Lợi ích các bên nhận được sau thỏa thuận giữa Israel với UAE và Bahrain

Thứ năm, 17/09/2020 11:27

UAE và Bahrain hôm 15-9 ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel tại buổi lễ do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì tại Nhà Trắng, chấm dứt đối đầu nhiều thập kỷ.

Từ trái sang: Thủ tướng Israel Netanyahu, Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Bahrain Al Zayani và Ngoại trưởng UAE al-Nahyan tại Nhà Trắng sau lễ ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hôm 15-9.   Ảnh: AFP

Thỏa thuận được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký với Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed al-Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Al Zayani trước vài trăm người chứng kiến buổi lễ tại Nhà Trắng. Hai nước này lần lượt trở thành quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel, sau khi Israel ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập vào năm 1979 và Jordan năm 1994.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chủ trì buổi lễ, đã ca ngợi sự kiện này, tuyên bố việc ký kết Hiệp định Abraham sẽ "thay đổi tiến trình lịch sử" và  mở ra một "bình minh mới cho Trung Đông". “Cùng nhau, các thỏa thuận này sẽ đóng vai trò là nền tảng cho một nền hòa bình toàn diện trên toàn bộ khu vực, điều mà không ai nghĩ là có thể thực hiện được, chắc chắn không phải trong thời đại ngày nay”, ông Trump cho biết. "Những thỏa thuận này chứng minh rằng các quốc gia trong khu vực đang thoát khỏi những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ. Việc ký kết ngày hôm nay đưa lịch sử lên một chặng đường mới và sẽ có rất nhiều quốc gia khác sẽ tiếp bước những nhà lãnh đạo vĩ đại này", ông nói thêm. Thủ tướng Israel Netanyahu cũng mô tả sự kiện này như một "bản lề lịch sử, một bình minh mới của hòa bình”.

Lần cuối cùng một buổi lễ như vậy diễn ra ở Washington là vào năm 1994, khi Tổng thống Bill Clinton chứng kiến Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Quốc vương Jordan Hussein đã ký một tuyên bố mở đường cho một thỏa thuận hòa bình vài tháng sau đó. Đối với ông Trump, đây là thời điểm rất quan trọng. Chưa đầy hai tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel, UAE và Bahrain là những thành tựu chính trong chính sách đối ngoại.

Mối quan hệ đã có từ lâu

Trong nhiều năm qua, Israel đã có quan hệ bí mật với nhiều quốc gia Sunni ở vùng Vịnh. Trong những năm gần đây, động thái này được thúc đẩy bởi một liên minh thực tế chống lại Iran. Mặc dù vậy, các mối quan hệ như vậy đã có trước khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết trong hơn một thập kỷ, khi các quốc gia vùng Vịnh tìm cách tận dụng lợi thế về công nghệ cao của Israel và Israel tìm cách đảm bảo vị trí của mình ở một Trung Đông đầy biến động.

Đứng đầu trong số các mối quan hệ hậu trường này là UAE, với nhiều ví dụ công khai về mối quan hệ ngày càng tốt lên giữa hai quốc gia. Vào cuối năm 2015, Israel đã cử một phái đoàn ngoại giao đến Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế tại Abu Dhabi. Vào năm 2018, Bộ trưởng Văn hóa khi đó là Miri Regev đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà thờ Hồi giáo lớn sau khi Israel đoạt huy chương vàng tại một giải đấu judo ở Emirates. Israel cũng được mời tham dự Expo 2020 Dubai, một triển lãm đã bị trì hoãn bởi đại dịch Covid-19.

Giống như UAE, Bahrain cũng có quan hệ bí mật với Israel từ nhiều năm trước. Ngoài ra, Bahrain có một cộng đồng Do Thái nhỏ nhưng bền vững, với một trong những thành viên của họ là đại sứ của nước này tại Mỹ giai đoạn 2008-2013. Vương quốc vùng Vịnh nhỏ bé này cũng đã chủ trì công bố vấn đề kinh tế trong kế hoạch của Nhà Trắng về hòa bình Trung Đông, báo hiệu sự sẵn sàng can dự với Mỹ - và sau đó là Israel - về vấn đề này, ngay cả khi không có tiến triển trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine.

Quan trọng là UAE và Bahrain cũng là đồng minh thân cận của Mỹ, tại mỗi nước đều có sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ. Không quân Mỹ đã triển khai máy bay chiến đấu F-35 tới một căn cứ không quân ở Abu Dhabi, trong khi Hạm đội 5 và Bộ Tư lệnh Trung tâm của Hải quân đóng tại Bahrain. Sự hiện diện quân sự đó đã khiến các nhà lãnh đạo của UAE và Bahrain xích lại gần Mỹ hơn, và vì liên minh chống Iran xích lại gần Israel hơn.

Israel, UAE và Bahrain thu được lợi ích gì?

Một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng người Mỹ, người đóng vai trò cố vấn riêng cho Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa al-Khalifa từng cho rằng, đối với các quốc gia Arab vùng Vịnh, con đường đến Washington phải chạy qua Jerusalem. Nói cách khác, nếu các quốc gia này muốn xích lại gần Tổng thống Trump và Nhà Trắng, thì việc xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo Israel là một cách chắc chắn để đạt được mục tiêu đó.

UAE đã nói rõ rằng một trong những lợi ích mà họ nhận được từ thỏa thuận bình thường hóa với Israel là việc mua F-35 từ Mỹ sẽ dễ dàng hơn, một quan điểm cũng được cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump là ông Jared Kushner chia sẻ. Điều đó sẽ mang lại cho Emiratis loại máy bay chiến đấu mới nhất của Mỹ và có lợi thế đáng kể so với bất kỳ quân đội nào khác trong khu vực, ngoại trừ Israel.

