Lũ dữ nhấn chìm miền Trung
(Cadn.com.vn) - Mưa như trút nước liên tiếp trong 2 ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, cộng với thủy điện xả lũ hàng loạt khiến các tỉnh miền Trung chìm sâu trong lũ dữ. Lũ kéo về đột ngột trong đêm khiến gần chục ngàn hộ dân phải trắng đêm chạy lũ, sơ tán đến vùng an toàn, trong đó, nhiều người trở tay không kịp, tài sản, lương thực bị cuốn trôi. Số người chết và mất tích tăng nhanh.
Có mặt tại vùng rốn lũ Đại Lộc (Quảng Nam) sáng 16-11, mới thấy hết tình cảnh khốn khổ của người dân trong vùng lũ dữ. Tại 2 thôn Phú Quý, Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, nước lũ nhấn chìm gần như 100% số nhà dân trong khu vực. Nhiều ngôi nhà ngập sâu gần đến mái tôn, người dân phải sơ tán đến nơi cao ráo để tránh lũ. Đến hơn 10 giờ, nước lũ đạt đỉnh và bắt đầu rút xuống chậm, song mọi tuyến đường vẫn còn ngập sâu, cô lập, chỉ có thể đi lại bằng thuyền. Bà Nguyễn Thị Tâm, 63 tuổi, trú thôn Phú Qúy vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Khoảng 10 giờ đêm, mưa càng lớn, nước lũ tràn về ồ ạt, nhất là khi mực nước đập Trà Cân dâng cao, vượt tràn đến 6 tấc, nước lũ đổ như thác vào nhà. Nhà tui chỉ có hai mẹ con, đưa con trai bị ốm không thể làm gì, chỉ còn mình tui không thể trở tay kịp, đành để nước ngập ướt hết đồ đạc, tài sản, thóc giống. Cùng cảnh ngộ như bà Tâm, hàng ngàn hộ dân ở vùng rốn lũ Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Phong cũng hoảng hốt lo chạy lũ đảm bảo an toàn tính mạng khi lũ bất thần đổ về trong đêm khuya. Ông Nguyễn Thành, trú thôn Mỹ Hảo, Đại Phong cho biết, liên tục từ chiều tối qua, mực nước sông Vu Gia dâng cao quá nhanh, nhất là khuya 15 rạng sáng 16-11, thủy điện Đắc Mi, A Vương ở thượng nguồn xả lũ khiến lũ trên sông dâng cao đột ngột gây ngập nhà cửa từ 2-3m. Ngoài việc sơ tán những hộ dân có nhà ở vùng thấp trũng đến các hộ nhà cao tầng, toàn bộ trâu bò, heo gà đều được dẫn đến khu vực đồi núi cao cắm để tránh lũ. Tuy nhiên, nước lũ dâng nhanh quá không ai ngờ được nên nhiều gia đình bị thiệt hại nặng, thóc giống bị cuốn trôi.
Lũ nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà thôn Phú Qúy, Phú Mỹ, xã Đại Hiệp (Đại Lộc). |
Hàng ngàn hộ dân vùng hạ du Đại Lộc cũng chịu chung tình cảnh tương tự. Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, lúc 2 giờ sáng đỉnh lũ trên sông Vu Gia đạt trên mức báo động 3 đến 1m, 3.400 ngôi nhà chìm sâu trong lũ từ 0,5-3m. Các xã trên địa bàn bị nước lũ chia cắt, cô lập. Chưa thể thống kê mức độ thiệt hại do lũ gây ra, song đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn đã có 1 người chết là trường hợp của em Lê Ngọc Triều, học sinh lớp 12 trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, trú thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường trong khi đi “cầm vịt” (đưa vịt đến vị trí tránh lũ) đã bị lũ cuốn. Tại Hội An, lúc 11 giờ ngày 16-11, ông Nguyễn Sinh (53 tuổi, trú khối phố Đồng Hiệp, P. Minh An, TP Hội An) ở trên gác nhà tránh lũ thì lên cơn động kinh rơi từ trên gác nhà xuống nền nhà. Lúc này trong nhà nước lũ ngập sâu gần 1 mét. Dù được người nhà phát hiện kịp thời và đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng ông Sinh đã tử vong. Trước đó lúc 16 giờ ngày 15-11, bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, H. Nông Sơn) đi chăn trâu về gặp mưa lớn, không may bà Chí bị sụp xuống cống đuối nước. Mặc dù người dân phát hiện kịp và tiến hành cấp cứu nhưng bà Chí không qua khỏi.
Lãnh đạo các địa phương khẳng định, nước lũ dâng cao đột ngột là do lượng mưa lớn và các thủy điện xả lũ. Cụ thể, chiều tối qua thủy điện Đắc Mi 4 xả lũ với lưu lượng 4.000m3/s, thủy điện Sông Bung 4 xả từ 800-1.200m3/s, thủy điện A Vương xả từ 200-800m3/s. Để giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản người dân, UBND huyện đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các thủy điện giảm lưu lượng xả lũ, đồng thời, tổ chức sơ tán người dân vùng trũng thấp, nguy hiểm đến nơi an toàn, cấm không cho người dân đi lại trong vùng lũ…
Nhiều tuyến đường ở Quảng Nam bị lũ chia cắt. |
Nhiều tuyến đường qua địa bàn huyện Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó riêng tuyến đường Hồ Chí Minh có hàng trăm điểm sạt lỡ lớn nhỏ, tại các km 1403+600,1385+ 400, 1363+600… Tuyến đường đi 5 xã vùng cao của Phước Sơn đã bị cô lập hoàn toàn. Tối ngày 15-11, tại địa bàn TT Khâm Đức có gần 200 phương tiện xe ô-tô, với hơn 800 khách vãng lai bị mắc kẹt không lưu thông được. Các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn tại địa bàn Phước Sơn trong tình trạng cháy phòng. Trước tình trạng trên, ngay trong đêm Ban chỉ huy PCLB huyện Phước Sơn đã đi kiểm tra, huy động hàng chục phương tiện xe máy, xe ủi, nhân lực, tích cực thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Sau nhiều giờ tích cực san ủi, đến 8 giờ ngày 16-11 lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Phước Sơn đã cơ bản thông tuyến.
