Miền Trung hứng trọn thiên tai lẫn nhân tai

Thứ hai, 18/11/2013 13:33

(Cadn.com.vn) - Chưa hoàn hồn vì may mắn thoát khỏi “tử thần” Haiyan trong gang tấc, người dân miền Trung đã phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 14-11 đến nay. Hàng chục người chết, mất tích, hàng vạn ngôi nhà ngập chìm trong lũ dữ..., đó dường như không chỉ là hậu quả của thiên tai mà còn bởi nhân tai, cụ thể là những “nhân” thủy điện.

Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh: Nguyễn Nam

ĐÀ NẴNG

Ngay sau khi lũ rút, sáng sớm 17-11, hơn 400 CBCS của các đơn vị lực lượng vũ trang hành quân về H. Hòa Vang nhanh chóng bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả. Trước đó, tối 15-11, mưa lớn trên diện rộng cùng với việc xả lũ đầu nguồn sông Vu Gia đổ về hạ lưu sông Yên đã làm 62/118 thôn trên địa bàn huyện bị ngập lụt. Trong đó có 29 thôn bị ngập hoàn toàn, 33 thôn bị ngập một phần. Ngay khi nước lũ bắt đầu dâng, các địa phương đã triển khai phương án sơ tán khoảng 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều nơi nước tràn vào nhà gây ngập sâu 1-2m...

Người dân P. Hòa Xuân dùng thuyền để di chuyển ra bên ngoài. Ảnh: Hoàng Vinh

Đến chiều 16-11, nước bắt đầu rút, nhiều hộ dân quay về dọn dẹp nhà cửa, sân vườn. Mưa lũ cũng đã gây sạt lở một số tuyến đường xung yếu trên địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Tiến. Sau khi lũ rút, từ sáng 17-11, người dân Hòa Vang (TP Đà Nẵng) lại nơm nớp lo vì tuyến đường ADB5 xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn, đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông. Đường ADB5 dài hơn 4,5km là tuyến giao thông huyết mạch nối liền 3 xã phía nam Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến và vùng giáp ranh H. Điện Bàn (Quảng Nam) với Trung tâm Hành chính huyện và tuyến QL14B.

Tại các điểm đã được gia cố bằng sọt đá, nước lũ vẫn khoét sâu
tạo thành những hàm ếch nguy hiểm. Ảnh: Vy Hậu

QUẢNG NAM

Liên tục từ đêm 15-11 đến 23 giờ đêm 16-11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về hạ du đã tràn qua nhiều điểm trên QL1A đoạn qua Quảng Nam với độ sâu 0,3-0,7 mét, chảy rất xiết. 100% cán bộ chiến sĩ CSGT CA Quảng Nam túc trực ở các điểm xung yếu trên tuyến QL1A, nhất là ở những điểm có nước tràn qua đường như ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ và Núi Thành để cùng với các phương tiện chuyên dụng canh trực làm cọc tiêu, phân luồng, hướng dẫn giao thông, giúp đỡ những người bị sẩy chân, cứu hộ xe các loại bị chết máy, giải phóng nhanh những trường hợp bị ách tắc.

Đến chiều 17-11, đường về vùng B huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn còn bị nước lũ chia cắt.

Lũ lụt từ ngày 14 đến 17-11 đã gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh, lũ lụt đã làm 4 người chết và bà Phạm Thị Lan (73 tuổi, trú khối 6, TT Vĩnh Điện, H. Điện Bàn) bị nước cuốn trôi mất tích.

Nước lũ khiến nhiều đoạn đường ĐT609B chạy qua H. Đại Lộc bị hư hỏng nặng. Ảnh: H.A

Lũ lụt cũng làm cho nhiều tuyến giao thông bị chia cắt. Tuyến đường Hồ Chí Minh tại H. Phước Sơn bị sạt lở một số vị trí và đã khắc phục được. Hầu hết các tuyến đường từ trung tâm H. Bắc Trà My về các xã đều bị sạt lở rất nhiều cô lập hoàn toàn. Tại H. Nam Giang có 3 cầu treo bị đứt, cầu Bình Đào, H. Thăng Bình bị gãy. Lũ lụt làm nhiều công trình nước sạch ở các huyện vùng cao bị hư hỏng nặng...

Anh Phan Đình Hưng (thôn Bàu Tròn, Đại An) mếu mó bên mấy sào rau bị nước lũ cuốn trôi.
Ảnh: Hoàng Anh

TT-HUẾ

Đến sáng 16-11, mặc dù nước đã rút nhưng một số tuyến đường, khu dân cư trong TP Huế vẫn ngập trong nước. Còn ở các huyện như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc nhiều nơi vẫn bị ngập lụt. Theo thống kê ban đầu, hàng vạn nhà dân bị ngập trong đợt mưa lũ này, trong đó: TP Huế có 3.820 nhà, H. Quảng Điền có 3.420 nhà, H. Phong Điền có 1.240 nhà, H. Hương Thủy có 1.806 nhà, H. Hương Trà có 850 nhà bị ngập. Mưa lớn đã gây ách tắc trên tuyến QL1A đoạn ngang qua H. Phú Lộc với chiều dài hơn 7km, chiều sâu ngập 0,8m, hơn 2.000 phương tiện bị kẹt lại từ 15 giờ ngày 15-11 đến 1 giờ sáng 16-11. Mưa lớn cũng gây sạt lở bờ sông Bù Lu đoạn qua thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, H. Phú Lộc với chiều dài 150m sâu 15m, đe dọa nghiêm trọng 17 hộ dân nên Đồn Biên phòng Chân Mây đang khẩn trương triển khai di dời.

