moscow sẽ từ bỏ khu vực Tripoli và vịnh Sirte để GNA được Ankara hậu thuẫn”, ông nói. Khôi phục quyền kiểm soát Libya đối với GNA sẽ chính là đòn bẩy to lớn đối với Tổng thống Erdogan.
Nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Ankara, Ali Bakeer, cho biết: “Ankara có mối quan hệ lịch sử với người Libya, các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD và lợi ích chung không thể nhầm lẫn”. Tại Moscow, Alexander Shumilin, Giám đốc Trung tâm Châu Âu - Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định, Điện Kremlin đã ủng hộ tướng Haftar nhưng đang chuyển đổi chiến lược trong bối cảnh thất bại của quân đội này. Tổng thống Putin đang “đối mặt với sự lựa chọn giữa việc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya hoặc “hy sinh” con bài Haftar một cách nhẹ nhàng thông qua các lời kêu gọi đàm phán hòa bình”. Rõ ràng, lựa chọn thứ hai hiện đang được nói đến nhiều hơn.
KHẢ ANH