Mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng

Thứ bảy, 16/11/2013 13:42

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-11, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh từ TT - Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều khu vực.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đêm 15-11, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum có khả năng lên trên mức báo động 3 từ 0,5 -1,7m; các sông ở Quảng Nam, Phú Yên và Thừa Thiên Huế lên mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên báo động 2. Ít nhất 12/44 hồ chứa thủy lợi các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã đầy và qua tràn.

Nhiều khu vực bị chia cắt

Tại Quảng Nam, lúc 10 giờ ngày 15-11, hồ chứa Thủy điện Sông Tranh 2 đã vượt ngưỡng xả tràn (cao trình 161m) và tự chảy qua 6 cửa xả đã được mở sẵn theo sự chỉ đạo chưa cho phép tích nước của Chính phủ. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My cho hay, lúc 11 giờ ngày 15-11, lưu lượng nước về hồ chứa đã lên đến trên 4.000m3/s. Đây là lượng nước đổ về hồ chứa lớn nhất từ khi xảy ra các sự cố thấm và động đất kích thích tại thủy điện này. Rạng sáng 15-11, hai nút giao thông huyết mạch là ngầm Sông Trường và ngầm Sông Nước Oa trên tuyến DT 616 thuộc xã Trà Sơn và Trà Tân, H. Bắc Trà My bị nước lũ băng qua, dâng cao gần 2m, làm đường lên H. Nam Trà My và các xã vùng cao Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka của H. Bắc Trà My bị chia cắt hoàn toàn do mực nước sông Vu Gia đã chạm mức báo động 3 và sông Thu Bồn trên mức báo động 2, UBND H. Đại Lộc đã chỉ đạo các xã sơ tán người dân ở những vùng trũng thấp, ngập úng đến nơi cao để tránh lũ.

Cầu ngầm Sông Trường trên tuyến DT616 thuộc xã Trà Sơn, H. Bắc Trà My (Quảng Nam) bị ngập sâu khoảng 3m, làm cô lập hoàn toàn H. Nam Trà My và các xã vùng cao, cánh nam H. Bắc Trà My.

Tại các tỉnh TT-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tình hình ngập lụt được cho là nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây, khiến hàng nghìn hộ dân phải rời khỏi nhà đi tránh lũ.

Tại TT-Huế, nhiều tuyến đường ở nội thành Huế  bị ngập vào giờ tan tầm buổi chiều nên gây tắc nghẽn giao thông. Tuyến đường ven sông Bồ về H. Quảng Điền đã ngập sâu trong lũ, có nơi ngập sâu hơn 1m. Các địa phương vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền và TX Hương Trà chủ động cho học sinh nghỉ học ngay từ chiều 15-11. Ngay trong chiều 15-11, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã xuất 2.500 bao cát và 60 rọ đá cho các địa phương vùng thấp trũng để hộ đê, đối phó kịp thời với tình hình mưa lũ...

Tại Quảng Ngãi, mưa to và lũ lớn lên nhanh nên các xã Sơn Linh, Sơn Cao (H. Sơn Hà) bị chia cắt hoàn toàn, trên 20 điểm dân cư với gần 10 nghìn hộ dân các xã đang có nguy cơ bị cô lập. Cầu treo Sơn Thủy bị đứt néo đổ sập cuốn trôi. Toàn bộ học sinh Sơn Hà đã nghỉ học. H. Nghĩa Hành chiều 15-11 đã di dời, sơ tán 2.000/6.133 hộ dân ở các vùng xung yếu ven sông Vệ và sông Phước Giang. Tại H. Ba Tơ cũng tổ chức di dời 33 nhà dân bị ngập do nước lũ và 400 hộ trong vùng trũng thấp, toàn huyện đang bị mất điện hoàn toàn. Tại H. Bình Sơn, 500 hộ dân ở các xã Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thới, Bình Dương... cũng được di dời đến nơi an toàn; đặc biệt lại H. Tư Nghĩa vào 10 giờ 20 ngày 15-11 xảy ra lốc xoáy cuốn bay hơn 100 tấm tôn lợp Trạm Y tế xã Nghĩa An và tốc hoàn toàn mái 4 ngôi nhà gần đó. Đã có 4 người bị thương.

