Lực lượng Phòng vệ Nhật - "Hổ dữ không răng"?

Thứ năm, 29/10/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Quân đội Nhật bắt đầu suy yếu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Để thay thế, Tokyo khai sinh Lực lượng Phòng vệ (JSDF) song đáng tiếc, JSDF vẫn luôn được ví như là "Hổ dữ không răng".

Chưa từng bắn viên đạn nào?

Những năm đầu thế kỷ XX, Nhật không chỉ là quốc gia có quân đội hùng mạnh mà còn là nơi tập trung sức mạnh đoàn kết. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, gió lại đổi chiều.

Từ tấn công sang phòng thủ là cách người Nhật đã làm để xây dựng lực lượng quốc phòng mới. Sở dĩ có chiến thuật này là do trong Thế chiến II, Nhật bị thất bại, nên không còn mặn mà với chiến tranh và quân đội. Một trang sử mới được viết bởi người Mỹ, những người chiến thắng đã ép người Nhật không xây dựng lượng vũ trang chính quy. Nhật trở thành quốc gia heiwakokka (Hòa bình).

Sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), người Mỹ bắt đầu lo lắng và hối thúc Nhật xây dựng lại lực lượng quân đội. JSDF ra đời một cách chóng vánh. Nhưng lực lượng quân đội này cho đến nay vẫn chưa bắn một viên đạn nào. Chính vì vậy trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, JSDF bị coi là "Hổ dữ không răng".

JSDF trong một cuộc diễn tập với xe tăng.

Người anh hùng bất đắc dĩ?

Vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, trước sức ép của dư luận,  quân đội Nhật buộc phải thay đổi tư duy, tự đánh bóng tên tuổi, nhưng không phải trên chiến trường, mà là trong vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế.

Một trong những công việc đầu tiên của JSDF trong đội hình giữ gìn hòa bình quốc tế là tham chiến chớp nhoáng tại miền nam Iraq, với tư cách "đồng minh, tự nguyện" của Mỹ. Thực tế, JSDF gặp rất nhiều bất lợi trong chiến đấu, như đội quân không có kinh nghiệm hay trang thiết bị còn nghèo nàn. Mặc dù vậy, JSDF đôi khi được ca ngợi, nhất là trong công tác cứu hộ như trong trận động đất Kobe-Awaji năm 1995 hay thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011. Và mỗi khi nói đến JSDF, nhiều người dân Nhật lại nghĩ đây là đội quân cứu hộ đúng hơn là quân đội chính quy của một cường quốc.

Bắt đầu từ năm 2015, khi Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Dân chủ Tự do lên nắm quyền, mọi việc có nhiều thay đổi. Hai dự luật an ninh gây tranh cãi đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 9 là cú hích giúp JSDF phát huy vai trò bảo vệ đồng minh ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu bị tấn công.

JSDF sẽ tham chiến nếu…

Ngay sau khi 2 dự luật an ninh được Quốc hội phê duyệt, giới phân tích quân sự cho rằng, lịch sử của JSDF sẽ sang trang mới, trở thành lực lượng tham chiến hiệu quả.

Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc Nhật có thể bị lôi kéo vào những cuộc xung đột ở nước ngoài, thậm chí cả khả năng khởi động cuộc chiến mới, nhưng thực tế điều này khó có thể xảy ra, bởi JSDF đã được đặt trong bối cảnh "bị kiểm soát bởi các đạo luật". Theo các đạo luật này, JSDF chỉ có thể giúp đồng minh một khi hội tụ đủ 3 tiêu chí: một là sự sống còn của Nhật đang bị đe dọa; hai là đã tính đến mọi giải pháp phi quân sự khác và ba là việc sử dụng vũ lực phải nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm lược.

JSDF hiện được hỗ trợ, trang bị những thiết bị tối tân nhất Châu Á, kể cả xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4, trực thăng tấn công Apache, máy bay do thám hiện đại... Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của lực lượng phòng vệ nói chung của Nhật vẫn là văn hóa, luật pháp và ngân sách. Ví dụ, Nhật hiện vẫn đang tiếp tục cấm vũ khí tấn công như máy bay ném bom, tàu sân bay, và tên lửa đạn đạo tầm xa, cũng như không có kế hoạch sử dụng các loại khí tài này trong tương lai vì rào cản pháp lý.

Kim Hùng

(Theo BBC)