Lo ngại và phẫn nộ ở Lebanon

Thứ bảy, 18/11/2017 10:29

Tổng thống Lebanon Michel Aoun trong tuần này lại tiếp tục cáo buộc các nhà lãnh đạo Saudi Arabia giam giữ Thủ tướng Saad al-Hariri làm con tin, trong vụ khủng hoảng làm chấn động nền chính trị nước này trong gần 2 tuần qua.

Những người ủng hộ Thủ tướng Hariri xuống đường
kêu gọi nhà lãnh đạo này trở về nước.
   Ảnh: Getty Images

Căng thẳng bùng nổ giữa Beirut và Riyadh sau tuyên bố từ chức bất ngờ và đầy nghi ngại của Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri - đồng minh thân cận của Saudi Arabia - vào ngày 4-11. Điều gây chú ý và hoài nghi ở đây là ông Hariri tuyên bố từ chức trong bài phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Mặc dù Thủ tướng Hariri, trên trang cá nhân, cho biết vẫn “hoàn toàn khỏe mạnh” và sẽ trở về Lebanon trong vòng vài ngày tới, sự vắng mặt bí ẩn của ông và bản chất tuyên bố từ chức khó hiểu vẫn chưa được giải quyết. Tổng thống Michel Aoun và các quan chức khác của Lebanon trong tuần này lại tiếp tục cáo buộc các nhà lãnh đạo Saudi Arabia giam giữ Thủ tướng Hariri làm con tin và đã ép nhà lãnh đạo này phải từ chức.

Thủ tướng Hariri bị ép phải từ chức?

Saudi Arabia đã phủ nhận các cáo buộc từ chính phủ Lebanon. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir hôm 16-11 khẳng định, Thủ tướng Hariri có thể tự do rời khỏi Riyadh “khi nào ông ấy muốn”.

Bản thân ông Hariri cũng đã bác bỏ việc bị giam giữ ở Riyadh và khẳng định vẫn có thể tự do đi lại ở Saudi Arabia. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trên kênh truyền hình từ thủ đô Riyadh sau khi từ chức, Thủ tướng Hariri phát biểu: “Tôi đang tự do ở đây (Saudi Arabia), nếu tôi muốn tôi có thể đi ngay vào ngày mai. Tôi sẽ sớm trở lại Lebanon trong vòng 2 hoặc 3 ngày tới”. Tuy nhiên, tất cả đều không thể thuyết phục đa số người dân Lebanon. Trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ khi tuyên bố từ chức, ông Hariri tỏ ra khá mệt mỏi dù đảm bảo mọi thứ đều ổn. Có lúc, Thủ tướng Hariri dường như sắp rơi nước mắt khi ông cảm ơn người dân Lebanon và các quan chức vì mối quan tâm của họ.

Động thái như “đổ thêm dầu” vào những nghi ngờ của người dân Lebanon, là việc “không biết gì” của các cộng sự và trợ lý thân cận của ông Hariri. Sau bài phát biểu từ chức ngày 4-11, các đồng minh của ông Hariri nhanh chóng bày tỏ mối quan ngại về tình hình của thủ tướng. “Nhiều người trong số họ nói với giới truyền thông ở Beirut rằng, họ rất ngạc nhiên về việc từ chức. Họ không biết điều này sẽ xảy ra”, chuyên gia Mohamed Bazzi nói. “Họ cũng rất ngạc nhiên về ngôn ngữ mà ông Hariri sử dụng trong bài phát biểu – vì ông ấy rất thô kệch khi nói đến Iran và Hezbollah. Họ nói rằng, đó không phải là ngôn ngữ của ông Saad Hariri mà có vẻ như là có ai đó đã được chuẩn bị cho ông ấy”, HuffPost dẫn lời ông Bazzi nói thêm.

Hy vọng ở Pháp

 Ngay cả đối với Lebanon, quốc gia vốn không còn xa lạ với bất ổn chính trị, cuộc khủng hoảng xung quanh việc ông Hariri từ chức là động thái đầy kỳ quái và đáng lo ngại. Nó cũng đe dọa phá vỡ chính phủ liên minh mỏng manh của Lebanon, được thành lập vào năm ngoái để xoa dịu các lợi ích phe phái khác nhau và những người ủng hộ ông Aoun, Hariri và nhóm chiến binh Hezbollah do Iran hỗ trợ.

Khi sự vắng mặt của ông Hariri ở Lebanon kéo dài, nhiều chính trị gia đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng và kêu gọi ông nhanh chóng trở lại. Thủ lĩnh Hezbollah và đối thủ của ông Hariri là Sayyed Hassan Nasrallah đã kêu gọi Saudi Arabia thả thủ tướng trong khi Tổng thống Aoun cáo buộc việc giam giữ ông Hariri là “hành động gây hấn”. Người dân Lebanon cũng vậy. Họ ngày càng quan tâm đến nơi ở của Thủ tướng Hariri. Tại cuộc đua marathon hàng năm ở thủ đô Beirut, những người tham gia đã mặc áo mang khẩu hiệu ủng hộ ông Hariri và kêu gọi ông trở lại. “Cuối cùng, có vẻ như các nhà lãnh đạo Saudi Arabia đã tính toán sai lầm. Có một sự hỗ trợ mạnh mẽ cho ông Hariri từ cộng đồng Sunni cũng như Hezbollah, điều mà Riyadh không thể ngờ tới”, một chuyên gia nhận định.

Giờ đây, dù mọi việc vẫn rối như tơ vò nhưng xem ra đã có “ánh sáng le lói cuối đường hầm” sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông Hariri và gia đình sẽ đến Paris trong những ngày tới. Theo một nguồn tin ngoại giao của Pháp, ông Hariri đã nhận lời mời đến thăm nước này, nhưng vẫn chưa rõ thời gian cụ thể. Tổng thống Lebanon Michel Aoun hy vọng cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này chấm dứt sau khi ông Hariri nhận lời mời sang thăm Pháp, và việc ông Hariri tới Paris hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron có thể là “sự khởi đầu của một giải pháp”.

Lời mời của Pháp có thể là một cách để giảm bớt căng thẳng cho Lebanon và Saudi Arabia, nhưng không rõ tác động của nó đối với việc giải quyết khủng hoảng trong dài hạn là như thế nào. Nếu cuối cùng, ông Hariri trở lại Lebanon, có thể ông sẽ rút lại quyết định từ chức. Nhưng cũng có thể, cuộc khủng hoảng vẫn “rối như tơ vò” vì các bên vẫn chưa biết gỡ từ đâu.

KHẢ ANH