Loạn xe khách trá hình
Hàng trăm ô- tô 7 chỗ được dùng chở khách từ các tỉnh lân cận về Đà Nẵng để thu tiền nhưng không đăng ký kinh doanh, không bến bãi, trốn thuế và được ngụy trang với thủ đoạn tinh vi... Thực trạng này không chỉ phá vỡ quy hoạch về vận tải hành khách của Nhà nước mà còn khiến các đơn vị vận tải hành khách chân chính điêu đứng.
CSGT kiểm tra xe khách trá hình. |
Thủ đoạn tinh vi
Trong vai hành khách, phóng viên (PV) phải đi lại trên các chuyến xe khách trá hình từ Huế đến Đà Nẵng nhiều lần mới có thể bóc trần thủ đoạn hoạt động tinh vi này. Theo xác minh của PV, trên tuyến Đà Nẵng- Huế và ngược lại hiện có khoảng 60 ô-tô loại 7 chỗ hiệu Innova, Fortuner, Toyota... hoạt động liên tục trong tuần. Mỗi ngày, một đầu xe chạy 3 tour, với giá vé thấp nhất 100 ngàn đồng/người/lần, tổng cộng thu về hơn 2 triệu đồng. Để bắt khách, các xe này lập hội nhóm trên mạng internet, cung cấp số điện thoại tổng đài, số điện thoại tài xế, biển số xe, giờ đón... để khách tiện liên hệ đặt chỗ. Để thực địa, PV liên hệ số điện thoại tổng đài 0905.560556, nói muốn đi từ Huế tới Đà Nẵng. Phía đầu dây bên kia hỏi địa điểm đón, địa điểm trả khách, sau đó cho biết nếu đi tới Sơn Trà (Đà Nẵng) thì thu tiền 130 ngàn đồng/người. Khi khách đồng ý, phía tổng đài cung cấp số điện thoại tài xế, hẹn địa điểm, thời gian đón. Đúng giờ, chiếc xe Innova 7 chỗ BKS 75A-08008 tới đón, lúc này trên xe đã có 4 người khác. Đi được một đoạn, tài xế dặn mọi người trên xe nếu Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe có hỏi thì nói xe chở gia đình, người quen đi chơi tại Đà Nẵng. Cẩn trọng hơn, khi PV trả tiền, tài xế không nhận, nói chỉ khi nào xuống tận nơi mới nhận tiền. Đây là thủ đoạn rất tinh vi, để nếu GSGT có dừng xe, xử lý, tài xế sẽ cãi bay biến không kinh doanh hành khách thu tiền, mà chỉ là chở gia đình đi công việc. Lúc đó sẽ khó có căn cứ xử lý. Tuy nhiên, một tình huống phát sinh làm “vỡ kịch bản” của tài xế, là khi tới đón 2 khách trước nhà tại thị xã Hương Thủy, chủ nhà cứ giằng co đòi trả tiền cho 2 khách (2 người bà con) cho bằng được mới chịu cho lên xe. Tài xế bất đắc dĩ phải nhận 200 ngàn đồng. Toàn bộ quá trình bắt khách, thu tiền của khách để vận chuyển đều được PV ghi hình.
Khi xe tới cầu Nam Ô (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp yêu cầu dừng xe kiểm tra. CSGT yêu cầu tài xế đưa xe về Trạm để xử lý. Tại đây, tài xế Lê Quang Tuấn quanh co rằng mình chỉ chở gia đình chứ không kinh doanh vận tải, không thu tiền. Tuy vậy, trước những chứng cứ mà CSGT được cung cấp cùng nhân chứng là hành khách trên xe, tài xế Tuấn buộc phải ký vào biên bản vi phạm mức phạt 4 triệu đồng, treo giấy phép lái xe 2 tháng.
Tiếp tục thực địa, sáng 4-1, PV lên xe Fortuner BKS 75A-08835 do tài xế Đặng Ngọc Quốc Linh điều khiển chạy từ Huế vào Đà Nẵng. Tài xế Linh vẫn dặn hành khách đồng thời chuẩn bị các thủ đoạn ngụy trang tinh vi để đối phó trong trường hợp gặp GSGT. Tuy vậy, với những chứng cứ và nhân chứng từ hành khách, tài xế Linh buộc phải ký vào biên bản vi phạm, dù lúc đầu ngoan cố trì hoãn, cho rằng mình chỉ cho khách đi nhờ dọc đường mà không thu tiền, nên không phải là kinh doanh vận tải trái phép.
Tài xế xe khách trá hình quanh co không chịu thừa nhận hành vi vi phạm. |
Tập trung “quét” xe trá hình
Tình trạng xe trá hình hoạt động rầm rộ khiến nhiều chủ xe khách tuyến Đà Nẵng - Huế và ngược lại phải điêu đứng. Chị Nguyễn Thị Loan, một chủ xe trên tuyến cho biết, từ mấy tháng nay, xe khách 29 chỗ của chị mỗi chuyến chỉ chở được 7-8 khách, chi phí không đủ bù đổ xăng, chưa kể phải đóng các khoản thuế, phí, thuê tài xế, lơ xe, phí cầu đường... “Tình trạng này cứ kéo dài vài tháng nữa, thì các xe khách kinh doanh chân chính trên tuyến sẽ “chết” hết” - chị Loan bức xúc.
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Ngọc Rạng - Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp cho biết, các xe khách trá hình, hoạt động chui này ngày càng có thủ đoạn rất tinh vi. Dù biết rõ về bản chất các xe này hoạt động trái phép, nhưng để xử lý theo qui định pháp luật rất khó khăn. Khi yêu cầu tài xế xe làm việc, họ thường viện lý do cho khách đi nhờ không thu tiền, rồi khách là bạn bè chở đi chơi, không phải là kinh doanh vận tải. Chưa kể, nhiều khách đi trên xe được dặn trước nên không hợp tác làm nhân chứng. Do đó, việc xử lý xe trá hình này cần sự phối hợp nhiều ngành, đặc biệt là các chủ xe kinh doanh vận tải khách chân chính trên tuyến.
Cũng theo Trung tá Rạng, các trường hợp xe trá hình bị xử lý vì kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký, không được ngành giao thông cấp phù hiệu, không nộp thuế, phí. Hệ lụy của việc bùng phát xe khách trá hình là cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới việc tranh giành khách, xung đột với các chủ xe vận tải khách chân chính, từ đó dẫn tới xung đột về xã hội, gây phức tạp về TTATGT trên tuyến. Chưa kể, số lượng xe khách trá hình bùng phát sẽ phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách, gây áp lực đến giao thông đô thị khi các xe trá hình này đổ dồn về trung tâm TP (vì trả khách tận nhà) sẽ dẫn tới kẹt xe, ô nhiễm... Ngoài ra, khi kinh doanh vận tải, các xe phải vào bến bãi, phải được đảm bảo an toàn về kỹ thuật cho phương tiện khi xuất bến, các tài xế được kiểm tra sức khỏe định kỳ đủ điều kiện mới được hoạt động. Trong trường hợp xe trá hình, tất cả các khâu an toàn về kỹ thuật, con người đều không được kiểm soát, rất dễ xảy ra các hệ lụy nặng nề. Trước thực trạng đó, Trung tá Rạng cho biết, thời gian tới lực lượng CSGT cửa ô Hòa Hiệp sẽ tập trung xử lý mạnh loại hình xe khách trá hình này.
HẢI QUỲNH