Lùm xùm Nga - Mỹ gợi nhớ vụ Watergate

Thứ hai, 06/03/2017 11:24

(Cadn.com.vn) - Những tranh cãi xung quanh việc Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Jeff Sessions bác bỏ việc đã từng  gặp một quan chức Nga khiến nhiều người nhớ đến bê bối chính trị tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ - vụ Watergate.

Vụ bê bối năm 1972, vốn khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức, bùng nổ sau khi  một trang web gián điệp chính trị, phá hoại và tham nhũng bị phơi bày với giới truyền thông. Luật sư của Tổng thống Nixon, ông John Dean, người được FBI mô tả là "bậc thầy thao túng", cho rằng cơn bão chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay và vụ Watergate khá giống nhau. "Tôi nghe tiếng vọng của vụ Watergate kể từ khi tân tổng thống bắt đầu nhiệm sở. Không phải là vụ Watergate phiên bản 2.0 nhưng chúng tôi nhìn thấy xu hướng giống nhau và việc ông Jeff Sessions bác bỏ cáo buộc trước Thượng viện là một trong số đó", ông nói.

Vụ Watergate khiến Nixon trở thành tổng thống duy nhất của Mỹ phải từ chức. Ảnh: BBC

Những gì đã xảy ra trong vụ Watergate?

Watergate là tên khu phức hợp văn phòng và khách sạn ở Washington, nơi 5 người đàn ông bị bắt giữ vào tháng 6-1972 khi đang cố gắng đột nhập văn phòng của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC). Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lần ra manh mối của chiến dịch do thám này: chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là đảng Dân chủ. Tháng 4-1974, Tổng thống Nixon công bố các băng đã được chỉnh sửa các cuộc trò chuyện của mình về vụ Watergate. Tháng 7-1974, Tòa án tối cao ra lệnh cho ông Nixon bàn giao các đoạn băng gốc và Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã tổ chức luận tội ông. Tháng 8-1974, ông Nixon thừa nhận đã che đậy và cố gắng ngăn chặn cuộc điều tra của FBI. 4 ngày sau đó, ông trở thành tổng thống duy nhất của Mỹ phải từ chức.

Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Trump bị cáo buộc có quan hệ với Nga có thực sự giống những gì đã xảy ra 45 năm trước?

DNC là mục tiêu

Một điểm chung giữa hai vụ việc là DNC. Mục tiêu của vụ Watergate cũng đã được nhắm đến trong chiến dịch bầu cử Mỹ hồi năm ngoái, khi các email của DNC đã bị đánh cắp và bị rò rỉ.

Các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ đột nhập DNC, nhưng Moscow phủ nhận mọi liên quan. Một số nhà bình luận - trong đó có luật sư của cựu Tổng thống George W Bush, Richard Painter - cho rằng, vụ bê bối hiện nay khiến vụ Watergate trở nên tầm thường. "Những sự thực trong vụ điều tra hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với các sự kiện trong giai đoạn đầu của vụ Watergate, vốn là sự đột nhập đơn giản do các quan chức trong chiến dịch tranh cử ra lệnh tiến hành, chứ không phải do tổng thống", ông Painter nhận định. "Ở đây chúng ta có những sự kiện tồi tệ hơn nhiều. Chúng ta có một thế lực nước ngoài sắp đặt vụ đột nhập. Tình huống tồi tệ hơn nhiều so với giai đoạn đầu của vụ Watergate", ông Painter nói thêm.

Bộ trưởng Tư pháp bị giám sát

Việc Bộ trưởng Tư pháp Sessions nói dối cũng được so sánh với vụ Watergate. Một trong những Bộ trưởng Tư pháp của ông Nixon, John Mitchell, đã bị bỏ tù vì tội khai man trước tòa về vai trò của mình trong vụ bê bối. Người kế nhiệm ông Mitchell, Richard Kleindienst, không dính líu tới vụ Watergate nhưng đã nhận tội không làm chứng đầy đủ trước Thượng viện vào năm 1974. "Rõ ràng ông Sessions đã không trung thực khi ông nhậm chức trước Thượng viện. Những tiếng vọng kỳ quái của vụ Watergate đang đến", ông Dean nói.

Ông Sessions hiện đang phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức vì không thừa nhận đã gặp Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn cũng từ chức hồi tháng trước do có mối liên hệ với ông Kislyak. Nhiều người cho rằng, ông Flynn đã thảo luận các vấn đề ngoại giao với ông Kislyak trước khi đảm nhận vai trò tại Nhà Trắng. Động thái này là bất hợp pháp. Một số nhà bình luận hiện đang kêu gọi lập ủy ban lưỡng đảng tương tự vụ Watergate để điều tra mối liên hệ giữa chính quyền Trump và Nga.

An Bình (Theo BBC)