Lo ngại với chương trình “Hộ chiếu vàng” Cyprus
Chỉ cần chi 2,5 triệu USD, hàng chục chính trị gia, với khối tài sản kếch xù đáng nghi ngờ và đến từ khắp thế giới, đã đua nhau mua “Hộ chiếu vàng” từ Cộng hòa Cyprus.
Hộ chiếu Cộng hòa Cyprus - một trong những hộ chiếu “quyền lực” nhất trên thế giới. |
Cánh cửa vào Châu Âu
Kể từ khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Cyprus trở thành vật sở hữu đáng thèm muốn của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Theo Bảng xếp hạng Hộ Chiếu vào năm 2020 (Passport Index), hộ chiếu Cyprus đứng thứ 6 trong danh sách 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới với 115 điểm. Sở hữu tấm hộ chiếu nước Cộng hòa Cyprus đồng nghĩa với việc có thể đi lại khắp 27 quốc gia EU, làm việc, học tập và hưởng phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục ở nước sở tại như dân địa phương. Ngoài ra, tấm hộ chiếu này còn giúp chủ nhân của nó có thể đi Canada, Australia lên đến 90 ngày mà không cần xin thị thực. Chính vì các lý do trên mà hộ chiếu Cộng hòa Cyprus được xem là “hộ chiếu vàng”.
Cấp hộ chiếu cho hơn 1.400 người
Hôm 23-8, kênh Al Jazeera (Qatar) đã tiến hành điều tra và đưa ra Hồ sơ Cyprus – loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là “mua bán hộ chiếu Châu Âu” của Cộng hòa Cyprus trong khoảng thời gian từ 2017-2019 hé lộ việc nước này “bán” hộ chiếu cho cả những tên tội phạm bị kết án và những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật. Với khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD, một cá nhân có thể trở thành công dân Cyprus đồng nghĩa với việc là công dân EU.
Theo điều tra của Al Jazeera, trong giai đoạn 2017-2019, có hơn 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn 2,5 triệu USD để họ và gia đình có thêm hộ chiếu Cyprus. Trong số này có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia. Một ví dụ là khi mua hộ chiếu Cyprus năm 2019, cựu lãnh đạo tập đoàn Gazprom - Nikolay Gornovskiy đang nằm trong danh sách truy nã của Nga vì tham nhũng.
Báo cáo của Al Jazeera cũng cho biết các cá nhân được cấp hộ chiếu gồm những người có ảnh hưởng chính trị (PEP) hoặc triệu phú như chủ tịch Hạ viện Afghanistan Mir Rahman Rahmani, cựu nghị sĩ Ukraine Volodymyr Zubky, Taka Mikati, em trai của cựu thủ tướng Lebanon Najib Mikat và cả hai đều thuộc những người giàu nhất Lebanon. Các PEP như Rahmani thường nắm giữ chìa khóa cho những khoản tiền khổng lồ của người đóng thuế nên có nguy cơ cao về tham nhũng, theo Laure Brillaud, quan chức chính sách cấp cao từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tuy nhiên, các tài liệu bị rò rỉ không chứng minh được hành vi sai trái của bất kỳ cá nhân PEP nào.
Theo báo cáo, 12 người đến từ Nga, Ukraine, Trung Quốc Iran và Venezuela đã có hộ chiếu Cyprus sau khi trả ít nhất 2,36 triệu USD cho các khoản đầu tư dù đang bị điều tra hình sự vì tham nhũng, gian lận. Chính phủ Cyprus nhấn mạnh rằng toàn bộ người nhận hộ chiếu đều đáp ứng tất cả tiêu chí tại thời điểm đó, song cho biết sẽ xem xét thông tin này.
Các nhà điều tra của Al Jazeera còn nhận diện được một số cá nhân nhận hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị khởi tố tại quê hương. Điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Cyprus có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng.
Cần hành động quyết đoán
Sau những tiết lộ của Al Jazeera, đã có những kêu gọi thay đổi chương trình đầu tư theo quốc tịch do Cyprus và các quốc gia thành viên EU khác sử dụng. Trong bức thư gửi Ủy viên Tư pháp Châu Âu, thành viên Nghị viện Châu Âu Sophie Veld cho biết “đã đến lúc Ủy ban cần hướng tới hành động quyết đoán hơn”. “Rõ ràng, tình hình đang trở nên không thể biện hộ và không thể giải thích được đối với các công dân EU, những người đấu tranh cho bình đẳng và chống tham nhũng”, bức thư nêu.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế ngày 26-8 đã đề nghị Ủy ban Châu Âu có động thái dứt khoát với chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) còn được biết đến với cái tên “Hộ chiếu vàng” của các nước thành viên trong khối. Bà Laure Brillaud tại Tổ chức Minh bạch Quốc tế EU nhận định: “Đã hơn 2 năm kể từ khi bê bối đầu tiên liên quan đến chương trình đầu tư nhận quốc tịch xuất hiện. Chúng ta vẫn chờ đợi Ủy ban châu Âu đưa ra cam kết và ngừng biến nơi đây thành thiên đường cho tham nhũng và tội phạm”.
Từ khi quốc đảo Cyprus bắt đầu chương trình đầu tư quốc tịch năm 2013, EU đã thường xuyên chỉ trích kế hoạch này, cho rằng Cyprus có thể đóng vai trò là cửa sau để những người liên quan hoạt động tội phạm tiến vào phần còn lại của EU. “Tội phạm đang gây nguy hiểm cho an ninh Châu Âu hoặc muốn tham gia vào hoạt động rửa tiền ở đây”, Vera Jourova, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu năm 2018, nói. “Chúng tôi không muốn có một con ngựa thành Troy trong Liên minh”. Tháng 3-2019, Nghị viện Châu Âu kêu gọi ngưng mọi chương trình đầu tư nhập quốc tịch và còn nêu tên Cyprus, Malta vì xét duyệt đơn chưa cẩn thận. Áp lực buộc Cyprus thay đổi các quy tắc vào năm 2019 và gần đây nhất là vào tháng 7-2020, cho phép quốc gia này tước quyền công dân được bán cho bất kỳ ai bị coi là gây tổn hại lợi ích quốc gia của Cyprus.
AN BÌNH