Lực lượng cứu hộ ở Quảng Ngãi giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.

Tại Bình Định, huyện miền núi Hoài Ân có hơn 1.500 nhà dân bị ngập; các tuyến tỉnh lộ 629, 630 bị nước lũ chia cắt; hàng ngàn mét các tuyến đập, kênh mương bị sạt lở, 128 đập tạm bị nước cuốn trôi, 7 đập dâng kiên cố của 3 xã vùng cao ĐăkMang, Bok Tới, Ân Sơn bị sạt lở nghiêm trọng; cùng với đó là hàng loạt khu vực bờ sông, đất sản xuất bị sạt lở, nước lũ uy hiếp đến nhiều khu vực dân cư...

Tại Phú Yên, từ đêm 14 đến sáng 15-11, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu bị ngập một số tuyến đường nội thị. Tại các huyện miền núi Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, do mưa to, kết hợp với lượng mưa ở các tỉnh Tây Nguyên, làm mực nước các sông dâng nhanh.

Nhiều người chết, mất tích

Chiều 15-11, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho hay, cơ quan chức năng và các tàu được huy động vẫn chưa liên lạc được với tàu cá NT 90515 TS với 10 lao động bị nạn từ chiều tối ngày 14-11. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thường (quê Tiền Giang), thuyền viên của tàu BĐ 30249 TS do bà Nguyễn Thị Diệu (trú xã Cát Tiến, Phù Cát, Bình Định) làm chủ, bị rơi xuống biển tại vị trí 07045N, 105025E hôm 14-11 hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Tại Quảng Ngãi, sáng 15-11, em Võ Thị Thu Thảo, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hành Minh (H. Nghĩa Hành) đi đến trường bằng xe đạp thì bất ngờ gặp cơn gió mạnh hất xuống cống nước sâu. Mặc dù người dân địa phương phát hiện, cứu vớt ngay sau đó nhưng em Thảo đã tử vong.

Tại Bình Định, lúc 10 giờ ngày 15-11, anh Trần Thế Giảng (17 tuổi, trú thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, H. Hoài Ân) bơi qua suối để cứu trâu nhà mình. Khi bơi đến giữa dòng thì bị lũ cuốn trôi. Theo ông Nguyễn Văn Mây – Trưởng thôn Nghĩa Điền, hiện gia đình và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm nhưng chưa tìm được thi thể nạn nhân.

Tại Kon Tum, mưa lũ cũng đã làm 1 người chết. Đó là chị Y Hiên (1975, trú tại thôn Đăk Bút, xã Đăk Nên, H. Kon Plong) làm rẫy về qua suối bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm sập một số cầu treo dân sinh, sạt lở nhiều tuyến đường đi vào các xã vùng sâu, vùng xa.

B. Thùy –  C. Khanh  – V. Viên

Hai cô giáo bị lũ cuốn trôi

Vào khoảng 5 giờ 30 ngày 15-11, tại ngầm tràn qua suối Tà Nang (thuộc thôn 10, xã Đông, H. K’Bang, Gia Lai) xảy ra trường hợp thương tâm khi 2 cô giáo trên đường đi dạy đã bị nước lũ cuốn trôi.

Vào thời điểm trên, một số người dân nghe tiếng kêu cứu nên đã chạy ra khu vực này thì thấy 2 cô giáo đang mắc kẹt giữa dòng nước lũ đang đổ về mạnh. Dù người dân đã tìm mọi cách ứng cứu nhưng không kịp bởi nước dâng cao, chảy xiết đành bất lực nhìn 2 cô giáo bị dòng nước hung hãn cuốn trôi. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, chính quyền địa phương đã huy động toàn lực lượng cùng nhiều người dân cứu hộ, tìm kiếm.

Đến khoảng 6 giờ 30 cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm được thi thể cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (trú tổ dân phố 5, thị trấn K’Bang, H. K’Bang) hiện là giáo viên giáo mẫu giáo ở xã Kông Lơng Khơng (H. K’Bang). Hiện chính quyền địa phương tiếp tục huy động mọi lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cô giáo còn lại, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được danh tính của cô giáo bị nạn này.

Minh Tân