Lưu giữ văn hóa truyền thống Cơ Tu

Thứ tư, 30/03/2016 09:26

(Cadn.com.vn) - Giữa không gian phố thị nhưng các nghệ nhân Cơ Tu vẫn say mê biểu diễn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong chương trình giới thiệu - trưng bày văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng (đang diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng).

Điệu múa Tungtung Yayá đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc biểu diễn tại thành phố Đà Nẵng.

Anh Alăng Đại (thị trấn Prao, H. Đông Giang, Quảng Nam) kể, từ khi biết mình sẽ xuống Đà Nẵng anh hồi hộp lắm. Bởi đây là lần đầu tiên anh được xuống thành phố để biểu diễn nghệ thuật tạc tượng của đồng bào Cơ Tu. Nhìn anh Đại khéo léo đục đẽo từng đường nét của hình tượng mà các bạn trẻ thành phố Đà Nẵng đều trầm trồ. Anh Đại nói: "Lâu nay mình đi nhiều nơi để tạc tượng nhưng đây là lần đầu tiên giới thiệu nghệ thuật này của đồng bào mình với người dân thành phố Đà Nẵng". Anh Đại kể, học nghề tạc tượng từ cha của mình, tuy nhiên khi còn trẻ nhưng không mặn mà gì với loại hình nghệ thuật này. Nhưng rồi suy nghĩ của anh Đại thay đổi, khi cha mất.

"Mình học tạc tượng để cha vui thôi, chứ không chú tâm học. Khi cha mất thì mình rất buồn nên quyết định dựng một nhà mồ cho cha, mình nhớ lại những kiến thức được cha truyền dạy và tạc những hình tượng lên nhà mồ" - anh Đại nhớ lại. Sau chuyện đó, anh Đại dành thời gian nghiên cứu, rồi say mê nghệ thuật tạc tượng của đồng bào Cơ Tu, để bây giờ anh trở thành người lưu giữ hồn cốt của nghệ thuật tạc tượng. "Các hình tượng không phải muốn là tạc đâu, phải có những quy định của nó. Như tạc tượng ở nhà mồ thì phải có hình uống rượu, hình mẹ bồng con, nếu người nhà cúng trâu cho người chết thì mới được tạc hình tượng con trâu lên nhà mồ. Các hình tượng này có ý nghĩa người chết vẫn sống gần gũi với những người đang sống" - anh Đại giải thích. Sợ nghệ thuật tạc tượng mất đi nên bây giờ  anh đang truyền nghề cho 6 thanh niên của làng, không chỉ vậy nghệ thuật này còn giúp anh Đại có thu nhập khi làm nhà mồ cho bà con đồng bào Cơ Tu.

Anh Alăng Đại biểu diễn nghệ thuật tạc tượng của đồng bào Cơ Tu.

Cũng như Alăng Đại, già Príu Đô (xã Sông Kôn, H. Đông Giang) cũng rất tự hào về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Đến Đà Nẵng lần này, ông giới thiệu nghệ thuật đan mây tre và đan gùi của đồng bào Cơ Tu, những sản phẩm gắn bó với đời sống của người dân. Gìa Príu Đô kể, làng Bhờ Hồông của ông là làng du lịch nên việc giữ gìn những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu được gìn giữ rất cẩn thận. Từ đan gùi, dệt thổ cẩm đến sử dụng những nhạc cụ của Cơ tu đều được người dân biết. Trong làng Bhờ Hồông, già Príu Đô là người chơi khèn Trờhoong rất hay. Ông kể tiếng khèn Trờhoong không chỉ được thổi lên trong dịp lễ hội, mà còn dùng để thổ lộ tình yêu của chàng trai với cô gái.

"Yêu một cô gái ở làng khác và vì đường rừng cách trở nên chàng trai dùng tiếng khèn Trờhoong để thể hiện tình cảm của mình, ý nghĩa của chiếc khèn là thế, mà đồng bào Cơ Tu có nhiều nhạc cụ khác nữa, mỗi nhạc cụ có ý nghĩa riêng. Hằng tuần, có nhiều khách du lịch nước ngoài đến làng Bhờ Hồông tham quan nên  dân làng mình biểu diễn những văn hóa của Cơ Tu. Du khách xem thích lắm, mình biểu diễn cũng có tiền nhưng quan trọng là văn hóa Cơ Tu được giới thiệu với du khách quốc tế" - già Príu Đô nói.

Trong chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống đồng bào Cơ Tu, đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng góp mặt với cồng chiêng và điệu múa Tungtung Yayá. Ông Trần Văn Trí  (thôn Tà Lang) cho biết múa Tungtung Yayá xuất hiện trong nhiều sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội lớn của người Cơ Tu như lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... Tuy vậy, với đồng bào Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, nhiều nét văn hóa đã bị phai mờ. Ông Trí tâm sự: "Tôi học đánh cồng chiêng từ năm 18 tuổi, do người già trong làng truyền dạy. Đến nay, những người già lần lượt ra đi, người biết về cồng chiêng ít dần. Tôi lo một ngày nào đó nghệ thuật này sẽ mai một nếu không có hướng bảo tồn".

Với nhiều hoạt động, việc trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã mang đến nhiều cái nhìn mới mẻ cho người xem. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng cho rằng văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu là hiếm có và không lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác. Trang phục truyền thống là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu, với hoa văn trang trí được dệt trực tiếp bằng hạt cườm và kỹ thuật dệt vải rất độc đáo. Còn lễ hội lại là nét văn hóa độc đáo khác, khi các lễ hội của đồng bào Cơ Tu luôn gắn với nhạc và điệu múa truyền thống Tungtung Yayá. Mặt nạ trong văn hóa của người Cơ Tu là một yếu tố văn hóa đặc sắc, được sử dụng trong các điệu múa mừng chiến thắng, trong lễ cải mả hay các nghi lễ cầu mùa, cầu may...

"Cộng đồng người Cơ Tu đã sáng tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có của dân tộc mình về mặt trang phục, âm nhạc, lễ hội, phong tục tập quán. Những nét văn hóa ấy đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy việc bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu là điều cần thiết phải thực hiện" - ông Hùng nói.

Việc thành phố Đà Nẵng tổ chức trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam và Đà Nẵng, đã mang lại cho người xem những hiểu biết nhất định về văn hóa Cơ Tu, mà còn góp phần quảng bá và giữ gìn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu.

Hoàng Anh