UAE cũng đảm bảo sẽ tạm thời ngăn chặn dự định sáp nhập các phần Bờ Tây của Israel và nói rõ đây là một trong những điều kiện để bình thường hóa quan hệ. Mặc dù không rõ thời gian đình chỉ sẽ kéo dài bao lâu, nhưng đối với UAE, điều này cho thấy vẫn tồn tại khả năng về một giải pháp hai nhà nước, mà theo họ là dấu hiệu khả dĩ duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 15-9, Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed cảm ơn Israel đã "tạm dừng" kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine, nói rằng điều đó "củng cố ý chí chung của chúng tôi nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau".

Trong khi đó, những mục tiêu cụ thể mà Bahrain dự định đạt được từ thỏa thuận bình thường hóa ít rõ ràng hơn. Đối với cả UAE và Bahrain, các thỏa thuận cũng mở ra khả năng mua các công nghệ cao của Israel, trong đó có công nghệ quân sự, chẳng hạn như hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt, cũng như hợp tác về kinh tế, y tế, du lịch và hơn thế nữa.

Về mặt chính trị, thỏa thuận cũng mang lại lợi ích cho cho cả UAE và Bahrain. Nếu ông Trump chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 tới và họ đã ghi điểm với chính quyền của ông ấy. Còn nếu ông Biden tiếp quản chính quyền, họ cũng có được sự vững vàng khi đảm bảo các thỏa thuận bình thường hóa với Israel.

Đối với Israel, ông Netanyahu đang quảng bá về thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng, một thành tựu mà chỉ có hai nhà lãnh đạo Israel khác có thể đạt được. Ông Menachem Begin ký hiệp ước hòa bình với Ai Cập năm 1979. Ông Yitzhak Rabin ký hiệp ước hòa bình với Jordan năm 1994. Còn ông Netanyahu ký thỏa thuận bình thường hóa với hai nước chỉ trong một ngày. Điều quan trọng, thỏa thuận này giúp làm lệch sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước mà ông Netanyahu đang đối mặt: một nền kinh tế sa sút với tỷ lệ thất nghiệp 18%, đại dịch Covid-19 buộc Israel phải phong tỏa đất nước lần thứ hai và phiên tòa xét xử ông về tội tham nhũng.

Vai trò của ông Trump?

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhìn thấy cơ hội ở một Trung Đông đang chuyển mình và đã tận dụng điều đó. Không thể đạt được tiến triển trong cuộc xung đột Israel-Palestine, ông Trump và các cố vấn đã chuyển trọng tâm sang phần còn lại của khu vực. Giờ đây, trận chiến lớn nhất trong khu vực là giữa một bên là Iran và một bên là các quốc gia Sunni vùng Vịnh. Chính trong cuộc xung đột này, ông Trump đã nhìn thấy sơ hở để thúc đẩy Israel xích lại gần các quốc gia Arab.

Trong nhiều thập kỷ, Washington là nhà môi giới hòa bình chính ở Trung Đông và là người điều tiết quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Giờ đây, tầm nhìn của Nhà Trắng về khu vực hầu như không bao gồm Palestine. Ông Trump đã mời Palestine vào bàn đàm phán, nhưng sự ủng hộ lại nghiêng hẳn về phía Israel. Nhà Trắng dường như rất vui khi Palestine đứng ngoài cuộc trong cuộc chơi lần này.

Rõ ràng, những thỏa thuận này là không thể tránh khỏi, cho dù chúng diễn ra bây giờ hay trong một vài năm nữa. Và ông Trump đã thúc đẩy chúng xảy ra ngay bây giờ. Trong những tuần gần đây, ông Kushner và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đến thăm khu vực, cố gắng xây dựng thêm các mối quan hệ trên đà của thỏa thuận giữa Israel và UAE. Những nỗ lực đó vẫn chưa kết thúc. Quốc gia vùng Vịnh Oman đã ca ngợi thỏa thuận giữa Israel và Bahrain, báo hiệu rằng họ có thể là quốc gia tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Palestine cảm thấy bị bán đứng

Nói cách khác, người Palestine cảm thấy bị phản bội. Sáng kiến Hòa bình Arab do Saudi Arabia đưa ra năm 2002 đã kêu gọi chấm dứt xung đột giữa Israel và Palestine trước khi các quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel. UAE và Bahrain đã lật ngược câu chuyện, tiến tới bình thường hóa dù cuộc xung đột không có tiến triển. Người Palestine cáo buộc UAE và Bahrain phản bội Jerusalem, nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa và chính nghĩa của người Palestine.

Và bởi vì điều này đã được thúc đẩy bởi Nhà Trắng, những bất bình của các nhà lãnh đạo Palestine đối với ông Trump ngày càng tăng lên. Người Palestine đã cắt đứt liên lạc với Nhà Trắng sau khi chính quyền Tổng thống Trump chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem và thực hiện các bước ủng hộ Israel khác. Các lựa chọn có sẵn cho người Palestine đang bị thu hẹp. Palestine có sự ủng hộ của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, nhưng các đối tác Arab truyền thống của họ đang xích lại gần hơn với Israel. Một dấu hiệu của phong trào đó là Liên đoàn Arab đã không thông qua một nghị quyết được Palestine ủng hộ mà lẽ ra sẽ lên án thỏa thuận UAE-Israel.

AN BÌNH