“Lòng trong” của người làm báo

Chủ nhật, 19/06/2022 20:22
Người làm báo luôn được yêu cầu phải “bút sắc, lòng trong”. Cả hai yếu tố đó đều phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục. Để “bút sắc”, người làm báo cần tài năng và sự trau dồi để “lòng trong”, người làm báo cũng phải rèn luyện và được giáo dục trong một môi trường phù hợp. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin khốc liệt hiện nay, người làm báo càng cần giữ cho mình luôn có “lòng trong” trong các cám dỗ của cuộc sống, trước sự “xiêu vẹo” của một số người làm nghề, trước sự “xốc nổi” của thông tin trên mạng xã hội…
Phản chiếu…
Tác nghiệp ở Trường Sa.

Dẫu biết rằng xã hội luôn tồn tại đan xen những hiện tượng tích cực và tiêu cực, nhưng khi thông tin, để bảo đảm tính trong sáng, trách nhiệm, người làm báo cần cân nhắc liều lượng các hiện tượng tiêu cực để phản ánh đúng thực tế cuộc sống, đồng thời không tạo ra một hiện trạng đen tối của xã hội một cách sai lệch và không đúng bản chất. Đã có dư luận rằng, một số tờ báo có ý đồ câu khách rẻ tiền bằng cách thông tin quá nhiều về các hiện tượng “cướp, giết, hiếp” với những tình tiết cụ thể, không chỉ tạo ra một hình ảnh thiếu lành mạnh trong xã hội mà còn gián tiếp tạo ra nhận thức không thực sự tích cực trong công chúng. Chẳng hạn, có ấn phẩm nọ trong một số báo đã có những bài: Hậu quả tàn khốc của việc giải quyết mâu thuẫn yêu đương bằng a-xít, Cà phê “tới bến” và gần “tới bến”, Độc chiêu săn đại gia “khát tình” của nam sinh, Rầm rộ phong trào “yêu” ở tuổi về chiều của các cụ ông ở An Giang, Đi tìm dấu tích và huyền thoại một “tướng cướp” độc thân, “Bổ” như… bổ củi, ông uống bà mê; Băng cướp tiệm vàng do gã giang hồ người Mỹ gốc Việt cầm đầu đã trả giá đắt, Những vụ trộm đình đám tại nhà các “đại gia”, Đau lòng những vụ án giết vợ vì bị “cấm vận” chuyện phòng the ở miền Tây, Cô dâu bỏ trốn đêm tân hôn vì chồng có con với gái gọi… Rõ ràng, quá nhiều bài viết kiểu đó không những không nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân mà còn gây ra những tâm trạng tiêu cực cho người đọc, có thể tác động đến những hành động sai trái.

Bên cạnh đó, người làm báo phải hết sức cân nhắc với những bài viết liên quan đến giới tính, các tập tục của các dân tộc, các vụ án… Khi viết các bài có nội dung liên quan đến vấn đề này, nhà báo cần tự hỏi và trả lời: có cần thiết thông tin điều này không, thông tin này có ích gì cho ai, có hại gì cho ai…, bởi khi xét trong hệ quy chiếu về tính tư tưởng, tính giáo dục, tính định hướng, tính thẩm mỹ…, các nội dung này có thể không đảm bảo, thậm chí đi ngược lại. Cách đây ít lâu, khi xảy ra vụ án Lê Văn Luyện, có báo đã đăng bài Hội chứng “em thằng Luyện”: ai tiếp tay cho cái ác? và nhận định: Vụ án Lê Văn Luyện dưới tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, đã bị gây nhiễu đối với một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên... Để có một Luyện 2, Luyện 3… không khó lý giải khi mà ngày càng nhiều các thông tin về bạo lực, vô luân tràn lan ở các phương tiện truyền thông. Một sự thật mà chính những người làm truyền thông cũng không thể ngờ tới, đó là khi hàng loạt báo chính thống lấy các thông tin về tội ác làm sản phẩm báo chí để cạnh tranh, chính những thông tin ấy, khi gieo vào đầu trẻ đã trở thành vết hằn vô thức về cái ác…

“Lòng trong” còn là việc chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết các dân tộc và đồng bào các vùng miền trong nước. Việt Nam là nước có đa dân tộc, mỗi dân tộc có những nét riêng về văn hóa, phong tục, tập quán, nếu soi bằng cái nhìn của dân tộc Kinh vào con mắt hiện đại thì có vẻ một số dân tộc còn lạc hậu. Thêm vào đó, trải qua nhiều năm bị thực dân, đế quốc đô hộ, xâm chiếm, chúng thực hiện chính sách “chia để trị” nên có nhiều biện pháp gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, điều đó ít nhiều còn đọng lại trong một số người dân. Do đó người làm báo cần phải hết sức tránh có những nhận định, miêu tả mang tính khinh miệt, gây phân biệt, chia rẽ giữa cộng đồng các dân tộc. Cách đây vài năm, có tờ báo đã viết về đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang với ngôn từ và cách diễn đạt khá… tự nhiên, dẫn đến người đọc có cảm giác như đang giới thiệu về một dân tộc còn lạc hậu, làm không chỉ bà con người Chăm và chính người Kinh cũng cảm thấy bị xúc phạm. Vụ việc sau đó có tiếng nói chính thức của chính quyền tỉnh An Giang và báo đăng bài viết đó phải cải chính, xin lỗi.

