Ly hôn ở gia đình trẻ - những hệ lụy

Thứ năm, 18/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Thống kê của TAND Q.Thanh Khê (Đà Nẵng), từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2012 đã thụ lý tổng số 439 vụ ly hôn, trong đó các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi là 416 vụ. Thực tế trên cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các gia đình trẻ đáng báo động. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn đôi khi lại rất nhỏ nhặt, nhưng chung quy đều có một điểm chung là các cặp vợ chồng trẻ chưa chuẩn bị kỹ trước khi lập gia đình.

Đâu là nguyên nhân?

Trong số đơn gửi đến tòa phần lớn là người vợ đứng đơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn cũng "muôn hình vạn trạng": có thể do mâu thuẫn gia đình kéo dài; bị đánh đập, ngược đãi; ngoại tình; bệnh tật, không có con; do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc... Trong số 439 vụ ly hôn như nói trên, có tới 204 vụ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình và trong 416 gia đình dưới 30 tuổi ly hôn đã có đến 265 cặp vợ chồng chỉ trên dưới 20 tuổi.

Và trong cái nguyên nhân chung chung "mâu thuẫn gia đình" đó đa phần xuất phát từ việc yêu vội, cưới gấp cũng như việc "ăn cơm trước kẻng" nên phải cưới nhau để hợp thức cho "hậu quả" để lại cũng là nguyên nhân dẫn đến kết thúc sớm của một gia đình trẻ. Thực sự họ chưa đủ thời gian để nhìn nhận vấn đề hôn nhân gia đình một cách thực tế. Chính vì vậy khi về với nhau, cả hai đã không tìm thấy được tiếng nói chung, quá thất vọng về nhau và rồi phải kết thúc buồn bằng việc đưa nhau ra tòa. Số vụ ly hôn ở những gia đình trẻ ngày một tăng cao còn có những nguyên nhân khác như khi kết hôn quá trẻ, kiến thức về pháp luật, kiến thức về cuộc sống vợ chồng chưa chín chắn nên xử sự với nhau theo kiểu "trẻ con", chẳng ai nhịn ai. Cũng vì kết hôn trẻ nên phần lớn nghề nghiệp chưa ổn định, kinh tế không đảm bảo cho cuộc sống vì vậy cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn.

Trường hợp ra tòa của anh T. và chị N. là một trong những vụ điển hình. Chị gửi đơn đến TAND Q.Thanh Khê yêu cầu được ly hôn vì rất nhiều lý do, trong đó chị cho biết: Thời gian để anh chị tìm hiểu về nhau quá ngắn ngủi, gặp gỡ chuyện trò quá ít nên không thể hiểu rõ về tính cách của nhau. Khi cưới nhau về những mâu thuẫn cứ ngày một tăng lên, giữa hai người không có tiếng nói chung. Anh là người bảo thủ, sống thiếu trách nhiệm với vợ con, rượu chè, cờ bạc và đặc biệt là hay đánh đập chị... Dù đã nhiều lần tha thứ cho anh với mong muốn anh thay đổi nhưng cuối cùng chị đã không tìm thấy ở anh một sự thay đổi nào.

Một phiên tòa ly hôn tại TP Đà Nẵng. 

Những hệ lụy từ gia đình đổ vỡ!

Dù muốn hay không, một cuộc hôn nhân khi đã đưa ra tòa để chờ một phán quyết nhằm giải thoát cho cả hai luôn để lại những hệ lụy, nhất là đối với con cái. Và vì cái tôi nhất thời, không nghĩ đến con, họ đã đường ai nấy đi. Chính vì vậy, số thiếu niên vi phạm pháp luật ở những gia đình có cha mẹ ly hôn cũng chiếm con số đáng kể. Không ít vụ án, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp của bị can là do bố mẹ ly dị, con cái không được quan tâm dạy bảo đúng mức nên bị bạn bè xấu rủ rê thành ra hư hỏng.

Chuyện "ăn cơm trước kẻng" đã để lại hậu quả không mong muốn đó là việc D. mang thai. Sau đám cưới được mấy tháng thì D. sinh con, "mẹ trẻ con" vốn chỉ biết chơi bời, nay lại phải chăm sóc con cái nên không chịu nổi. Còn H. (chồng D.) lại suốt ngày lông bông theo đám bạn, chẳng muốn về nhà vì ngại trông con, vậy là D. đành phải ôm con về nhà mẹ và kết thúc cuộc hôn nhân của mình. Cũng có nhiều trường hợp khi cả hai không thể sống chung với nhau, vợ chồng ly tán, những đứa trẻ khi lớn lên có những biểu hiện không bình thường về tâm lý. Chính vì vậy số trẻ em sớm vi phạm pháp luật ở những gia đình có cha mẹ ly hôn cũng chiếm con số đáng kể.

Như trường hợp của em N.L.N (trú Q. Thanh Khê) đang là học sinh nhưng lại tụ tập bạn bè chơi bời, để có tiền tiêu xài, N. đã cùng bạn đi trộm cắp tài sản. Hôm đứng trước vành móng ngựa, N. đã khóc và cho biết vì buồn khi cha mẹ chia tay nên chán học, ham chơi nghe bạn rủ rê mới hành động thiếu suy nghĩ như vậy. Trường hợp của N. chỉ là một trong số rất nhiều trẻ em trở thành "nạn nhân" sau khi cha mẹ mình ly hôn.

Với nhiều năm kinh nghiệm giải quyết các vụ ly hôn, Phó Chánh án TAND Q. Thanh Khê Trần Quốc Cường chia sẻ: "Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, lâu dài đòi hỏi khi yêu nhau cả hai phải có thời gian để tìm hiểu kỹ về nhau. Chuẩn bị tốt về kiến thức hôn nhân gia đình để khi có xung đột mâu thuẫn cũng có thể dễ dàng hóa giải được. Trong cuộc sống vợ chồng phải góp ý chân thành với nhau ngay ban đầu, lựa lời khuyên bảo, người nói có người nghe và phải thực sự tôn trọng lẫn nhau".

Có thể nói rằng, để có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và để hạn chế tình trạng ly hôn nói chung và ly hôn ở những gia đình trẻ nói riêng cần sự nỗ lực riêng của mỗi cá nhân và sự quan tâm chung của toàn xã hội. Trong đó việc mở những lớp tư vấn về kỹ năng sống, pháp luật hôn nhân gia đình cho các bạn trẻ làm cẩm nang trước khi vào cuộc sống mới. Đồng thời cũng từ những đoàn thể này có sự vào cuộc kịp thời hòa giải khi nhận thấy có mầm móng và nguy cơ rạn nứt để hạn chế tình trạng ly hôn đáng buồn về sau.

P.Trang