Lưu giữ những "linh hồn" của biển

Thứ tư, 11/11/2015 09:11

(Cadn.com.vn) - Tròn 10 năm tìm tòi và lưu giữ những "linh hồn" của biển, anh Phan Thanh Toại (HLV trưởng bộ môn bơi lặn tại Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo vận động viên TP Đà Nẵng) đã sở hữu bộ sưu tập ốc biển đồ sộ lên tới hàng vạn con với hơn 1.000 loài khác nhau. Ngoài bảng thành tích "dày cộm" với bằng khen, huy chương, cúp lưu niệm, thì bộ sưu tập ốc biển không khác gì một khối tài sản giá trị và ý nghĩa đối với vị HLV 41 tuổi này.

Anh Phan Thanh Toại bên con ốc tai Phật "khổng lồ" của mình.

Yêu ốc từ tình yêu biển đảo

Sinh ra và lớn lên tại vùng biển miền Trung, ngay từ nhỏ anh đã có thói quen lượm lặt những con ốc biển nhiều màu sắc về ngắm nghía. Với anh Toại, những con ốc dưới ánh nhìn trẻ thơ thật lung linh và mới mẻ, nhưng đó chỉ là sở thích mỗi lúc đi dạo biển. Mãi đến năm 2005, ý định về việc sưu tầm ốc biển mới bắt đầu thôi thúc trong anh. "Lần đó tôi đi công tác bên Trung Quốc phát hiện họ có rất nhiều sách phổ biến về các loại ốc, đặc biệt có sách về 500 mẫu ốc biển đẹp nhất của Trung Quốc. Tôi chợt chạnh lòng, vì Việt Nam mình đâu thiếu những loài ốc đẹp như vậy. Thế là tôi bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu, cố gắng sưu tầm thật nhiều để ốc Việt Nam cũng được sánh ngang với các loài ốc khác trên thế giới"-anh Toại bộc bạch. Nói là làm, anh Toại dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu thông tin trên mạng và bắt đầu hành trình tìm kiếm những con ốc biển xinh đẹp của biển đảo quê hương.

Theo cuốn sách "Shells of Vietnam" (tạm dịch: Ốc Việt Nam) do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thạch biên dịch mà anh Toại đang cất giữ thì Việt Nam có khoảng 2.500 loại ốc biển khác nhau, được liệt kê đầy đủ trong cuốn "từ điển ốc" đa dạng này với những hình ảnh trực quan, cụ thể. Vậy mà bộ sưu tập của anh Toại đã có đến hơn 1.000 loại ốc, chiếm hơn phân nửa số lượng ốc hiện có trên dải đất hình chữ S. Dựa vào cuốn sách ấy, anh Toại đã tìm kiếm khắp nơi thu nhặt về hàng vạn con ốc, có cả những loài chưa được kể tên trong cuốn sách. "Tiêu chí chọn ốc của tôi là ốc phải còn nguyên vẹn, chưa có sự can thiệp khắc, chạm của bàn tay con người, đảm bảo tính mỹ thuật và phải là loại mà tôi chưa có" - anh Toại cho hay. Đến nay, những tủ kính trưng bày trong phòng làm việc của anh không chỉ đặt những con ốc biển độc đáo, đủ kích cỡ mà còn có cả những con bị "đột biến" với hình dạng và màu sắc khác biệt, mới lạ. Bộ sưu tập của anh có những chú ốc hình chiếc lá, chiếc loa, tai Phật, bàn tay, bình trà... Có loại anh chỉ có duy nhất 1 con nhưng cũng có loại anh sưu tầm đến hàng chục con, mỗi con mỗi vẻ, không có con nào giống con nào. Để làm được điều này là cả một hành trình kỳ công mà nếu không có niềm say mê, yêu thích, khó ai có thể kiên nhẫn đến tận 10 năm như anh Toại.