Còn tại huyện Nam Giang có 5 ngôi nhà bị vùi lấp. Ông Tơ Ngôl Với- Chánh Văn phòng UBND huyện Nam Giang cho biết: Mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng xuất hiện các điểm sạt lở đất đá. Hiện có 5 ngôi nhà cùng tài sản của người dân ở thôn Pà Dồn (xã Cà Dy) bị vùi lấp do sạt lở đất từ trên núi cao. Chính quyền huyện Nam Giang đã khẩn trương cho lực lượng đến hiện trường để xác định và chốt chặn không cho người dân đến gần khu vực bị sạt lở. Do trước đó chiều ngày 15-11 chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm nên không những ngôi nhà bị vùi lấp không gây thiệt hại về người. Hiện trên địa bàn mưa vẫn rất to, khiến công tác ứng phó gặp rất nhiều khó khăn.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chính quyền huyện Nam Giang đã triển khai công tác chủ động ứng phó; huy động lực lượng CA, bộ đội, thanh niên xung kích chốt chặn tại một số khu vực bị nước lũ tràn qua, bố trí khu vực sơ tán người dân, tuyệt đối không cho người dân vượt lũ về nhà.
Đặc biệt trên QL1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam nhiều điểm bị nước lũ tràn qua gây chia cắt, các phương tiện lưu thông qua lại rất khó khăn. Do vậy Phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam phải điều động lực lượng túc trực từ đêm 15 và ngày 16-11 để hướng dẫn, phân luồng các phương tiện qua lại nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người tham gia giao thông.
Nhiều nhà cửa ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ngập trong nước lũ. |
Theo báo cáo của Ban PCLB tỉnh Quảng Nam, hiện nay mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đang ở mức cao và ở hạ lưu tiếp tục lên, riêng sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã đạt đỉnh và đang xuống rất chậm.
Liên quan đến tình hình các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chiều 16-1, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyen cho biết, đến nay, đã có 15 hồ thủy điện xả tràn, 9 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s cụ thể: Bình Điền: 654m3/s; Hương Điền: 636m3/s; Sông Tranh 2: 2.352m3/s; Sông Ba Hạ: 2.400m3/s; Ya Ly: 2.000m3/s; PlaiKrông: 602m3/s; Sê San 3: 1.920m3/s; Sê San 4: 2.356m3/s; Sê San 4A: 2.472m3/s. Việc xả lũ lưu lượng lớn khiến mực nước sông lên cao. Đêm qua, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Kon Tum và Gia Lai đã đạt đỉnh và ở mức BĐ3 và trên BĐ3 từ 0,2 - 3,65m; các sông ở Quảng Trị, hạ lưu sông Thu Bồn và từ Phú Yên đến Bắc Khánh Hòa đang lên. trưa nay (16/11), lũ trên các sông Quảng Trị và bắc Khánh Hòa sẽ đạt đỉnh; riêng hạ lưu sông Thu Bồn và sông Ba có khả năng đạt đỉnh vào chiều tối nay.
Đối phó với tình hình mưa lũ, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã triển khai các phương án sơ tán, di dời dân khỏi những vùng nguy hiểm, bị ngập nặng trước 19 giờ chiều 15-11. Tính đến 6 giờ sáng nay 16-11, miền Trung đã di dời hơn 7.200 hộ dân, gần 26.000 nhân khẩu ở 18 huyện, thị từ các vùng ven biển không an toàn, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp, bị ngập sâu của 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Trong đó, Quảng Ngãi di dời 1.679 hộ/5.874 người thuộc 13 huyện, thị; Quảng Nam di dời hơn 3.213 hộ/10.959 người ở Đại Lộc, Duy Xuyên; Phú Yên di dời 717 hộ/2.235 người ở thị xã Sông Cầu; Khánh Hoà di dời 1.645 hộ/5.610 người ở 3 huyện thị, và 1.273 người khỏi các địa điểm nuôi cá lồng, cá bè. Thống kê ban đầu từ Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung, hiện tại miền Trung đã có 4 người chết, 6 người mất tích và bị thương do đợt mưa lũ này; có hơn 1.800 nhà bị ngập lụt, tốc mái và đổ sập; hơn 326 hecta lúa và hoa màu bị ngập úng hư hỏng.
Mưa lũ cũng khiến hàng ngàn hộ dân ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An (Quảng Nam), Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bị ngập sâu trong lũ, thiệt hại ước tính nhiều tỷ đồng. Các tuyến QL14B từ Đà Nẵng đi trung tâm huyện Đại Lộc bị chia cắt, không lưu thông được. Nhiều nơi như đoạn Cách mạng tháng 8, QL14B đoạn Hòa Cầm- Trường Quân chính Quân khu 5 (TP Đà Nẵng) cũng bị ngập nặng cục bộ, buộc lực lượng chức năng căng dây, đặt biển hoặc cho lực lượng CSGT cắm chốt không cho người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Nhiều điểm trên các tuyến giao thông đi các huyện miền núi Quảng Nam sạt lở.
Dự báo, chiều, tối nay, lũ các sông ở Quảng Ngãi xuống mức BĐ3, các sông ở Thừa Thiên Huế và hạ lưu sông Ái Nghĩa còn trên BĐ2; các sông ở Bắc Tây Nguyên xuống mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2.
Quang Sang