QUẢNG NGÃI

Lũ vẫn ở mức cao dù mưa đã giảm

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 17-11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục giảm, vùng mưa vừa chỉ còn tập trung ở Quảng Trị đến Quảng Ngãi, do đó lũ trên các sông từ TT-Huế đến khu vực phía bắc Khánh Hòa sẽ tiếp tục giảm, hầu hết chỉ còn ở mức BĐ1, BĐ2, riêng tại hạ lưu sông Thu Bồn, sông Vệ, sông Côn vẫn còn trên mức BĐ2 và sau 1 – 2 ngày nữa nước trên các sông này sẽ xuống, tình trạng ngập úng sẽ được cải thiện.

Tính đến cuối ngày 16-11, thiệt hại do mưa, lũ gây ra rất nghiêm trọng.Theo đó, có 12 người chết và mất tích; 15 người bị thương. Mưa lũ làm sập đổ, cuốn trôi 32 nhà; 82 nhà tốc mái, hư hỏng; 280 m tường rào của trường học bị ngã đổ; hư hỏng 5 trạm Y tế... Về nông nghiệp, đất canh tác bị sa bồi, thủy phá hỏng 725 ha; thóc giống bị ướt hàng nghìn tấn; lương thực bị ướt, hư hỏng trên 15.000 tấn. Cây công nghiệp ngắn ngày bị ngập úng 1.431,5 ha; thiệt hại gần 11.000 gia súc; 10.637 gia cầm bị cuốn trôi. 14.950 m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng. Quốc lộ bị ngập tại 50 điểm; nền đường bị hư hỏng 10km; khối lượng đất đá bị sạt lở: 29.000m3. 13 tuyến tỉnh lộ bị ngập với khối lượng đất bị sạt lở khoảng 29.000m3...

Trường hợp 11 phương tiện và 6 ngư dân của xã Nghĩa An, H. Tư Nghĩa bị đứt dây neo tại cửa sông Phú Thọ, trôi ra biển, ngày 16-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều động 2 tàu là CN 09 và BP 091101 cứu được 6 ngư dân an toàn; tìm kiếm được 5 phương tiện; 3 phương tiện bị chìm, hiện vẫn còn 3 phương tiện trôi trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị chính quyền địa phương huy động phương tiện tiếp tục cứu hộ 3 phương tiện còn lại. Tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tổ chức 5 đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo tập trung khắc phục thiệt hại mưa, lũ.

BÌNH ĐỊNH

Theo thông tin từ các lực lượng cứu hộ, từ tối 15 đến sáng 16-11, toàn tỉnh có 17 người chết và mất tích do nước lũ, có 30.000 người dân ở các vùng bị ngập nặng trong tỉnh đã được cứu và di chuyển tập trung đến các địa điểm an toàn tại Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn.

Bộ đội Quân khu 5 ứng cứu bà con vùng lũ trên địa bàn phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn,
tỉnh Bình Định.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chỉ đạo huy động tối đa nguồn lực ứng cứu dân và khắc phục những đoạn đường bị sạt lở. Hiện nay, thiệt hại nặng nhất là An Nhơn và Tây Sơn. Tại địa bàn H.  Hoài Nhơn, các xã Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Xuân, Hoài Đức... bị nước lũ dâng cao gây ngập lụt, đường xá sạt lỡ, chính quyền địa phương cùng lực lượng công an, huyện đội cứu dân đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Định cho biết, đến cuối buổi chiều 16-11, thiệt hại kinh tế do mưa lũ gây ra khoảng 1.336,6 tỷ đồng. Mưa, lũ đã làm 6 nhà bị sập, 84 nhà hư hỏng, 98.094 nhà bị ngập; 156 phòng học bị hư hỏng. Hiện hàng ngàn hộ dân vẫn còn bị ngập lũ.

PHÚ YÊN

Tối 16 đến sáng 17-11, nước sông Ba Hạ tiếp tục tăng dâng cao, thủy điện xả lũ lớn uy hiếp vùng hạ du. Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Cty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết, nếu lũ đạt đỉnh, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ sẽ nâng lưu lượng xả lũ lên 5.400m3/giây, dẫn đến nước trên sông Ba sẽ tiếp tục dâng cao, vùng hạ du cần chủ động đề phòng lũ quét. Theo ông Tuần, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ hoặc sự cố đập công trình Thủy điện Sông Ba Hạ được công ty thực hiện đúng quy trình. Trước khi xả và khi thay đổi lưu lượng xả, công ty sẽ kích hoạt các bộ cảnh báo lũ từ xa đã lắp đặt tại các xã, thị trấn vùng hạ du thuộc hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, thông báo qua loa phóng thanh cho người dân biết để chủ động phòng tránh.

NHÓM P.V - CTV