Lối thoát nào cho Thủ tướng Nhật Bản sau hàng loạt bê bối?

Thứ năm, 04/03/2021 13:00

Giới phân tích cho rằng, thời kỳ trăng mật của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kết thúc sau vụ bê bối ăn uống xa hoa liên quan đến các quan chức ưu tú hàng đầu của đảng LDP cầm quyền với con trai cả của nhà lãnh đạo này.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đang đối mặt nhiều thách thức sau vụ bê bối liên quan đến con trai cả. Ảnh: Kyodo

Từ bê bối của con trai cả

Ít nhất 11 quan chức cấp cao của LDP trong vòng trong của Thủ tướng Suga đã bị cáo buộc vi phạm Luật Đạo đức Công vụ Quốc gia, vốn cấm nhận sự ưu ái từ các bên liên quan. Theo các nguồn tin, 11 quan chức này đã dự các bữa tiệc xa hoa với Seigo Suga - con trai cả của Thủ tướng Suga.

Bê bối liên quan đến Seigo Suga nổi lên gần đây sau khi truyền thông công bố đoạn ghi âm về cuộc hội thoại giữa ông này với các quan chức Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Theo Kyodo News, ông Seigo Suga là cổ đông của Cty Tohokushinsha Film, chuyên về phát sóng vệ tinh và được cho là mời các quan chức tham gia các bữa tiệc đắt đỏ và tặng quà để bàn bạc về việc cấp phép cho Tohokushinsha Film. Trong khi đó, theo The Diplomat, một cuộc điều tra nội bộ cho thấy, từ tháng 7-2016 đến 12-2020 cho thấy, 11 giám đốc điều hành của Bộ này đã ăn tối 39 lần với các giám đốc điều hành của Tohokoshinsha, những người đã trả đến 700 USD mỗi người cho các bữa ăn thịt bò Wagyu và hải sản. Tổng chi phí cho các bữa ăn nhậu này lên tới hơn 526.000 yên (khoảng 5.000 USD).

Con trai của ông Suga được cho là đã tham gia gần một nửa số buổi tiệc tối này, ngay cả trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Cũng có những lo ngại về hối lộ và tham nhũng sau khi một số quan chức nhận tiền taxi trong khi một số khác được cho là đã nhận các khoản ưu đãi trị giá 1.100 USD. Những cuộc tụ tập xa hoa này diễn ra trùng với thời điểm gia hạn giấy phép phát sóng của Tohokushinsha vào tháng 12 do Bộ Truyền thông cấp.

Luật đạo đức công chức quốc gia Nhật Bản cấm quan chức chính quyền nhận quà cáp từ cổ đông của các Cty. Hôm 24-2, 7 quan chức Bộ Truyền thông đã bị cắt lương và cảnh cáo như một hình phạt, bao gồm cả Bộ trưởng Truyền thông Takeda Ryota, người tự nguyện trả lại 3 tháng lương. Tổng cục trưởng thông tin và truyền thông Yoshinori Akimoto và cấp phó Hironobu Yumoto gần đây đã bị luân chuyển chức vụ, được cho là vì tham gia buổi tiệc. Tuy nhiên, một số quan chức nói rằng, họ không nghĩ rằng Cty của con trai Thủ tướng Suga là một bên liên quan đến hoạt động của Bộ Truyền thông.

Tương lai nào cho Thủ tướng Suga?

Vụ bê bối đang ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của nhà lãnh đạo này, nhất là trong bối cảnh chính quyền Suga phải đối mặt với sự chỉ trích của người dân về việc xử lý khủng hoảng dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố về vụ việc này, Thủ tướng Suga nói rằng, ông không biết gì về các bữa ăn tối giữa con trai ông và các quan chức. Ông cũng đã lên tiếng xin lỗi tại phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản hồi cuối tháng 2. Trong khi đó, Tohokushinsha cũng đưa ra thông báo: “Chúng tôi xin lỗi sâu sắc về hành động của một nhóm nhân viên đã khiến các nhân viên của Bộ vi phạm các điều khoản và chấp nhận hình phạt kỷ luật”. Chủ tịch Tohokushinsha Ninomiya Kiyotaka đã tuyên bố từ chức vì tham dự các bữa tối đó. Trong khi đó, con trai của ông Suga từ chức giám đốc của Igo&Shogi Channel Inc, một Cty con của Tohokushinsha. Cty cũng tuyên bố sẽ biên soạn một báo cáo bao gồm các thủ tục gia hạn giấy phép phát sóng.

Và câu hỏi đặt ra hiện nay là có lối thoát nào cho Thủ tướng Nhật Bản sau hàng loạt bê bối này? Còn nhớ, chính quyền cũ của ông Shinzo Abe có xu hướng hồi phục mạnh mẽ sau các vụ bê bối chính trị. Gần 8 năm liên tiếp tại vị của ông Abe đã khiến ông trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản, nhưng có những lo ngại rằng, một Nhật Bản “thời hậu Abe “sẽ mở ra một kỷ nguyên lãnh đạo xoay vòng khác. Sau khi ông Abe bất ngờ từ chức thủ tướng vào tháng 8-2020, có rất ít ứng viên nghiêm túc muốn ngồi vào chiếc ghế này dưới những thách thức kinh tế chưa từng có như vậy.

Chỉ 1 tháng sau khi nhậm chức, ông Suga phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì từ chối phê duyệt 6 giáo sư vào cơ quan tư vấn của Hội đồng Khoa học Nhật Bản. Sau đó, chính quyền ông Suga lại vướng bê bối nổi bật sau khi cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Takamori Yoshikawa từ chức vì cáo buộc lừa dối và ăn tối cũng như nhận tiền từ nhà sản xuất trứng Akita Foods từ tháng 11-2018 đến   8-2019, một phần của nỗ lực vận động hành lang để nới lỏng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về đạo đức động vật đối với ngành công nghiệp này. Theo giới phân tích, việc ông Yoshikawa nói lời từ chức được coi là một đòn đau giáng vào chính phủ của Thủ tướng Suga, giữa lúc sự ủng hộ đối với ông đang sụt giảm liên quan đến việc xử lý đại dịch.

Hiện nay, đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) kêu gọi các quan chức liên quan đến vụ bê bối mới nhất từ chức. Trong khi đó, thành viên Hạ viện CDP Ozawa Ichiro, một nhân vật đối lập có ảnh hưởng, đã tiến thêm một bước khi kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Suga từ chức.

KHẢ ANH