Tác nghiệp trong tâm dịch.

Thay vào đó, bên cạnh việc phê phán có liều lượng và hết sức cân nhắc về các hủ tục lạc hậu của một số dân tộc ít người, người làm báo nên chú trọng việc giới thiệu các nét đặc sắc trong các mặt đời sống, văn hóa, tập tục của các dân tộc. Khi giới thiệu, cần có ngôn từ phù hợp. Hiện nay, Giải thưởng báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong giải báo chí có uy tín. Điều lệ của giải nêu tiêu chí nhiều yêu cầu của các tác phẩm dự thi, trong đó có nội dung: Phản ánh những tình cảm, nguyện vọng và việc làm tốt đẹp của các nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài đóng góp thiết thực cho khối đại đoàn kết toàn dân. Đây nên là một định hướng quan trọng cho người làm báo khi viết về chủ đề này.

Tương tự như vậy, người làm báo cần chú ý tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và xây dựng mối đoàn kết giữa các tôn giáo. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đồng bào có đạo nhiều đời qua sống đoàn kết, hòa thuận. Tuy nhiên, trong lịch sử, có lúc các tôn giáo bị các thế lực phản động lợi dụng hoặc có hiện tượng chính quyền cũ từng có sự phân biệt đối xử với các tôn giáo… Vì vậy, khi thông tin về các tôn giáo, nhà báo cần hết sức thận trọng, nhất là các chi tiết có thể (vô tình) xúc phạm đến một tôn giáo nào đó hoặc tỏ ra “trọng hơn” hay “thường hơn” với một tôn giáo nào đó.

Người làm báo cũng luôn chú ý cổ động lối sống tôn trọng và chấp hành pháp luật. Xã hội ngày càng tiến bộ thì tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được thể hiện rõ. Do đó, nhà báo thông qua hoạt động của bản thân và tác phẩm báo chí của mình cần tích cực cổ động lối sống tôn trọng và chấp hành pháp luật. Trên thực tế, một số cơ quan báo chí vẫn có những bài viết có thể vô tình tuyên truyền, khích lệ cho các hành vi vi phạm pháp luật. Thí dụ, có báo viết Chuyện bí ẩn nhất của “làng đa thê” ở Hà Nội, hay bài Thâm nhập thế giới cà phê “mát gần” giữa lòng Sài Gòn… nêu quá chi tiết, như một hướng dẫn cho người đọc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

Phản chiếu…

Sau cùng, “lòng trong” của người làm báo là phải thể hiện rõ lòng yêu thương con người, luôn hướng đến việc giúp công chúng báo chí có được những gì tốt nhất từ tác phẩm báo chí. Chẳng hạn, thông qua tác phẩm, người làm báo phải giúp nâng cao kiến thức, nhận thức một cách tích cực về các vấn đề thiết thực của đời sống; được truyền cảm hứng để sống tốt hơn; được gợi mở để có hành động đúng đắn, phù hợp; cảm thấy tin tưởng ở những điều tốt đẹp của cuộc sống; có được tình cảm tích cực… Nếu người làm báo không chú trọng những điều đó mà tạo ra những tác phẩm báo chí dễ dãi, thiếu trách nhiệm, kém tính nhân văn, chưa thể hiện chiều sân văn hóa… thì rõ ràng không thể có “lòng trong”. Hay bản thân người làm báo tự làm vẩn đục tâm hồn, tình cảm của mình bằng động cơ, mục đích không tốt thì cũng rất khó có thể có tác phẩm thể hiện được “lòng trong”.

Do đó, người làm báo trước khi đặt bút viết thì cũng không thể quên trả lời các câu hỏi “kinh điển”: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào. Giải đáp thấu đáo các câu hỏi đó trên tinh thần khách quan, trung thực, nhân bản thì mới có thể khẳng định tính “lòng trong” trong tác phẩm báo chí. Nếu không có “lòng trong” thì “bút sắc” hẳn không còn nhiều ý nghĩa, thậm chí có khi còn phản tác dụng!

NGUYỄN MINH HẢI