Hỏi về giá trị của bộ sưu tập, anh Toại cho rằng, với anh, ý nghĩa tinh thần từ những con ốc mang lại lớn lao hơn nhiều so với giá trị vật chất của nó. Nhiều người đặt vấn đề mua lại những con ốc này nhưng anh không bán, bởi mục đích của anh chỉ là sưu tầm chứ không hề kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, cán bộ làm việc cùng phòng với anh Toại cho biết: "Tôi chưa thấy ai có cái đam mê lạ như ảnh. Cứ vài ngày ảnh lại đem về một loạt ốc lạ, ốc đẹp, riết rồi không còn chỗ để". Kỹ càng là vậy, nhưng anh Toại cũng không khỏi xuýt xoa khi kể về con ốc mực giấy anh cực kỳ yêu thích đã bị anh lỡ tay làm rơi vỡ. Lần đó, anh đã phải mất tới 3 ngày để kỳ công dán lại cho bằng được con ốc đặc biệt này.

Bộ sưu tập ốc biển đa dạng và nhiều chủng loại với những kiểu dáng, màu sắc vô cùng bắt mắt.

"Săn" ốc không sót nơi nào

Ở Việt Nam, gần như chưa có vùng biển nào là anh Toại chưa đặt chân đến. Do đặc thù công việc, mỗi lần đi công tác tại các vùng biển Tổ quốc, anh đều tranh thủ "săn lùng" những loại ốc đặc thù nơi đó. Từ Cù lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quốc cho đến Hoàng Sa, Trường Sa,... đến nơi nào anh cũng đem về vài loại ốc lạ, quý hiếm. Những loại ốc anh vũ, ốc mực giấy (vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa), ốc tù và bông, ốc tai Phật (đảo Lý Sơn), ốc tai tượng, tai nghé (quần đảo Trường Sa), ốc cối mũ vua (vùng giáp ranh giữa Trường Sa và Philippines)... đều được anh đưa về "yên vị" trong tủ kính. Bên cạnh việc trực tiếp đi tìm, anh cũng rất chịu khó đến những điểm thu mua vỏ ốc của ngư dân, "đặt hàng" trước thông qua họ, nhắn nhủ nếu có ốc đẹp, ốc lạ thì hãy liên hệ với anh. "Có đôi khi ốc người ta đem về là loại tôi có rồi, nhưng tôi vẫn mua lại, xem như một lời cảm ơn với họ vì đã lưu ý đến lời đề nghị của tôi, đồng thời cũng là tăng thêm số lượng cho bộ sưu tập của mình" - anh Toại tâm sự.

Trong dãy tủ kính chứa đầy ốc của anh Toại có những con chỉ bé xíu bằng cái móng tay, nhưng cũng có những con có kích thước ngoại cỡ. Con ốc "đầu đàn" trong bộ sưu tập của anh là ốc tai Phật, được tìm thấy ở đảo Lý Sơn, cao 42cm, lúc còn thịt nặng đến... 7kg. Đặc biệt, anh còn có 2 mẫu hóa thạch của ốc anh vũ-một loại hóa thạch cực kỳ quý hiếm, được xem là "hóa thạch sống" bởi chúng rất ít thay đổi so với tổ tiên cách đây 400 - 500 triệu năm. 2 hóa thạch mà anh Toại may mắn có được ở vào khoảng 240 triệu năm tuổi. Ngoài ra, anh cũng có hẳn một bộ sưu tập cua hóa thạch với 40 cá thể còn nguyên vẹn, nhiều hình thù, kích thước khác nhau. Anh cho biết, ở Bảo tàng Quảng Ninh cũng có trưng bày cua hóa thạch, nhưng chỉ có 4 con và không còn nguyên vẹn.

Nói về mong muốn phát triển bộ sưu tập trong tương lai, anh Toại chia sẻ: "Tôi rất muốn được đưa bộ sưu tập ốc biển của mình ra trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng để nhiều người biết được Việt Nam mình cũng có những loài ốc đẹp và độc đáo như thế nào, nhưng chưa có điều kiện. Vậy nên bây giờ vẫn cứ tiếp tục sưu tầm mà thôi, càng nhiều càng tốt". Mong là không lâu nữa, những con ốc xinh đẹp bó hẹp trong khung tủ kính phòng làm việc của anh Toại sẽ có dịp được nhiều người biết đến hơn, thậm chí có thể "khoe sắc" với nhiều loài ốc khác trên thế giới.

Thảo Vy