Lừa không biên giới...

Thứ năm, 14/01/2016 11:58

"Phi công Mỹ" nhờ thuê nhà

(Cadn.com.vn) - Theo chị L.M. (giáo viên của một trường THPT tại H. Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) trình bày, cách đây nửa tháng, chị nhận được yêu cầu kết bạn trên facebook của một người có nickname Campbell Cavid. Cũng vì lịch sự, chị M. chấp nhận yêu cầu kết bạn. Sau đó, Campbell Cavid nhắn tin liên tục, tỏ ra thân mật như đã quen từ trước, lúc thì bằng tiếng Anh, lúc lại là tiếng Việt. "Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã nhận tôi làm bạn bè… Tôi đang sống ở Boston (Hoa Kỳ). Là phi công Mỹ, tham gia chiến đấu ở Israel".

Sau đó, người có nickname Campbell Cavid nhắn tiếp: "Tôi sẽ đến Việt Nam vào tháng tới vì tôi rất yêu đất nước Việt Nam. Xin  vui lòng cho tôi xin địa chỉ nơi bạn đang sống. Tôi muốn bạn giúp tôi tìm kiếm một ngôi nhà tốt tại thành phố của bạn. Tôi sẽ đến đó trong thời gian 2 tuần, sau khi tôi hoàn thành sứ mệnh của mình cùng không quân Mỹ tại Israel". Tiếp đó, Campbell Cavid tiếp tục gửi cho chị M. một số tấm hình về gia đình, con cái như để tỏ rõ sự chân thành.

Ít hôm sau, chị M. nhận được tin của Campbell Cavid đề nghị xin địa chỉ vì chỉ còn 2 ngày nữa sẽ phải đến Israel. Campbell Cavid muốn gửi tiền và quà cảm ơn chị vì nhận lời tìm thuê nhà giúp. Cũng vì nghi ngờ nên chị M. đã cho một địa chỉ ảo thì Campbell Cavid nhắn tiếp: "Tôi biết bạn là người phụ nữ tốt và tôi tin tưởng điều đó. Sáng nay, lúc 9 giờ 30 giờ Mỹ, tôi đã  gửi quà cho bạn trong năm mới, gồm: bộ trang sức, nước hoa và điện thoại. Ngoài ra, tôi còn gửi cho bạn 60 ngàn USD cùng quà vì có những lý do tôi không gửi tiền qua ngân hàng được. Tôi sử dụng dịch vụ của Cty chuyên phục vụ cho quân đội. Khi nhận quà và tiền, bạn hãy dùng 45 ngàn USD để thuê nhà giúp tôi, bạn dùng 10 ngàn USD tìm một tổ chức từ thiện và đóng góp cho họ giúp tôi. Còn lại 5 ngàn USD tôi trả cho bạn mọi chi phí khi bạn đi thuê nhà cho tôi. Cty sẽ liên lạc và báo về tình hình gói quà cho bạn. Khi nào Cty thông báo nhận quà thì bạn hãy nhắn tin cho tôi hay, vì ở Israel tình hình rất căng thẳng nên tôi không thường xuyên liên lạc với bạn được".

Không tin tưởng lắm, nhưng sau đó chị M. nhận được thông báo từ một Cty có tên Skydream express courier service, thông báo về tình trạng gói quà trên đường đi đến Nhật Bản. Thông báo còn cho biết: Khi nào quà đến Việt Nam sẽ báo cho chị biết. Hơn 7 giờ  hôm sau, một phụ nữ nói giọng Bắc gọi điện báo cho M. "gói quà đã về đến Sân bay Nội Bài - Hà Nội và yêu cầu chị phải đóng 950USD thuế hải quan vì lý do trong gói quà có chứa tiền là không hợp pháp". Cũng từng nghe nói về những vụ lừa đảo qua facebook nên chị M. đoán rằng mình đang ở trong một âm mưu lừa đảo. Vì vậy, chị M. yêu cầu người phụ nữ này giao quà tận tay rồi sẽ đóng thuế thì cô ta ấp úng và trả lời chờ ý kiến Campbell Cavid...

Hơn 1 giờ sau, Campbell Cavid gọi cho chị M., nói về tình trạng gói quà. Campbell Cavid tha thiết nhờ chị M. đóng tiền để lấy gói quà giúp vì đang ở Israel. Chị M. từ chối việc đóng tiền theo đề nghị thì Campbell Cavid có những lời lẽ thô tục và hủy kết bạn trên facebook.

Anyasi (quốc tịch Nigeria) từng cho một
phụ nữ Việt Nam sập bẫy mất hơn 600 triệu đồng.

