Loạn “cò” thổi giá đất tại Quảng Nam

Thứ sáu, 09/04/2021 11:59

Nhiều ngày qua, bất chấp những cảnh báo của các cơ quan chức năng tại địa phương, nhiều “cò” ở khắp nơi vẫn đổ về một số địa phương thuộc thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức mua, bán đất làm cho thị trường bất động sản tại đây trở nên  sôi động. Nhiều lô đất nằm ở đường bê-tông nông thôn, đất hoa màu cũng được rao bán tràn lan dưới hình thức quảng cáo bằng pa-nô, áp-phích hoặc qua mạng xã hội...

Pa-nô quảng cáo bán đất của các cò. 

Ông Trịnh Văn (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), cho biết: Từ cuối tháng 3-2021 đến nay, tại địa phương xuất hiện một nhóm người đi ô-tô mang biển số các địa phương miền Bắc vào đây mua, bán đất. Việc mua bán của họ có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không thì không rõ nhưng đều diễn ra rất chóng vánh. Những lô đất được số người nhắm đến để giao dịch thuộc các dự án KDC 1A, 1B hoặc khu 3 Ngân Giang, Ngân Câu có diện tích từ 100m2 đến 150m2 được chào với giá 1,5 tỷ đồng đến 1,6 tỷ đồng/lô.

Khác với địa bàn Điện Ngọc, tại phường Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn) người mua nhắm đến những lô đất nằm ở đường bê-tông kiệt, xóm tại 2 khối phố Cẩm Sa, Bình Ninh với giá chưa đến 1 tỷ đồng/lô. Ông Phạm Linh (trú Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc), trao đổi: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đất ở của người dân địa phương gần như đã bão hòa nên thị trường mua bán bất động sản khá im ắng, nhiều cò đất tại địa phương lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, những ngày gần đây có dấu hiệu sôi động trở lại, giá đất mỗi lô cũng được đẩy lên khoảng vài trăm triệu đồng. Tương tự, các phường Điện Nam Đông, Điện Dương (thị xã Điện Bàn) cũng được các “cò” lùng mua đất trong các đường làng, ngõ xóm làm cho giá đất nóng lên từng ngày.

Theo nhiều người dân địa phương, việc mua bán diễn ra khá tấp nập, người này vừa mua xong là có người khác đến hỏi mua lại với giá cao hơn... Thời gian trước đây, những lô đất nằm ở khu vực đường bê-tông rộng 3m có nguồn gốc là đất vườn được gia chủ xin tách thửa nhằm mục đích cho con cái đến tuổi dựng vợ, gả chồng làm nhà ở và trên thực tế vẫn sử dụng để trồng các loại hoa màu song khi có giá nhiều người có ý định chuyển nhượng, lấy tiền trang trải cuộc sống.

Theo tìm hiểu, thị trường bất động sản ở các địa phương thuộc vùng Đông đang diễn ra sôi động từng ngày thì tại thị xã Điện Bàn đất tại các thôn, như: Bồng Lai, Trung Phú 1, xã Điện Minh cũng đang được nhiều người lùng mua. Theo lời nhiều người, đây là địa điểm vừa được Nhà nước công bố quy hoạch khu dân cư mới và xây dựng cơ sở 2 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế dự án xây dựng mới Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu tại thôn Bồng Lai đã có từ 5 năm trước đây song chưa có kinh phí nên chưa biết thời gian nào mới thi công. Riêng dự án KDC Trung Phú 1, chính quyền địa phương mới vừa họp dân, lấy ý kiến thế nhưng cũng được các “cò đất” vẽ ra để đẩy giá lên cả tỷ đồng mỗi lô.

Trao đổi về sự việc, ông Phạm Viết Phúc- Đội trưởng đội Kiểm tra Quy tắc đô thị thị xã Điện Bàn, xác nhận: Tình trạng cò đất thổi bong bóng giá đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương tại thị xã Điện Bàn. Thế nhưng, để phát hiện, xử lý những đối tượng vi phạm gặp nhiều khó khăn. Vì, mọi trao đổi, thỏa thuận đều diễn ra dưới hình thức cá nhân, cò đất không còn rầm rộ như 3 năm trước đây, đa số hoạt động theo kiểu du kích, qua mạng xã hội và họa hoằn lắm mới có kẻ dựng biển hiệu hoặc pa-nô quảng cáo. Thỏa thuận xong, họ đưa nhau đến Văn phòng Công chứng chứng thực việc mua bán là phù hợp với quy định. Tuy nhiên để tránh việc đất bị thổi giá, các cơ quan chức năng tại thị xã phối hợp với UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền để người dân cảnh giác, tránh việc bị sập bẫy.

Không chỉ vùng Đông, tình trạng “sốt giá” đất ở các xã Đại Hiệp, Đại An, Đại Hòa của huyện Đại Lộc thời gian gần đây cũng đang có chiều hướng tăng giá theo lời... “cò đất”. Những lô đất nằm trên tuyến đường liên thôn Phú Đông, Tích Phú (xã Đại Hiệp), Thạch Bộ (xã Đại Hòa) được rao bán từ 500 triệu đến 700 triệu đồng/lô. Những người mua đất tại đây đều có chung một mục đích là đầu cơ, chờ giá sẽ tiếp tục tăng để bán lại kiếm lãi hoặc chờ dự án trong tương lai mong nhận 1 suất tái định cư...

Để thuyết phục người mua, các cò đã tự vẽ các dự án hoặc chiêu trò tự mua, tự bán lòng vòng và mỗi lần đổi chủ, giá lại đội lên vài chục triệu đồng nhằm thu hút nhà đầu tư. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, tại thị xã Điện Bàn có khoảng vài chục ngàn lô đất tại các dự án chưa được tiêu thụ. Do chênh lệch cung-cầu quá lớn nên nhiều dự án được cấp giấy phép đã lâu nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, buộc cơ quan chức năng phải ban hành quyết định thu hồi. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập thực tế của người dân bị ảnh hưởng dẫn đến nhu cầu về nhà đất chưa cao nên việc thị trường đất tại Quảng Nam bỗng dưng trở nên sôi động chỉ là hiện tượng ảo, là chiêu trò của các cò nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Hy vọng, mọi người hãy thực hiện đúng những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, không nên đầu tư vào thị trường bất động sản để tránh phải lâm vào cảnh lành ít, dữ nhiều. Đồng thời các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn cò “thổi giá” hiện nay. 

M.T