Lộc xuân

Thứ ba, 31/01/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Lu bu lo Tết, chẳng còn thời gian để ngắm nhìn vạn vật, cỏ cây. Mồng Một Tết, tiết trời Đà Nẵng rất đẹp với cơn mưa phùn nhẹ lất phất. Tâm hồn thơ thới, chợt ngẩn người khi phát hiện cây bàng đầu con phố mới hôm nào còn trơ trụi lá, phong trần, ưu tư trước gió đông, giờ lá non, lộc biếc xanh mơn mởn. Vườn cây trong nhà, cũng đâm chồi, nảy lộc.

Đầu xuân đi hái lộc, lên chùa xin lộc là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. "Lộc" mang hàm nghĩa của sự may mắn, rước phước lộc vào nhà. "Lộc" tượng trưng cho những gì mới hình thành, của "thì" tương lai xán lạn đang chờ phía trước. Theo đó, nhà nào trồng cây, chơi mai mà nảy lộc đúng vào đêm giao thừa-mồng Một Tết, được xem là năm đó có nhiều lộc và vận may đến... Phong tục "hái lộc đầu xuân" là tục lệ đẹp nếu hiểu và làm đúng theo nghĩa của nó. Mùa xuân cũng được xem là "Tết trồng cây", bởi đây là mùa cây trái đâm chồi nảy lộc, thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, của sự sống tràn trề...

Theo lý giải của một số người, cần hiểu, "hái" trong cụm từ "hái lộc" không chỉ có nghĩa là tự tay ngắt một cành cây non vừa mới nhú hay một đóa hoa thơm, một quả ngọt. Mà cần hiểu, từ "hái" khi được ông bà ta ghép với từ "lộc" mang một ý nghĩa rất nhân bản khác. Qua đó, điều tiền nhân muốn gửi gắm đến con cháu về ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc là đạo lý nhân quả rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày "có làm thì mới có ăn", "tay làm hàm nhai"... Theo cách lý giải này, thì "hái lộc" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế, đó là "những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu. Điều mong ước đến với con người, ước muốn tốt đẹp đầu xuân mà ta gặp được như một sự ban tặng của thiên nhiên, của đất trời, của Phật thánh, khi điều ước muốn ấy đã đủ duyên, tức đã hội đủ sự giao cảm giữa tâm và vật, giữa nhân duyên và kết quả"...

Rõ ràng, ý nghĩa "hái lộc" của ông bà ta xưa rất ý nhị và sâu xa. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội, con người cũng đã bắt đầu nảy sinh chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa". Nhiều người vì thế đã lạm dụng và biến tướng ý nghĩa đẹp đẽ của việc hái lộc đầu xuân, vô tình hủy hoại môi sinh, mầm sống của cây xanh. Thay vì "xin lộc" đúng nghĩa, một số người vô ý thức trèo lên cây để bẻ những cành cây to vì nghĩ rằng cành càng to, lộc càng nhiều... Đấy hẳn là việc làm không nên và chẳng nên làm chút nào...

Đầu xuân, mạn đàm đôi lời về chuyện " hái lộc", cũng chỉ mong tất cả hãy thuận theo lẽ tự nhiên...

A.Hào