Chiếc két sắt chứa 320 ngàn USD

TAND TPHCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Mbouwe Ebubu (1974, quốc tịch Nam Phi) mức án 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2014, chị N.T.K.V. (1986, trú TPHCM) quen biết một người có tên là Alex Hopeson, đối tượng này giới thiệu sinh năm 1976, quốc tịch Mỹ. Sau thời gian quen biết, trao đổi, tâm sự, ngày 12-3-2014, Hopeson liên lạc và báo cho chị V. biết sẽ gửi một két sắt bên trong có 320 ngàn USD thông qua một Cty vận chuyển tại Malaysia. 2 ngày sau, chị V. nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng là Farah - đại diện Cty vận chuyển, yêu cầu chị V. gửi 1.000USD gọi là tiền phí thuế địa phương và phí xách tay. Farah cũng nói thêm do Cty vận chuyển này không có văn phòng tại Việt Nam mà chỉ có người trung gian giao hàng.

Tin tưởng, chị V. đã gửi 21 triệu đồng vào số tài khoản đối tượng này cung cấp. Vài phút sau, chị V. tiếp tục nhận được cuộc gọi từ đối tượng khác tự xưng là Owen, yêu cầu chị chuyển tiếp 2.000USD để làm thủ tục cho chiếc két sắt đang bị giữ tại sân bay. Sau đó, với lý do cần tiền để mua chứng nhận, mua hóa chất để xử lý số tiền trong két sắt… các đối tượng như Owen, Ebubu liên tục điện thoại yêu cầu chị V. chuyển tiền. Thấy số tiền có trong két sắt là 320 ngàn USD, chị V. hồn nhiên nghĩ rằng dù sao thì mình vẫn "lời chán" nên cứ thực hiện theo yêu cầu của "người vận chuyển". Tuy nhiên, đến ngày 24-3, nhận thấy mình có dấu hiệu bị lừa đảo, chị V. đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan CA. Chiều cùng ngày, khi Mbouwe Ebubu đang nhận 55 triệu đồng từ chị V. để mua hóa chất "xử lý" tiền thì bị cơ quan CA bắt giữ. Tổng cộng, chị V. đã chuyển cho các đối tượng lừa đảo hơn 286 triệu đồng.

Mbouwe Ebubu, người gửi két sắt đựng 320 ngàn USD cho chị V.

"Dự án triệu đô"

Mới đây, chị Nguyễn Thị H. (trú Q. Đống Đa, TP Hà Nội) đã trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo qua facebook. Theo chị H., cuối tháng 11-2015, qua mạng internet, có một đối tượng người nước ngoài đã làm quen với chị, rồi dẫn dụ chị từ Hà Nội sang Campuchia để đưa số tiền ngoại tệ nêu trên cho y. Cụ thể, khoảng đầu năm 2015, qua mạng Internet, chị H. đã làm quen với một nam thanh niên người nước ngoài có tên là Mohammad Nazim. Sau một thời gian quen biết và trò chuyện, người này cho chị biết, anh ta xuất thân trong một gia đình giàu có, dòng dõi hoàng tộc ở Ai Cập và đang nắm giữ thừa kế gia sản hàng tỷ USD. Qua bạn bè và báo chí, anh ta biết và đã đến TPHCM cùng một số tỉnh miền Trung (Việt Nam) du lịch nhiều lần. Qua đó, Nazim thực sự rất có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam, đồng thời có ý định muốn thành lập một "Quỹ phát triển cộng đồng" cho người Việt.

Số tiền Nazim sẽ đóng góp vào quỹ này khoảng 5 triệu USD sẽ dành một chỗ cho chị H. trong Ban Quản lý quỹ. Sau một thời gian trao đổi về việc triển khai "Quỹ" nêu trên, Nazim đề nghị chị H. chuyển trước cho anh ta 20 ngàn USD để làm các thủ tục pháp lý. Tuy chưa biết mặt mũi Mohammad Nazim như thế nào, nhưng sau khi nhận được thông tin về số tiền triển khai quỹ 5 triệu USD là khá lớn nên việc chuyển 20 ngàn USD với chị H. là không phải suy nghĩ nhiều. Vậy là chị đến một đại lý chuyên đổi ngoại tệ để gửi 20 ngàn USD vào đây. Sau đó, theo sự hướng dẫn của Nazim, chị H. phải sang Campuchia để "rút" số tiền này rồi trực tiếp đưa cho một người tên là Solomon, dưới sự ủy thác của Nazim. Chị H. đã nhiều lần chuyển số ngoại tệ cho Nazim, tổng cộng là 94 ngàn USD. Và sau khi đã hoàn tất các lần chuyển tiền, chị H. chờ mãi "dự án triệu đô" mà chẳng thấy đâu. Biết mình bị lừa, chị H. đến cơ quan CA trình báo. Qua đây, nhắc nhở mọi người về thủ đoạn lừa đảo nêu trên, đề nghị nhân dân nâng cao cảnh giác, để không bị mắc lừa như trường hợp tương tự..    

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều trường hợp sập bẫy của "người nước ngoài" với những chiêu trò tinh vi, vì vậy, những người tham gia các diễn đàn, các trang mạng xã hội cần hết sức cảnh giác đừng vì thấy lợi mà mất lý trí, biến mình thành nạn nhân của bọn lừa đảo.

P.V