Lưu giữ hồn quê

Thứ năm, 04/04/2019 10:31

Người dân xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) hội thi "têm trầu cánh phượng" tại lễ hội các đình làng.

Có thể nói, Hòa Nhơn là xã đầu tiên ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) sớm chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy và đưa di sản văn hóa về với cộng đồng. Từ năm 2018, chính quyền địa phương nỗ lực hợp nhất dân làng 15 thôn (khoảng 3.700 hộ dân) với 7/15 ngôi đình đã được TP công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cùng tổ chức chung một lễ hội các đình làng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương (mồng 10-3 âm lịch) hằng năm để tiết kiệm chi phí và tránh thời gian dàn trải. Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội ở Hòa Nhơn là việc người dân đồng thuận tái tạo và thực hành các nghi lễ tế cổ truyền. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống mang tính đặc trưng. Bên cạnh sự sôi nổi tham gia vào các hoạt động văn hóa - thể thao, lớp trẻ còn có nhu cầu tìm hiểu những tư liệu, những câu chuyện lịch sử về các ngôi đình, miếu cổ... Lão nông Nguyễn Lo (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) cho biết, những người có tuổi như ông rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ sẽ không giữ nổi những gì cha ông ngày xưa để lại. Ở làng ông, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân tự nguyện hiến đất mở đường để khỏi xâm phạm đến các di tích cổ xưa. Bởi theo ông, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa làng quê như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người "tối lửa, tắt đèn có nhau"...

Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như lưu giữ "hồn quê" thì công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của bản thân, vừa tiếp thu nếp sống đô thị, nếp sống công nghiệp vừa bảo vệ, phát huy giá trị của gia đình truyền thống lấy đạo hiếu làm đầu, trên kính dưới nhường, anh em hòa thuận. Các dòng họ giáo dục con cháu xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ với chính dòng họ mình gắn với việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của quê hương; quan tâm chăm sóc, bảo vệ các ngôi đình, miếu cổ; tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống lễ hội của làng, có sức thu hút gắn với phát triển kinh tế - xã hội ngày càng văn minh giàu đẹp; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về việc "Phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát, việc hợp nhất lễ hội các đình làng ở địa phương là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân. Bởi, mỗi di tích cổ xưa đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về làng lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm với quê hương hơn. "Trong quá trình đô thị hóa nông thôn, bản sắc văn hóa làng quê nơi đây vẫn luôn giữ được sự mộc mạc, thuần nhất. Bản sắc văn hóa này hiện đang được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy, tạo sức mạnh nội lực để người dân thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, đẩy lùi những thói hư, tật xấu và các tệ nạn xã hội; góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời xây dựng người nông dân mới vừa có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt", anh Nguyễn Tấn Phát chia sẻ thêm.

VY HẬU