Lợi và hại

Thứ tư, 17/09/2014 10:41

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đã nhận được “lời mời” từ Mỹ: cùng gia nhập liên minh chống IS. Trong khi nhiều nước phương Tây nhanh chóng đáp lời Washington bằng cách này hay cách khác (như tuyên bố sẽ gửi quân, gửi viện trợ vũ khí), Bắc Kinh vẫn im lặng. Tại sao vậy?

Dĩ nhiên, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình còn phải tính toán thiệt hơn một khi quyết định tham gia cuộc chiến mà giới phân tích cho rằng sẽ kéo dài và tốn kém này. Đã có nhiều người chỉ ra những mối nguy hiểm tiềm năng và những cạm bẫy nếu tham chiến chống IS, nhưng xét cho cùng việc Bắc Kinh tham chiến chống IS cùng với Mỹ có lợi nhiều hơn hại.

Mối lo ngại lớn nhất và được quan tâm nhiều nhất từ nhiều nhà quan sát Trung Quốc là: lời mời của Mỹ chỉ đơn giản là một cái bẫy để kéo Bắc Kinh nhảy vào vũng lầy lớn ở Iraq. Dù chúng ta không thể nói âm mưu trên có thật hay không, nhưng rõ ràng, nó không thực sự quan trọng. Việc Bắc Kinh có bị mắc kẹt ở Iraq hay không phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược và hành động của nước này. Nguyên nhân khiến Mỹ bị mắc kẹt ở Iraq trong nhiều năm là bởi vì họ có những mục tiêu không thực tế và quá tham vọng, tức là, cải cách toàn bộ Trung Đông thông qua chiếm đóng quân sự.

Bắc Kinh còn lo việc tham chiến ở Iraq có thể làm bùng nổ tư tưởng chống Trung Quốc trong các nhóm khủng bố và một số nước Arab. Việc này không thành vấn đề bởi, không giống như Mỹ, mục tiêu của Trung Quốc sẽ bị hạn chế. Mỹ vào Iraq với mục đích thay đổi chế độ, mà luôn luôn tạo ra sự thù hận và oán giận. Các nhóm khủng bố và một số nước ở Trung Đông ghét Mỹ chủ yếu là bởi vì Washington có xu hướng áp đặt các giá trị và hệ thống riêng của mình thông qua chiếm đóng quân sự và duy trì mối quan hệ đặc biệt với Israel.

Ngoài ra, IS cũng bị các nước Arab xem là bệnh ung thư đối với sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Điều này sẽ tăng cường hơn nữa tính hợp pháp của Trung Quốc trong cuộc chiến chống IS. Nếu một số nhóm ở Trung Đông chuyển sự bất bình sang Trung Quốc, câu trả lời tốt nhất là cần phải chiến đấu để loại bỏ chứ không phải là chạy trốn.

Nhưng có lẽ lo ngại hơn nữa là khả năng chiến đấu ở ngoài nước của quân đội Trung Quốc rất hạn chế. Điều này đúng. Nhưng chính vì nhược điểm này mà Bắc Kinh cần tham gia vào chiến dịch chống lại IS. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể cải thiện khả năng chiến đấu. Quan trọng hơn, một sự hiện diện quân sự tại Iraq có thể cung cấp an ninh vững chắc cho làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Với làn sóng đầu tư rộng khắp Trung Đông, sớm hay muộn, Trung Quốc cần một lực lượng an ninh ở Iraq để không bị tổn thất như ở Libya. Và bây giờ là thời điểm tốt để họ bắt đầu bởi trong 10 năm tới sẽ không có cơ hội nào tốt hơn.

Cuối cùng, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Iraq (nếu Trung Quốc gửi quân đội) phải đáp ứng 3 điều kiện tiên quyết. Đầu tiên, Bắc Kinh phải hành động trong một khuôn khổ của LHQ. Thứ hai, họ phải tập trung vào mục đích nhân đạo và gìn giữ hòa bình và không liên quan đến việc lật đổ chế độ. Thứ ba, quy mô lực lượng quân sự phải nhỏ, để cho các nước khác trong khu vực và Mỹ làm hầu hết công việc nặng nhọc.

Thanh Văn