TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Luật ban hành nhiều nhưng chậm đi vào cuộc sống

Thứ sáu, 02/10/2015 11:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng gồm các đại biểu: Huỳnh Ngọc Sơn, Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam, Nguyễn Thị Kim Thúy, Nguyễn Văn Hoàng đã có các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) các quận, huyện: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Qua buổi tiếp xúc, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của CT để chuẩn bị cho kỳ họp tới.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn thông báo với CT Đà Nẵng các nội dung
của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Nạn tham nhũng ngày càng phức tạp

Mở đầu buổi TXCT, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn-Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 10, Quốc khội khóa XIII diễn ra trong 40 ngày (33 ngày làm việc), khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc ngày 30-11. Đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ khóa XIII, có khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng gồm: xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; công tác xây dựng pháp luật (xem xét thông qua 17 dự án luật, Bộ luật và 2 Nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 9 dự án luật); xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng; giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.

Trước lo lắng của CT về tình trạng tham nhũng hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh,  tham nhũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, làm cản trở sự phát triển bền vững của đất nước, của chế độ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Dự báo trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Đáng chú ý là nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như: đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại; hoạt động hoàn thuế VAT... "Tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Đấu tranh phòng chống tham nhũng là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp, còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì nhằm từng bước phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng"- Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chỉ rõ.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa giải trình một số nội dung CT phản ánh tại buổi tiếp xúc. (Ảnh: N.T)

Sớm đưa luật vào cuộc sống

Đã có hơn 30 lượt ý kiến của CT các quận, huyện gởi gắm tới Đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng trong buổi tiếp xúc, tập trung vào các vấn đề soạn thảo các dự án Luật, công tác giám sát và thực thi pháp luật; việc bỏ tử hình ở một số tội danh; vấn đề về tai nạn giao thông; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phòng, chống tham nhũng; các vấn đề phát triển, đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con gái khi về hưu không được hưởng chế độ hưu trí; việc xóa 10.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Nhà nước... Phát biểu kết luận các buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH TP ghi nhận các ý kiến phát biểu của CT và cho biết sẽ làm văn bản báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, ban ngành liên quan xem xét, giải quyết. Đồng thời các đại biểu cũng đã giải trình cụ thể một số ý kiến của CT ngay tại buổi tiếp xúc.

Ý kiến của các CT Đặng Vân (Hải Châu) cho rằng, việc Quốc hội xem xét thông qua các dự án luật, Pháp lệnh là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, điều mà CT chúng tôi quan tâm hơn cả là việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, có như vậy chính sách và luật pháp của Nhà nước, Quốc hội mới đi vào cuộc sống. Đề nghị Quốc hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát tối cao của các cơ quan hành pháp, tư pháp trong những năm qua. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, rất tâm đắc ý kiến này. Ông cho biết, qua giám sát, ĐB Quốc hội cũng thấy rằng Luật ban hành nhiều nhưng Luật sửa đổi cũng nhiều, thứ hai là Luật đi vào cuộc sống rất chậm. Đại biểu Huỳnh Nghĩa lấy ví dụ, như Luật cấm hút thuốc lá đã được thông qua và có hiệu lực nhưng khi kiểm tra lại thì rất khó thực hiện. Hay như Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó có phần xử lý hành chính người nghiện ma túy thì nảy sinh nhiều vấn đề rất nhiêu khê, phải qua Tòa án ra bản án mới đưa được người nghiện ma túy đi cai nghiện... Qua đó tiếp thu ý kiến của CT và hứa sẽ tiếp tục thảo luật, báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để Luật thông qua được nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Về ý kiến của CT các quận Hải Châu, Sơn Trà phản ánh việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, một số ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh như dự thảo Bộ luật Hình sự trình Quốc hội gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; vận chuyển trái phép chất ma túy. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này vì tính chất đặc biệt nguy hiểm của loại tội phạm này và để đảm bảo tương quan với các tội danh khác đang còn giữ lại hình phạt tử hình. Riêng tội tham nhũng, qua họp đại biểu chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì nhiều đại biểu cho rằng tội này không thể bỏ hình phạt tử hình.

Ý kiến của CT Nguyễn Văn Lý- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP cho rằng, từ lâu nay, Nhà nước và Quốc hội đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa tiếp cận vì nhiều lý do khác nhau. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng năng lực cạnh tranh của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa còn quá yếu kém, vì vậy cộng đồng DN mong rằng Quốc hội có các chính sách hỗ trợ cho DNNVV tăng năng lực cạnh tranh, hỗ trợ hội nhập quốc tế. Đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết, trong kỳ họp tới các đại biểu sẽ có ý kiến với Quốc hội và Chính phủ để xem xét, hỗ trợ DN nói chung và DNNVV...

N. Tuấn - V. Hậu - L. Hùng